Giữ kỷ lục quốc gia tuổi 15
Thời gian, đối với người qua tuổi thất thập luôn là niềm đau đáu. Sau nhiều năm chạy đua với thời gian trên đường piste, bà Hoàng An cho rằng không thể nào chiến thắng được thời gian, nhưng ta có thể chiến thắng được chính mình khi rút ngắn số giây đếm đồng hồ.
Riêng với thể thao, bà Hoàng An luôn luôn phải đính chính rằng vận động viên không phải là chuyện vui chơi như mọi người thường hình dung. “Thể thao là “nghề” cực kỳ nặng nhọc và nguy hiểm, thậm chí bạc bẽo khi sai một li, trả giá cả một đời” – bà khẳng định chắc nịch như vậy.
Sinh năm 1944 tại Hà Nội, hơn nửa thế kỷ chứng kiến biến thiên thời gian, đổi thay chóng mặt của đất và người, cho đến giờ bà vẫn gắn bó với mảnh đất này. Bà Hoàng An được biết đến là lứa vận động viên đầu tiên của thể thao Việt Nam cùng với những “cây đa cây đề” như Cao Thị Thịnh, Trần Hữu Chỉ, Bùi Đình Đắc, Vũ Mộng Thư, Nguyễn Viết Trung…
Vận động viên Hoàng An chính là người đã đem về tấm huy chương quốc tế đầu tiên cho thể thao Việt Nam năm 1963 tại giải Ganefo (Indonesia) trong nội dung bơi 4x100m dù chuyên môn của bà là... điền kinh.
HLV Hoàng An cùng tấm ảnh kỷ niệm khoảnh khắc giành huy chương quốc tế đầu tiên cho thể thao Việt Nam - ảnh Trí Lâm |
Nhớ lại, cô bé Hoàng An năm đó bén duyên với nghiệp thể thao trong sự hết sức tình cờ. Năm 1959, Đại hội học sinh, sinh viên toàn miền Bắc được tổ chức lần đầu tiên, Hoàng An mạnh dạn tham gia dù không ai khuyến khích.
Một bất ngờ lớn đã diễn ra, bà Hoàng An giành chức vô địch, chiến thắng cả những anh chị học sinh cấp 3 trong cả hai nội dung là điền kinh và nhảy xa. Đến năm 1960, bà Hoàng An cũng chính là người nắm giữ kỷ lục môn nhảy xa quốc gia với thành tích 4m60. Khi đó, bà Hoàng An mới tuổi 15 trăng rằm.
Với thành tích đó, bà Hoàng An lọt vào mắt xanh của những người “tuyển trạch”, bà được gọi lên tuyển và hình thành nên đội vận động viên đầu tiên của Việt Nam do ông Bùi Tử Liêm huấn luyện.
Khi đó, bà cùng các VĐV đàn anh đàn chị như Bùi Năng Tĩnh, Cao Thị Thịnh cùng nhau tập luyện hăng say, ngày ngày đeo tạ chạy từ Quần Ngựa đến núi Nùng (vườn Bách Thảo) luyện sức bền. Sau này, bà cùng với Mộng Thư, Tuyết Minh, Lâm Minh Thủy hợp thành “bộ tứ lừng lẫy” của làng điền kinh.
Mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Hoàng An phải luyện cho mình sự rắn rỏi, mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Cũng nhờ thế mà bà vượt qua được nhiều thử thách khốc liệt khi tập luyện, chấn thương trong điều kiện thiếu thốn.
HLV Hoàng An (phải) và tác giả |
Bà kể, trước kia tập luyện bị nước tràn vào phổi phải vào viện cấp cứu, bác sĩ bảo muốn sống thì dừng ngay công việc nặng nhọc này. Nhưng vì quá yêu thể thao, mới 10 ngày xuất viện bà lại mon men ra sân, rồi tập chạy. Đến nay, bà khỏe hẳn, khỏi bệnh, linh hoạt, nhanh nhẹn, phương phi và luôn nở nụ cười tươi rói trên môi.
“Mới hôm rồi tai nạn, lặc mấy hôm nhưng giờ sắp khỏi rồi. Nếu không có thể thao thì giờ chắc nằm liệt giường cũng nên” – bà tếu táo cho hay.
Sư phụ của hầu hết “kỷ lục gia” điền kinh
Bên cạnh thành tích thi đấu đáng nể, bà Nguyễn Hoàng An còn là môt huấn luyện viên “mát tay” tâm huyết và có trình độ chuyên môn rất cao. Không phải bỗng dưng mà các học trò của bà đều nắm giữ hầu hết kỷ lục quốc gia, quốc tế ở môn điền kinh.
Sự nghiệp huấn luyện của bà nhen nhóm từ khi bà là học viên xuất sắc nhất khóa 3 của Trường TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1971, ra trường, bà nhận nhiệm vụ Hiệu phó Trường Văn hóa Thể dục thể thao tại Hà Nội, phụ trách điền kinh Hà Nội. Từ đó đến nay, điền kinh Hà Nội luôn dẫn đầu quốc gia, khó tỉnh nào bì kịp về bề dày thành tích.
HLV Hoàng An cùng đội vận động viên điền kinh Hà Nội vừa thi đấu - ảnh nhân vật cung cấp |
Nhìn trò biết thầy, những cái tên tiêu biểu như Trần Thanh Vân, Hoàng Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Bích Vân, Vũ Thị Bích Hường… là sự bảo chứng chắc chắn nhất cho tài huấn luyện của bà.
Bên cạnh đó, trong công tác huấn luyện thể lực cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, bà Hoàng An cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần vào tấm huy chương vàng đầu tiên năm 2001 cho đội tuyển.
Bà Hoàng An còn nhớ rõ, khi đội bóng đoạt huy chương vàng trên đất Thái Lan trở về, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đích thân ra sân bay đón, khiến đoàn vinh dự và tự hào vô cùng.
Vừa vén sợ tóc bạc bay ngang tầm mắt bà vừa tâm sự, thế hệ của bà thi đấu không ai màng đến kim tiền vật chất, chỉ cống hiến hết mình cho lý tưởng, màu cờ sắc áo, danh dự và sự tự trọng. Bà muốn các học trò của mình cũng nên suy nghĩ như vậy, nhất là trong thời đại nhiều cám dỗ hiện nay.
“Cứ cống hiến hết mình đi, cứ “hiến tài” trước đi, không ai phụ công người nỗ lực cả” – bà luôn nhắc học trò như vậy.
Nghiêm khắc và mềm mỏng dạy dỗ với giáo trình thể thao đặc biệt được rút ra từ chính kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao của mình cùng kiến thức học vấn bài bản, bà Hoàng An khiến mối quan hệ thầy – trò trở nên thân thiết như mẹ con, ruột thịt.
“Nữ hoàng điền kinh” Vũ Bích Hường trong những tháng ngày khó khăn nhất cuộc đời cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ bà và bộ môn, chị Hường cho hay “bà như người mẹ của mình, cũng như mẹ của rất nhiều học trò khác”.
Cho đến bây giờ, nghỉ hưu đã gần 20 năm nhưng bà Hoàng An vẫn được mời tham gia cố vấn, huấn luyện cho nhiều đội tuyển điền kinh. Trước kia, khi còn dẻo dai, bà liên tục thị phạm những động tác khó, kỹ thuật phức tạp cho các vận động viên. “Cả đời gắn bó với thể thao, dốc lòng vượt qua giới hạn nên thể thao dạy mình vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống” – bà Hoàng An kết luận.
Những kỷ niệm khó quên
Chuyện trò với bà Hoàng An, tưởng chừng không gì có thể khiến người phụ nữ này hết hăng say bởi một bầu nhiệt huyết của lửa nghề, lửa đời luôn sôi sục. Nở nụ cười tươi, đuôi mắt nheo lộ rõ sự phúc hậu, bà kể về những buồn vui trong đời huấn luyện của mình.
Những ngày đi tập luyện dưới tiết trời âm 8 độ ở Trung Quốc, bà và đồng đội có lần được tiếp kiến Thủ tướng Chu Ân Lai tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Rồi trong một lần đi thi đấu tại Đông Đức, cả đoàn cũng có may mắn được gặp gỡ vị Tổng bí thư quốc gia này.
Kỷ niệm lần tập huấn tại Trung Quốc - ảnh nhân vật cung cấp |
Một lần khác, khi tham gia giải thể thao giao hữu tại Triều Tiên, đoàn của bà chiến thắng cả đoàn chủ nhà, được đi tham quan nhiều nơi và ấn tượng sâu sắc với Bàn Môn Điếm, nơi bà mong muốn đến từ lâu.
Trong trận gặp Myanmar ở SEA Games năm 2001, các cầu thủ nữ xuất thân từ cảnh sát hoàng gia Myanmar với thể hình, thể lực áp đảo, lại có võ khiến các cô gái VN đối phó vất vả nhưng VN vẫn giành chiến thắng với nhiều lần bị đốn gục trên sân.
Trận chung kết, Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan với 2 hiệp chính, 2 hiệp phụ và đá luân lưu đến quả thứ 7. Thể lực đó hoàn toàn do công sức huấn luyện của bà, tình đoàn kết nội bộ đội tuyển cũng do bà điều chỉnh, hòa giải.
Còn một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời huấn luyện của bà, đó là SEA Games năm 1995, khi học trò “cưng” của bà là Vũ Thị Bích Hường đang băng băng trên đường piste, bà lén chạy xuống gần sân thi đấu với hình ảnh lá cờ Tổ quốc nhằm động viên cô. Hường bứt tốc và nhanh chóng chiến thắng vận động viên huyền thoại của Philippine và giành Huy chương vàng cho điền kinh Việt Nam – một tấm huy chương cũng thuộc dạng “huyền thoại”.
Từng là Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Hà Nội, Phó chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, bà Hoàng An hiện nay về hưu, là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và tổ trưởng dân phố được bà con hết sức yêu mến.
Bà trăn trở điền kinh ngày càng có nhiều thành tích, thể thao ngày càng lớn mạnh là điều rất đáng mừng. Nhưng đời sống của vận động viên khi giải nghệ còn nhiều khó khăn và thiệt thòi, nên chăm sóc và có trách nhiệm với những cống hiến của họ.
“Bởi “nghề” vận động viên là nghề cực kỳ vất vả và nguy hiểm” - bà trầm giọng tâm sự.
Trí Lâm
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon