Trường Đại học Y khoa Tokyo và Trung tâm RIKEN Quantitative Biology nghiên cứu xác định được bảy gen chịu trách nhiệm tạo ra giấc ngủ hay thức tỉnh ở những con chuột.
Thí nghiệm dùng 21 con chuột đã biến đổi gen, chúng có khoảng thời gian ngủ khác nhau. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết giúp đỡ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ và các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan.
Tất cả các loài động vật sinh trưởng đều có thời gian cho giấc ngủ khác nhau. Ở người, thời gian ngủ thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta, nó giảm dần từ khi sinh ra cho đến lúc già. Cơ thể động vật có vú dùng thời gian ngủ để phục hồi cơ thể trước những tác động của cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như loại bỏ các chất thải ở não, phục hồi lại hệ thống miễn dịch, và dùng thời gian khi ngủ để sắp xếp lại kinh nghiệm và các ký ức lâu ngày. Tuy nhiên, những lý do cơ bản và cơ chế tạo ra quy định thời gian của giấc ngủ vẫn chưa được hiểu hết.
Giáo sư Hiroki Ueda và nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Y khoa Tokyo và Trung tâm RIKEN Quantitative Biology, đã phát triển một mô hình tính toán giấc ngủ, trên cơ sở đó họ cho rằng thời gian ngủ là sự chi phối của canxi và một số gen xác định. Nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra 21 con chuột biến đổi gen khác nhau, hé lộ một cơ chế điều chỉnh các ion canxi thực sự kiểm soát được thời gian của giấc ngủ.
Hình ảnh não chuột phát sáng huỳnh quang, lúc hoạt động thần kinh cấp thấp trong khi ngủ (bên trái) và hoạt động thần kinh làm nó thức dậy (bên phải)
(Ảnh từ sciencedaily.com /bản quyền: Ueda lab.)
Nhóm nghiên cứu áp dụng các kết quả từ phương pháp CRISPR được phát triển trong nghiên cứu trước, để loại trừ các gen liên quan đến sự chi phối canxi trên 21 con chuột biến đổi gen. Trong số này, có bảy gen tạo nên sự thay đổi đáng kể thời gian ngủ của chúng. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng khi dòng ion canxi được bơm vào tế bào thần kinh những con chuột rơi ngay vào giấc ngủ, và các ion canxi được rút ra khỏi tế bào thần kinh thì những con chuột thức giấc. Những kết quả hoàn toàn phù hợp với các tính toán của các nhà nghiên cứu.
"Giấc ngủ là một trong những chức năng sinh lý cơ bản nhất. Từ ruồi cho đến con người, có vẻ như hầu hết các loài động vật đều phải ngủ. Tuy nhiên, chúng ta biết quá ít về quá trình phát triển cơ chế chi phối thời gian giấc ngủ," Ueda nói.
"Ngoài ra, các rối loạn tâm thần và các bệnh thoái hóa hệ thần kinh cũng liên quan đến sự rối loạn giấc ngủ. Vì vậy, việc hiểu biết sâu sắc hơn về giấc ngủ có thể định hướng cho một phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến giấc ngủ trong tương lai."
Duy Long (theo sciencedaily.com)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon