Không dừng lại ở đó, mà dường như cả nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước một sức ép lớn chưa từng có, khi những thông tin về nông dân bỏ ruộng quy mô lớn lại tiếp tục rộ lên, đặc biệt là ở Nghệ An. Đây được xem là một điều bất lợi chưa từng có, khi mà thời điểm hội nhập đã ở rất gần, lợi thế và cơ hội mà ngành nông nghiệp sẽ nhận được là rất lớn. Nhưng, nền nông nghiệp Việt Nam dường như đang đứng trước nguy cơ gục ngã trước khi tận dụng được cơ hội của mình.
Một cái nhìn bi quan về tình hình nông nghiệp Việt Nam cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn là điều xảy ra khi quan sát các thông tin và sự kiện mới diễn ra trong những ngày vừa qua. Ở phía Nam, khu vực được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long thì lâm vào tình trạng hạn hán và xâm mặn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số tỉnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai đã lên tới gần con số 10, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm mặn đã lên tới gần 139.000 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại tới 70% năng suất lên đến 86.000 ha và chiếm tỷ lệ lên tới 62%.
Tình trạng hiện tại đang không chỉ tàn phá năng lực sản xuất nông nghiệp tại khu vực có thế mạnh về nông nghiệp nhất ở Việt Nam, mà còn đang đẩy hàng triệu người nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng từ kinh tế cho đến sinh hoạt khi mà nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt cũng trở nên cực kỳ khan hiếm.
Và khi mà tình hình ở đồng bằng sông Cửu Long đang trở nên nguy ngập, thì các tin tức xấu khác lại dồn dập diễn ra ở nhiều nơi trong nền nông nghiệp. Lần này là ở Nghệ An, tình hình nông dân bỏ ruộng với quy mô lớn hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng trong hai vụ Hè và Xuân vừa qua, diện tích đất canh tác nông nghiệp bị bỏ hoang đã lên tới 1.500 ha, đẩy khoảng 15.000 lao động trên toàn tỉnh phải ly hương để tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn và thậm chí là ra nước ngoài để tìm kế sinh nhai. Thống kê tại huyện Yên Thành, số lao động xuất ngoại hàng năm ở huyện này lên tới 10.000 người/năm, còn tình trạng 2/3 dân số trong độ tuổi lao động bỏ ruộng ra thành phố và sang nước ngoài tìm việc là điều thường thấy ở nhiều xã tại Nghệ An.
Trên thực tế, tình trạng nông dân bỏ ruộng quy mô lớn là điều đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, nhưng đang ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, chỉ trong giai đoạn 2012-2013 cả nước đã có tới 42.785 hộ bỏ không đất canh tác với tổng diện tích lên đến 6.882 ha. Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng này là sự giảm sút nghiêm trọng trong thu nhập canh tác nông nghiệp của người nông dân.
Theo thống kê, mỗi một sào ruộng với thời gian canh tác 3 tháng, sau khi đã trừ đi các loại chi phí thì người nông dân chỉ lãi từ 100.000-200.000 đồng. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do giá trị đầu vào của một loạt các yếu tố như phân bón, chi phí lao động đều tăng lên nhiều trong khi đó giá lúa gạo lại tăng rất ít, thu không đủ để bù chi.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất trong câu chuyện bức tranh nông nghiệp của Việt Nam đang u ám hơn bao giờ hết là ngành nông nghiệp đang được xem là mũi nhọn và sẽ nhận được những lợi ích rất lớn trong quá trình hội nhập thông qua các hiệp định thương mại lớn như TPP hay các FTA. Nếu điểm qua nội dung của những hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam vừa ký kết, như TPP hay FTA với Hàn Quốc và EU, thì nông nghiệp được xem là nắm giữ vị trí mũi nhọn của Việt Nam.
Chẳng hạn như FTA với Hàn Quốc, chúng ta chấp nhận mở cửa hàng loạt các lĩnh vực quan trọng như máy móc linh kiện, điện thoại, đồ điện tử và ô tô để đổi lấy những cơ hội xâm nhập thị trường Hàn Quốc đầy tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mà hiện Hàn Quốc vẫn đang bảo hộ rất chặt chẽ. Điều tương tự cũng diễn ra trong FTA với EU hay trong TPP. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng để trở thành một cường quốc nông nghiệp, và trên thực tế đã thu hút khá nhiều các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tập đoàn trong nước đầu tư vào nông nghiệp để đón đầu các hiệp định thương mại lớn.
Về lý thuyết, lẽ ra đây đang là thời điểm mà ngành nông nghiệp phải có những cải tổ và nỗ lực hoàn thiện mạnh mẽ để đón đầu những cơ hội rất lớn sắp đến, thì tình hình của toàn ngành nông nghiệp hiện tại lại đang trở nên tồi tệ hơn. Và các vấn đề khó khăn lại đang diễn ra trên một quy mô lớn hơn bao giờ hết. Tình trạng nông dân bỏ ruộng vẫn diễn ra và còn gia tăng hơn trước bất kể những chính sách về hợp tác xã mới hay chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp được đưa ra, nó đang cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tình hình một cách cơ bản, và trên hết là thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn hội nhập sắp tới.
Kể cả trường hợp khô hạn và xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng một phần xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị đó. Đúng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là sự biến đổi bất thường của thời tiết do hiện tượng El Nino gây ra tình trạng khô hạn trên toàn cầu. Nhưng, một phần không nhỏ là do tác động của các con đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông khiến cho lũ không về như mọi năm. Đây là điều mà Việt Nam đã được cảnh báo trước từ rất lâu, ngay từ khi Trung Quốc mới bắt đầu khởi công xây dựng những con đập cách đây nhiều năm, đã có những đề xuất xây dựng các hồ trữ nước và các con đê chống xâm mặn, nhưng tất cả đều đã không được thực hiện. Tình trạng nguy ngập hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long vì thế một phần là đến từ việc thiếu chuẩn bị của chúng ta trong nhiều năm vừa qua.
Rõ ràng, với tình trạng bức tranh chung ảm đạm của ngành nông nghiệp hiện nay, thì mức độ thành công của lĩnh vực được đánh giá là mũi nhọn này của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sắp tới sẽ bị sụt giảm không nhỏ. Nhất là khi những khó khăn chủ đạo hiện nay sẽ không chấm dứt mà sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới nếu không được giải quyết triệt để.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Thanhnien)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon