Có thể nói chưa khi nào mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới trong vòng 7 năm qua như ở thời điểm hiện tại. Hiện tất cả các nền kinh tế, các thị trường tài chính cũng như thị trường dầu mỏ toàn cầu đều đang nín thở chờ đợi cuộc họp của FED sẽ diễn ra vào ngày 15-16.3 tới đây để thảo luận việc có tăng lãi suất cơ bản từ mức 0,25-0,5% hiện nay lên mức 0,5-0,75% hay không.
Một quyết định nâng mức lãi suất đồng USD ở thời điểm hiện tại có thể đem đến những hiệu quả nhất định đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng sẽ là một tin sét đánh với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi. Vì thế, trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào mà việc cân nhắc có nên tăng lãi suất hay không lại khó khăn đến thế với FED.
Sở dĩ việc FED sẽ nhóm họp để quyết định xem có nên tăng lãi suất đồng USD vào ngày 15-16.3 tới đây lại nhận được sự chú ý lớn hơn hẳn thường lệ, là vì nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào trì trệ, và giờ là thời điểm FED quyết định xem đâu mới là vấn đề ưu tiên hơn: sự ổn định của kinh tế Mỹ hay việc vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Theo dự kiến, sau lần nâng lãi suất cơ bản lên 0,25-0,5% vào giữa tháng 12.2015, FED sẽ có thể nâng lãi suất cơ bản thêm 4 lần nữa trong năm 2016, sẽ được xem xét vào cuối mỗi quý trong năm. Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới hiện tại đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, khiến việc cân nhắc có nên tăng lãi suất hay không đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với FED.
Trước hết, đối với nền kinh tế Mỹ thì các chỉ số vĩ mô đang thiên về phương án tiếp tục nâng lãi suất. Dù vẫn đang có mức tăng trưởng được xem là chưa phải hồi phục hoàn toàn (chỉ hơn 2%), nhưng các chỉ số cơ bản của kinh tế Mỹ thì đã gần như được phục hồi. Việc làm đang được tạo ra nhiều hơn dự kiến, khi vào tháng 2 đã có tới 242.000 việc làm mới được tạo ra và cao hơn hẳn so với con số dự kiến là 195.000. Điều này đã đưa tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ về mức 4,9%, thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Việc làm tạo ra nhiều hơn, tỉ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát thì nhiều khả năng sẽ vượt qua mức mà FED kỳ vọng là 2%; tất cả những yếu tố này cho thấy một đợt tăng lãi suất mới để kiểm soát đà tăng trưởng là cần thiết với nền kinh tế Mỹ. Đây cũng là yêu cầu mà Quốc hội Mỹ đã đưa ra với FED, trong đó ưu tiên việc kiểm soát đà tăng trưởng kinh tế Mỹ một cách ổn định hơn hết. Vì thế, về phía Mỹ mà nói, FED đang có đầy đủ những lý do cần thiết để nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15-16.3 tới đây.
Tuy nhiên, về phía các nền kinh tế khác trên thế giới thì việc FED tiếp tục nâng lãi suất sau lần tăng đầu tiên vào giữa tháng 12.2015 có thể không phải là một tin tức tốt lành. Nền kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng ảm đạm khi mà hầu hết các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản hay Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng trì trệ, và một quyết định nâng lãi suất đồng USD của FED có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trước hết, việc đồng USD tăng giá do tăng lãi suất có thể khiến dòng tiền chảy khỏi các nền kinh tế khác nhanh hơn, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi. Chủ yếu trong đó là các công ty sẽ nhanh chóng quy đổi ra USD để trả nợ trước khi đồng bạc xanh tăng giá. Điều này sẽ khiến thị trường tại các quốc gia này bị biến động mạnh.
Điều tương tự cũng sẽ diễn ra trên thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường dầu lửa thế giới. Đồng USD tăng giá do tăng lãi suất có thể đẩy giá dầu sụt giảm mạnh thêm, do các công ty dầu lửa sẽ phải đẩy mạnh hơn sản lượng khai thác để có tiền trả nợ vốn đang trở nên nặng hơn do sự tăng giá của đồng bạc xanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tình trạng dư cung vốn là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới giá dầu sụt giảm sẽ còn trở nên trầm trọng hơn hết.
Không phải ngẫu nhiên khi mà giá dầu đã tụt thê thảm chỉ còn 26 USD/thùng và thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất tới 14.000 tỉ USD sau khi FED nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% và 0,5% vào giữa tháng 12 năm ngoái. Và gần như chắc chắn những tác động này sẽ lại diễn ra và ở một mức độ trầm trọng hơn nếu FED tiếp tục nâng lãi suất trong vài ngày tới.
Việc FED nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15-16.3 tới đây vì thế gần như không nhận được sự ủng hộ và đồng tình từ phía các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các quốc gia có mối quan hệ tốt với Mỹ như Nhật Bản và EU. Hiện tại cả Nhật Bản lẫn EU đều đang phải vật lộn với tình trạng trì trệ trong nền kinh tế của mình, và đã phải dùng tới cả một chính sách hiếm khi được áp dụng là lãi suất âm như một giải pháp cuối cùng để vực dậy tình hình. Nếu FED nâng lãi suất trong vài ngày tới thì cũng đồng nghĩa với việc tất cả các nỗ lực của ngân hàng trung ương Nhật Bản và châu Âu sẽ đổ sông đổ biển.
Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa mới quyết định tiếp tục hạ lãi suất từ -0,3% xuống còn -0,4%, đồng thời tăng thêm 30% quy mô cho chương trình mua trái phiếu. Đây được xem là một động thái chấp nhận mạo hiểm của ECB trong việc vực dậy nền kinh tế EU, và có vẻ như cũng đang ít nhiều chứng tỏ tác dụng khi chứng khoán châu Âu và cả chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau quyết định này.
Vì thế, nếu FED nâng lãi suất vào ngày 15-16.3 tới đây, nghĩa là chỉ sau khi ECB hạ lãi suất chỉ vài ngày, thì đó sẽ không khác gì một cái tát của bà Janet Yellen (chủ tịch FED) giáng vào ông Mario Draghi (thống đốc ECB). Và dĩ nhiên đây sẽ được xem là thêm một sức ép nữa có thể khiến FED không nâng lãi suất trong lần họp này.
Về lý thuyết, sự ưu tiên của FED sẽ là cho nền kinh tế Mỹ trước khi xem xét các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nhiều khả năng FED sẽ phải đi ngược lại với nguyên tắc chủ đạo đó của mình. Hiện nền kinh tế toàn cầu đang ở trong một tình trạng tương đối xấu và đang gia tăng sự ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ vốn đang có đà phục hồi khá mạnh.
Bản thân việc tăng lãi suất cũng đang có ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ, thông qua sự sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài do nhu cầu hàng hóa tại các quốc gia sụt giảm, ngoài ra việc đồng bạc xanh tăng giá cũng khiến hàng hóa Mỹ gặp khó khăn hơn trong tiêu thụ, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Nếu FED tăng lãi suất, thì cánh buồm là nền kinh tế Mỹ dù có căng gió tới đâu thì cũng sẽ dần bị kéo xuống nước khi mà cả con tàu là nền kinh tế thế giới đang chìm dần.
Chính vì điều này nên nhiều nhà kinh tế đang đặt cược rằng FED sẽ xem xét không tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 15-16.3 tới đây, và có thể sẽ lùi việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 tới. Tỉ lệ cho việc FED tăng lãi suất vào tháng 3 đang là khoảng 30%, và vào tháng 6 là 50%. Nói cách khác, FED có thể sẽ cho nền kinh tế thế giới thêm một khoảng đợi là 3 tháng để xem tình hình có được cải thiện trước khi quyết định có tăng lãi suất hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi chủ nghĩa dân túy ở Mỹ đang trở nên cao trào hơn bao giờ hết, thì không có gì là không thể, kể cả việc FED tăng ngay lãi suất trong tháng 3.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon