Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo sửa đổi một số quy định trong thông tư nói trên, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp địa ốc lo lắng động thái này sẽ gây ra không ít bất lợi cho thị trường. Tuy nhiên, về phía đại diện NHNN lại cho rằng, thông tư 36 chỉ là một “yếu tố rất nhỏ” nên không ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Doanh nghiệp lo "vỡ trận"
Vừa qua, NHNN đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%. Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, hành động điều chỉnh dòng vốn của ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản là khá hợp lý, giúp thị trường phát triển một cách bền vững. Việc sửa đổi Thông tư 36 sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp làm ăn uy tín, có hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc sửa đổi cần phải có lộ trình, tránh giảm đột ngột room tín dụng bất động sản. Bởi, hiện tại nguồn lực của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, trong khi đó thị trường chỉ vừa mới phục hồi được hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Đối với Tập đoàn Novaland, mặc dù chưa chính thức thông qua việc sửa đổi nói trên, thế nhưng đại diện chủ đầu tư này cho biết, có thể sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch từ việc bán ra thị trường khoảng 7.000 căn hộ xuống còn 6.000 căn trong năm 2016.
Còn ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt chia sẻ, nhìn chung, việc thay đổi một số quy định trong Thông tư 36 có thể sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà. Nhiều chủ đầu tư cũng bắt đầu tính toán lại việc tung ra dự án mới khi nhận được “tín hiệu” từ phía ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần thay đổi hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200%, chứ không nên tăng vọt lên 250%, do thị trường vẫn còn nhiều thách thức. Khi mà thị trường bất động sản vừa mới phục hồi, thoát khỏi đáy sâu khủng hoảng chưa được bao lâu thì ngân hàng lại thắt chặt tín dụng. Điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là phần lớn nguồn vốn vay của chủ đầu tư nằm ở ngân hàng, kể cả khách hàng cũng đi vay ngân hàng để mua nhà là chủ yếu.
Ngành ngân hàng kiểm soát được rủi
Một số chuyên gia về tài chính ngân hàng lại có ý kiến ủng hộ với việc sửa đổi Thông tư 36, và coi đây là một biện pháp kịp thời nhằm kiểm soát rủi ro cho ngành ngân hàng cũng như lường trước được tình trạng “bong bóng” bất động sản.
Theo đại diện phía NHNN, nguy cơ đổ vỡ của ngân hàng khi dùng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn là rất cao, cho nên cần phải có bước điều chỉnh hợp lý. Thị trường bất động sản muốn phát triển tốt cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp chính sách khác như tài khóa, thuế, đất đai… Thống kê của NHNN cho thấy, năm 2015, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản lên tới 25,68%, cao hơn 8,42% so với tốc độ bình quân đối với nền kinh tế.
Đặc biệt, tín dụng cho vay bất động sản chiếm đến 10,3% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với khả năng thanh khoản của hệ thống. Bởi, cho vay bất động sản chủ yếu là dài hạn, trong khi vốn huy động phần lớn là ngắn hạn. Nhiều chuyên gia trong ngành khuyến cáo doanh nghiệp địa ốc không nên quá “lụy” vào tín dụng ngân hàng và thị trường cũng không nên quá bi quan. Bằng chứng là bất động sản đang hút rất nhiều nguồn vốn khác.
Khoảng 1 năm trở lại đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn đầu tư vào các dự án bất động sản ở Việt Nam, chẳng hạn như: quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment trong năm 2015; đầu năm 2016, Creed Group lại tiếp tục cùng An Gia đầu tư nguồn vốn “khủng” vào dự án của CTCP Bất động sản Phát Đạt. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng sự can thiệp về chính sách tín dụng của NHNN là cần thiết để ổn định thị trường, tuy nhiên cần áp từng “khung” nhất định sao cho phù hợp với từng phân khúc bất động sản.
Theo ông Đực, nên giữ nguyên mức trần và tỉ lệ rủi ro cũ là 60% và 150% đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá dưới 1 tỉ đồng; 50% và 200% đối với phân khúc căn hộ giá từ 1 - 2 tỉ đồng, còn mức 40% và 250% sẽ áp cho phân khúc căn hộ giá trên 2 tỉ đồng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định: “Năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, mặc dù gần đây có Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước. Hiệp hội Bất động sản Thành phố vừa qua cũng có kiến nghị với NHNN là tốt nhất năm 2016 chưa sửa đổi gì cả.
Còn trường hợp bắt buộc phải sửa thì chỉ nên giảm room từ 60% xuống 50%, không nên giảm xuống đến 40% và cũng không nên nâng hệ số rủi ro lên 250%, bởi vì thị trường đang phát triển một cách bình thường. Nếu Thông tư 36 được sửa đổi thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, có nghĩa rằng, năm 2016 về cơ bản sẽ không có gì thay đổi về chính sách, cho nên tôi vẫn tin tưởng rằng, thị trường bất động sản trong năm nay sẽ phát triển mạnh, và có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường phù hợp với nhu cầu thật của người tiêu dùng”.
Theo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 vừa được bộ tài chính trình Ủy ban thường vụ quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng bộ tài chính cho biết tổng số thu ngân sách 2015 tăng 69.370 tỉ đồng (đạt 996.870 tỉ đồng) so với con số đã được chính phủ báo cáo với quốc hội tại kỳ họp thứ 10 hồi cuối năm 2015.
Nguyên nhân của việc tăng NSNN nói trên là do sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội, Tp.HCM. Cũng nhờ sự phục hồi của thị trường địa ốc nên năm 2015, các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, qua đó đã đưa vào quản lý qua NSNN 6.600 tỉ đồng tiền sử dụng đất của các đơn vị thuộc các bộ quốc phòng, công an, giáo dục - đào tạo, công thương, tài nguyên - môi trường... Bộ tài chính cho biết thêm, trong 3 tháng cuối năm 2015 đã thu vào NSNN gần 26.200 tỉ đồng tiền sử dụng đất, bằng 63,3% số thu 9 tháng đầu năm, góp phần đưa số thu tiền sử dụng đất cả năm đạt 67.550 tỉ đồng, tăng 28.550 tỉ đồng (tăng hơn 73%) so với dự toán và tăng 10.550 tỉ đồng so với báo cáo quốc hội.
Trang Phạm
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon