Các trang tin Trung Quốc gần đây liên tục thông tin về sự kiện gái thành thị Trung Quốc chê trai nghèo nhà quê.
Cô gái về quê của người yêu, trông thấy nhà của anh quá bẩn thỉu nên cô quyết chia tay. Cô là người Thượng Hải, một trong những thành phố phát triển bậc nhất Trung Quốc, còn chàng trai là người Giang Tây, một địa phương được xem là còn nghèo hơn các nước “thế giới thứ ba”.
Hai người đại diện cho kiểu dân cư phổ biến hiện nay: những người từ nhỏ đã được sống nuông chiều tại các đô thị và những người đến từ các làng quê nghèo, lên thành phố tự lập nghiệp.
Sau khi chia tay người bạn trai, cô gái đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng, giải thích lý do vì sao cô quyết định chia tay, kèm theo bức ảnh chụp một bàn ăn rất bẩn với các món ăn miền quê của gia đình bạn trai.
Câu chuyện này sau đó đã được chia sẻ rộng rãi, khiến người đọc phải suy nghĩ về tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay. Thậm chí, Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo cũng có những bài viết xoay quanh vấn đề này.
Đối với cô gái, có người chỉ trích cô, nhưng cũng có không ít người hoàn toàn chia sẻ cảm giác bị sốc của cô, khi chứng kiến thực trạng nghèo khổ ở làng quê nghèo, điều mà những cô gái thành thị như cô chưa từng thấy qua.
Nhiều cuộc bàn luận “ăn theo” câu chuyện này cũng được nói đến, ví dụ như liệu đàn ông ở nông thôn có nên theo đuổi con gái thành thị hay không.
Theo Nhân dân nhật báo, “điều mà truyền thông nên bàn luận không phải bề nổi của vấn đề (câu chuyện chia tay bạn trai) mà nên tập trung vào bản chất vấn đề (phân hóa giàu nghèo) mà câu chuyện đề cập đến”.
Ngô Cường, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Thanh Hoa, nói câu chuyện này cho thấy, dù đã có 30 năm công nghiệp hóa giúp kinh tế phát triển vượt bậc, nhưng Bắc Kinh thất bại trong việc đem lại lợi ích kinh tế cho người dân thường, đặc biệt là những cư dân ở vùng nông thôn.
“Bức ảnh về một bàn ăn ở vùng quê (mà cô gái đăng tải kèm theo câu chuyện của mình) rất có ý nghĩa về mặt xã hội. Nó khiến chúng ta phải hỏi rằng liệu có phải khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng được nới rộng hay không? Có phải đang có một sự phân biệt đẳng cấp đối với những người dân quê hay không? Hay đây chỉ đơn giản nếp sống giữa hai nơi quá khác biệt?”, ông Ngô chia sẻ.
Ông Ngô cũng cho rằng, đã đến lúc sự phân hóa nông thôn - thành thị phải được giải quyết và sự phân hóa này “chỉ được giải quyết khi mọi người sống ở bất cứ nơi đâu cũng được hưởng những quyền bình đẳng như nhau”.
Trong năm 2014, mức lương trung bình của một người dân Thượng Hải là 47.710 nhân dân tệ, gấp 4 lần mức lương 10.117nhân dân tệ của các vùng quê nông thôn như Giang Tây.
Trong một thời gian dài, số dân cư nông thôn vẫn đông hơn số dân cư đô thị và xu hướng này chỉ mới chấm dứt vào năm 2011, khi dân cư đô thị chiếm hơn 50% dân số Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng giữa hai khu vực này vẫn được duy trì và ngày càng trầm trọng hơn, khi Trung Quốc đã thực hiện chính sách đăng ký nơi cư trú trong nhiều thập kỷ.
Nhà tâm lý học Đường Ánh Hồng nói câu chuyện của cô gái phản ánh một thực tế tại Trung Quốc hiện nay: sự phân hóa giữa nông thôn và đô thị ngày càng sâu sắc. Những người dân sống ở nông thôn không chỉ có thu nhập ít hơn, mà phúc lợi xã hội hưởng cũng ít hơn.
Về vấn đề này, giới lãnh đạo nước này đã cam kết sẽ đưa ra chính sách để phát triển các vùng nông thôn.
Trong một bài phát biểu về chính sách vào cuối tuần qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết sẽ đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như sẽ cung cấp nhiều phúc lợi xã hội hơn cho người dân nông thôn.
Trong báo cáo thường niên ở kỳ họp quốc hội Trung Quốc (đang diễn ra) Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố kế hoạch xây mới 200.000 km đường nông thôn, nâng cấp lưới điện và hệ thống cung cấp nước sạch, tăng cường nông nghiệp cũng như đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông thôn.
Theo Thủ tướng Lý, “vấn đề quan trọng bây giờ là phải thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Hiện tại chúng ta phải xây dựng nên những vùng quê nơi mà người dân ở đó được hưởng các quyền lợi như người dân ở bất cứ nơi nào trên đất nước”.
Cẩm Bình (theo AP)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon