Tháng 9.2009, Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung khởi công xây dựng nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn gần 1.900 tỉ đồng.
Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol mỗi năm, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2.2012. Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nhà máy không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn.
Trao đổi với Zing, ông Phạm Văn Vượng- Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung cho biết, Bio- Ethanol dùng phối trộn với xăng A92 tạo thành sản phẩm xăng E5 đưa ra thị trường tiêu thụ góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại lỗ nặng nên nhà máy buộc tạm dừng hoạt động từ tháng 4.2015.
Hiện tại cả nước mới chỉ có 8 địa phương tiêu thụ xăng E5 gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu và Cần Thơ. Trung bình mỗi tháng các tỉnh này chỉ tiêu thụ 2.000 m3 cồn nhiên liệu pha xăng A92 tạo thành xăng E5 (mới chỉ đạt 24% so với công suất thiết kế nhà máy Bio Ethanol). Trong khi đó, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Đồng Nai) có công suất 75.000 m3 mỗi năm thừa khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường các địa phương nói trên.
Vị giám đốc lý giải, nguyên nhân thua lỗ là do giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng. So sánh giữa giá thành sản xuất và giá bán mỗi lít ethanol ra thị trường hiện nay chênh lệch khá lớn.
Nhà máy ngừng hoạt động, doanh nghiệp này đành "động viên" 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không hưởng lương từ giữa tháng 3.2016. 50 nhân sự được giữ lại để bảo quản, thanh quyết toán công trình tiêu tốn tiền bảo dưỡng, lương và bảo hiểm 2 tỷ đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung đã ký hợp đồng với Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư, công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để "giữ chân bộ máy khung"(phòng khi nhà máy hoạt động lại thì trở về làm việc).
Trước tình cảnh bỗng dưng thất nghiệp, 128 kỹ sư, công nhân nhà máy Bio Ethanol Dung Quất phải loay hoay tìm việc làm mới tìm kế sinh nhai cho gia đình.
"Nhà máy ngừng hoạt động, anh em nào may mắn thì xin vào làm một số cơ quan Nhà nước. Số còn lại xin vào làm các công ty tư nhân, công trình xây dựng mưu sinh", anh Dũng- một kỹ sư từng làm việc ở nhà máy này buồn bã nói.
Đến cuối tháng 3.2016, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất vẫn chưa có kế hoạch chạy lại, còn trong tình trạng thấp thỏm ngóng chờ thị trường, hỗ trợ cơ chế chính sách.
Trước tình hình khó khăn của nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương báo cáo, chủ động lấy ý kiến các cơ quan chức năng. Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung cần tập trung tham mưu cho tỉnh với bốn nội dung về cơ chế thuế, việc tiếp tục cho vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu và các cơ chế tài chính khác (khấu hao, trợ giá...) để kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết.
Đầu năm 2015, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam từng gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng, tháo gỡ khó khăn cho cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học.
Theo đó, Hiệp hội này lý giải, do lượng tiêu thụ chỉ chiếm vài phần trăm so với công suất nên hầu hết các nhà máy sản xuất nhiên liệu đều ngừng hoạt động. Mặt khác, do giá xăng dầu giảm mạnh nên giá ethanol chỉ vào khoảng 14.000 đồng mỗi lít, thấp hơn chi phí nguyên, nhiên liệu khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.
Hiệp hội mong Chính phủ xem xét, để giải cứu ngành sản xuất nhiên liệu sinh học bên bờ phá sản; tránh vỡ Đề án đã đầu tư hàng trăm triệu USD, giúp hàng triệu nông dân trồng sắn tránh lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc…
(Theo Zing)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon