Tuy nhiên, với nền kinh tế Mỹ thì lại khác, nó chỉ có một cuộc đua duy nhất, đó là giữa những người ủng hộ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những người phản đối. Hay nói một cách chính xác hơn là, những người ủng hộ TPP một cách tuyệt đối mà tổng thống Obama là đại diện sẽ phải chống lại những người đang nằm trong số những ứng cử viên sẽ kế nhiệm của ông, vốn là những người ít ủng hộ TPP hơn, hay thậm chí là phản đối nó, mà số này thì lại chiếm đa số trong số những ứng cử viên.
Tất cả những ai đang theo dõi những diễn biến của cuộc chạy đua tranh cử vào chiếc ghế tổng thống Mỹ hiện nay đều nhận ra rằng, TPP đang là một trong những chủ đề có ảnh hưởng lớn nhất và cũng đồng nghĩa với việc nó đang được các ứng cử viên khai thác một cách triệt để để tạo lợi thế cho mình trong cuộc chạy đua. Thậm chí về một phương diện nhất định, TPP lại đang trở thành vạch phân chia ranh giới và định hình phong cách và chiến lược tranh cử của tất cả các ứng cử viên thay vì các chủ đề quan trọng khác.
Cụ thể, hai ứng cử viên của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ là Donald Trump và Bernie Sanders đều nổi lên là những người phản đối gay gắt hiệp định thương mại này, một ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa là Ted Cruz cũng phản đối dù ít gay gắt hơn. Trong khi đó 2 người còn lại là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ thì tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ TPP nếu như nó được sửa chữa lại các điều khoản mà vị cựu ngoại trưởng Mỹ này cho là hợp lý, còn ông Marco Rubio của đảng Cộng hòa cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho TPP nhưng chưa tiết lộ sẽ theo hướng sửa chữa nào.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các ứng cử viên trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống đều không ưa một phần hoặc toàn bộ nội dung của bản hiệp định thương mại được đánh giá là sẽ thay đổi cán cân thương mại toàn cầu, trừ vị tổng thống đương nhiệm là Barack Obama.
Đã từ lâu, các nhà phân tích đánh giá ông Obama sẽ sử dụng mọi quyền hạn còn lại có thể của mình để đảm bảo TPP sẽ được thông qua tối đa và nguyên vẹn trước khi rời Nhà Trắng, vì với vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đây không còn hơn là một hiệp định thương mại thông thường, mà nó được xem là một di sản lớn trong 2 nhiệm kỳ của ông Obama. Thậm chí nó còn quan trọng và được đánh giá cao hơn nhiều so với một thành tựu khác của ông Obama là thỏa thuận hạt nhân Iran, vì một khi TPP được thông qua và đi vào hoạt động nó có thể định hình tương lai của nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ trong suốt nhiều năm sau này.
Tuy nhiên, chướng ngại trước mặt ông Obama có vẻ như không chỉ đơn thuần là các ứng cử viên sẽ kế nhiệm ông, những người phản đối một phần hoặc tất cả nội dung của TPP, mà dường như là hầu hết người dân Mỹ nữa. Theo thống kê, hầu hết người dân Mỹ tỏ ra lo ngại về những tác động mà TPP có thể gây ra nếu được thông qua, chẳng hạn như vấn đề việc làm và thâm hụt thương mại. Có lẽ nắm được tâm lý lo ngại đó từ phía dân chúng Mỹ, nên tất cả các ứng cử viên đang chạy đua vào Nhà Trắng đều chọn một thái độ ít nhiều phản đối hiệp định này.
Người gay gắt nhất có lẽ là Bernie Sanders của đảng Dân chủ, khi ông này tuyên bố: “Tôi cho rằng đây là một sự tiếp nối của các chính sách thương mại tồi, tổng thống ủng hộ nó, nhưng tôi thì nhất quyết là không”. Thậm chí ông này còn đi xa đến mức tuyên bố nếu mình đắc cử sẽ chấm dứt luôn các hiệp định thương mại giữa Mỹ và Trung Mỹ cũng như Nam Mỹ, đồng thời sẽ cắt đứt các hiệp định thương mại với Trung Quốc và dựng lên các hàng rào thuế quan chặt chẽ với hàng hóa từ nước này.
Trong khi đó, hai đối thủ nặng ký của Sanders là Donald Trump và Hillary Clinton lại chọn một thái độ ít bảo thủ hơn và ít mang tính bảo hộ thương mại nghiêm ngặt như ông này. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton vốn được xem là đồng minh và chia sẻ khá nhiều quan điểm của tổng thống Obama thì thiên về ủng hộ TPP nhưng cam kết sẽ sửa đổi lại hiệp định này theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Còn ứng cử viên được ưa thích là Donald Trump thì dù công khai tuyên bố sẽ cứng rắn với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại không thể hiện một sự phản đối quá mạnh mẽ với TPP. Hai ứng cử viên còn lại là Ted Cruz và Marco Rubio dù không tuyên bố ủng hộ nhưng cũng tỏ ý sẵn sàng xem xét lại nếu như có sự sửa đổi TPP sao cho phù hợp hơn.
Có thể thấy rằng, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các ứng cử viên đều đang đặt cược khá lớn vào TPP trong cuộc chạy đua, khi mà tần suất tranh luận về chủ đề này đang dày đặc và chiếm vị trí chủ đạo so với các vấn đề khác như người nhập cư từ Mexico hay cuộc chiến chống lại IS. Tất cả các ứng cử viên đều hy vọng quan điểm của mình đối với TPP sẽ đem lại số phiếu bầu cao nhất có thể từ phía người dân Mỹ. Nhưng họ lại quên mất một yếu tố quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn trong vấn đề này, đó là đương kim tổng thống Barack Obama. Và khi mà tất cả dường như đã lãng quên ông Obama thì vị tổng thống này đang bắt đầu cho thấy ông vẫn có một vị thế quan trọng trong vấn đề này.
Trong bài phát biểu vào ngày 9.3 vừa qua, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama là Susan Rice tuyên bố: “Tổng thống Obama cam kết sẽ thúc đẩy quá trình phê chuẩn TPP của Quốc hội Mỹ, bất chấp những xu hướng chống thương mại tự do đang xuất hiện trong cuộc chạy đua đến vị trí tổng thống kế nhiệm”.
Phát biểu trước Reuters, bà Susan Rice tuyên bố: “Tổng thống vẫn còn giữ nguyên sự cam kết hợp tác để thúc đẩy phê chuẩn TPP tại Mỹ và khuyến khích tất cả các nước thành viên khác cũng tiến hành điều tương tự ở các quốc gia của họ”. Đây được xem là tuyên bố cứng rắn và mạnh mẽ nhất của ông Obama trong thời gian vừa qua trong vấn đề thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP, bất kể hầu hết tất cả các ứng cử viên sẽ kế nhiệm ông đều ít nhiều phản đối hiệp định thương mại này.
Bằng lời tuyên bố này của cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, tổng thống Barack Obama đang được xem là gửi đi một thông điệp đến các ứng cử viên trong cuộc đua chọn ra người kế nhiệm mình rằng: bất cứ ai chia sẻ quan điểm của ông Obama về việc thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn TPP sẽ nhận được một lợi thế là sự hậu thuẫn của ông; còn ai phản đối TPP sẽ không nhận được sự hậu thuẫn của vị đương kim tổng thống, cho dù đó có là người cùng đảng Dân chủ như ông Bernie Sanders đi chăng nữa.
Dù giờ đây đã được xem là “Tổng thống vịt què” – nickname dành cho những tổng thống Mỹ khi sắp hết hạn nhiệm kỳ - thì không ai có thể nghi ngờ những ảnh hưởng còn lại của ông Obama vẫn còn lớn thế nào, và nhận được sự hậu thuẫn của ông Obama sẽ có lợi trong cuộc chạy đua đến vị trí người kế nhiệm ra sao.
Nhàn Đàm (theo Reuters, Bloomberg/Vietstock)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon