Thế giới năm 2016 sẽ được chứng kiến việc rời nhiệm sở của không ít các nhà lãnh đạo nổi tiếng, một trong số đó là tổng thống Mỹ Barack Obama khi mà nhiệm kỳ của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Dường như ông Obama sẽ có một người bạn đồng hành từ Đức vì đã có những dấu hiệu mới nhất của cuộc bầu cử tại nước này đang cho thấy vị thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức và cả châu Âu là bà Angela Merkel cũng đang lâm vào khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, chưa bao giờ làn sóng chống đối các chính sách của bà Merkel và phản đối việc tiếp tục nắm quyền của vị nữ thủ tướng này lại dữ dội đến thế trên khắp châu Âu. Dường như mọi vấn đề mà Liên minh châu Âu (EU) đang gặp phải đều bị đổ vấy sang cho nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Liên minh là bà Merkel, từ cuộc khủng hoảng người nhập cư, nguy cơ rời khỏi EU của nước Anh, cho đến tình hình ảm đạm của nền kinh tế châu Âu. Nhưng, sự thực thì vị nữ thủ tướng Đức là tội đồ hay là người hùng đối với nền kinh tế châu Âu?
Những diễn biến mới nhất của vòng bầu cử sơ bộ Đức cho thấy, sự sụt giảm ủng hộ nghiêm trọng của cử tri nước này đối với bà Merkel. Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử nghị viện ở 3 bang nước Đức trong ngày 13.3 vừa qua là một kết quả đáng quên đối với đảng Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel. Cụ thể, dù vẫn là đảng giành được số phiếu lớn nhất tại 2 bang là Saxonu-Anhalt và Baden-Wurtemberg nhưng số phiếu ủng hộ CDU đã giảm hẳn; còn tại bang Rhineland-Palatinate thì CDU đã bị đảng Dân chủ xã hội (SPD) đánh bại. Vấn đề nghiêm trọng nhất là sự sụt giảm phiếu bầu của CDU đang bắt nguồn từ việc tăng phiếu bầu cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vốn có đường lối chống người nhập cư và kêu gọi bà Merkel từ chức.
Điều này có nghĩa là số người ủng hộ các đảng có xu hướng phản đối các chính sách của bà Merkel đang tăng lên, trong khi số người ủng hộ vị nữ thủ tướng lại giảm xuống. Trong một cuộc khảo sát vào cuối tháng 1.2016, hãng tin AFP thống kê được có tới 40% cử tri Đức cho rằng bà Merkel nên từ chức. Không chỉ ở trong phạm vi nước Đức, mà dường như làn sóng chống đối vị thủ tướng đầy quyền lực của nước Đức còn đang diễn ra trên khắp châu Âu.
Hầu như mọi vấn đề của EU ở thời điểm hiện tại, từ khủng hoảng người nhập cư, nguy cơ Anh rời EU cho đến tình trạng khó khăn của nền kinh tế châu Âu, đều đang bị đổ vấy sang cho bà Merkel. Một tạp chí khá nổi tiếng ở châu Âu là Telegraph thậm chí cho rằng, nền kinh tế Đức và châu Âu đã xuống tận đáy vì sự điều hành kém cỏi của bà Merkel, và rằng chỉ cần bà này từ chức là nền kinh tế Đức và EU chắc chắn sẽ khá lên ngay, dù người kế nhiệm có là ai đi chăng nữa. Nhưng, liệu đó có phải là sự thật?
Nếu xét đến tình trạng của nền kinh tế Đức và châu Âu ở thời điểm hiện tại, thì dường như vấn đề đang diễn ra theo một chiều hướng ngược lại với nhận định có vẻ bi quan trên. Năm 2015 được đánh giá là một năm đầy thành công của kinh tế Đức bất chấp sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu vì sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, nền kinh tế Đức đã có mức thặng dư ngân sách lên tới 12,1 tỷ euro và lên tới 19 tỷ euro sau khi điều chỉnh số liệu, tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong năm 2015 cũng đạt mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.
Chính kinh tế Đức chứ không phải Mỹ, được đánh giá là nền kinh tế có mức độ hiệu quả lớn nhất thế giới trong năm 2015, bất kể việc tăng trưởng kinh tế của Đức chỉ đạt 1,7% trong năm 2015 (tăng 0,1% so với mức 1,6% trong năm 2014) trong khi tăng trưởng của Mỹ trong năm 2015 là trên 2%. Năm 2015 cũng là năm kinh tế Đức lần đầu tiên có GDP vượt ngưỡng 3.000 tỷ euro, cho thấy đầu tầu của kinh tế châu Âu vẫn đang hùng mạnh hơn bao giờ hết.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở nền kinh tế châu Âu dưới sự ảnh hưởng của Đức và bà Merkel. Bất kể những khó khăn đang bủa vây nền kinh tế châu Âu thì tốc độ hồi phục của khu vực eurozone cũng đang ấn tượng hơn bao giờ hết. Sản lượng công nghiệp của eurozone đã tăng 2,1% trong tháng 1.2016, mức tăng cao nhất trong vòng hơn 6 năm trở lại đây.
Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua việc đưa lãi suất về mức âm lần thứ hai liên tiếp trong thời gian qua, cũng được xem là biểu hiện cho sự quyết tâm chặn đứng giảm phát và vực dậy nền kinh tế châu Âu. Dù có không ít sự phản đối, thì việc thống đốc ECB là Mario Draghi tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất về âm lần thứ hai liên tiếp hẳn là khó có thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của bà Merkel, vốn được xem là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại EU thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, theo thống kê thì nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự phản đối bà Merkel tại nước Đức cũng như ở châu Âu chủ yếu là do vấn đề người nhập cư chứ không phải do các vấn đề về kinh tế. Tỷ lệ người phản đối các chính sách của bà Merkel tại Đức tăng vọt sau một số vụ hỗn loạn xảy ra do người nhập cư gây ra, điển hình là vụ lộn xộn đêm giao thừa tại thành phố Cologne. Theo khảo sát, số người phản đối đảng CDU của bà Merkel và bỏ phiếu cho đảng AfD có xu hướng đòi bà Merkel từ chức là vì đảng này chọn xu hướng phản đối người nhập cư vào Đức, chứ không phải vì nền kinh tế Đức khó khăn.
Một số cử tri Đức tuyên bố họ bỏ phiếu cho AfD vì muốn phản đối các chính sách liên quan đến người nhập cư của chính phủ Đức, chứ không phải vì muốn đảng này nắm quyền. Đa số người dân Đức muốn một sự xiết chặt hơn chính sách nhập cư – điều mà chính phủ của bà Merkel vẫn đang lưỡng lự - và đó là lý do mà họ chọn bỏ phiếu cho các đảng khác như một động thái gây sức ép lên chính phủ của bà Merkel.
Trên bình diện châu Âu thì điều này cũng tương tự. Lý do chủ yếu khiến nước Anh đang cân nhắc việc rời khỏi EU là do vấn đề người nhập cư, và hiệp ước Schengen về quyền di chuyển tự do giữa các nước thành viên EU chứ không phải các vấn đề về nền kinh tế châu Âu. Nước Anh và người dân Anh muốn giảm thiểu các tác động từ dòng người nhập cư ồ ạt từ Trung Đông, vì thế họ muốn được quyền không tuân thủ hiệp ước Schengen và ít phải đón nhận nhiều người nhập cư hơn, đồng thời tiếp tục không gia nhập khu vực đồng tiền chung.
Trên thực tế, năm 2015 có thể được xem là một năm thành công đối với nền kinh tế EU. Vụ lộn xộn liên quan đến khủng hoảng tài chính Hy Lạp và nguy cơ tan vỡ của khu vực đồng tiền chung đã được giải quyết một cách êm thấm, nền kinh tế châu Âu dù vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát vẫn có mức tăng trưởng khá, bất kể những tác động từ sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và việc tiếp tục các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Trong bức tranh kinh tế chung của châu Âu, thì nước Đức của bà Merkel vẫn giữ vai trò trái tim, chính sự ổn định của kinh tế Đức đang giữ vai trò chủ đạo cho sự ổn định của nền kinh tế EU bất kể những khó khăn mà cả châu Âu đang gặp phải. Bất cứ một sự thay đổi nào ở vị trí người lãnh đạo nước Đức ở thời điểm hiện tại cũng có thể dẫn đến nguy cơ xáo trộn lớn đối với nền kinh tế nước này cũng như nền kinh tế châu Âu.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF, Vietnamplus)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon