Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về vấn đề này.
Được biết Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 864/KH- SGD&ĐT về việc tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường 2016. Ông có thể nói rõ thêm về quy định này?
- Theo văn bản ngày 7.3 của Sở GD&ĐT Hà Nội do chính tay tôi ký có nội dung: Học sinh khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần hai sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần.
Sau khi văn bản được ban hành, chúng tôi cũng có nhận được những ý kiến đóng góp, trong đó có cả những ý kiến đồng tình và phản đối. Tôi cũng xin nói rõ, đây chính là quy định để cảnh tỉnh các em, là thông điệp gửi tới chính các học sinh đã và đang được dạy dỗ trong nhà trường. Quy định này chính là góp phần khẳng định lại thêm việc răn dạy học sinh phải được chung tay từ nhà trường, tới chính các phụ huynh, người dân cũng như để các em nhìn thấy được những quy định nghiêm túc trong học đường.
Liên quan tới quy định trên, có rất nhiều ý kiến phản đối, ông nghĩ sao về những ý kiến này?
- Chúng tôi rất cầu thị và qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã nhận được các ý kiến chưa đồng tình. Nhưng tôi xin nói rõ, quy định này hoàn toàn mang tính nhân văn. Mọi người chưa hiểu hết nên còn có những ý kiến hiểu sai, hiểu chưa đúng. Nếu học sinh nào vi phạm lần đầu, lần 2 chúng ta hoàn toàn có quyền dùng các biện pháp nhắc nhở, gửi thông báo đến nhà để gia đình cam kết việc tái phạm của các em. Nhưng nếu các em vẫn nhơn nhơn vi phạm đến lần tứ 3, 4, 5 hay đến lần thứ 10 thì buộc nhà trường phải sử dụng hình thức kỷ luật cao hơn.
Việc buộc thôi học ở đây không có nghĩa là đuổi học các em học sinh đó trong vòng 1 tuần, mà chính là gửi thông tin đến cho gia đình, để gia đình biết được em học sinh này đã vi phạm nhiều lần. Các em ấy nên ở nhà để viết bản kiểm điểm, các nhà trường cần thực hiện tốt thông tư 08, điều 48 hoặc thông tư 12 điều lệ trường phổ thông trong ngành giáo dục. Các thành viên trong tập thể phải cam kết thực hiện tốt vai trò cũng như trách nhiệm của mình. Không thể vì 1-2 em mà ảnh hưởng đến việc cố gắng của cả tập thể.
Việc xử lý kỷ luật là để cho các em thấy mình được đối xử một cách công bằng hơn, không thể nào cứ "con ông này khi vi phạm thì phạt, con người kia vi phạm thì không phạt". Tất cả học sinh phải công bằng. Việc cam kết không vi phạm an toàn giao thông không phải vấn đề là tiết kiệm ngân sách mà chính là tạo thành một hệ thống giáo dục nghiêm minh được thực hiện từ cấp tiểu học cho tới khi các em là sinh viên. Nếu ở cấp tiểu học thì gia đình phải cam kết đội mũ bảo hiểm cho các con, cam kết thực hiện đúng nội quy, quy định mà nhà trường đề ra. Còn khi các em lớn hơn, các em sẽ phải tự chịu lấy những hành vi chưa đắn của mình nếu như vi phạm.
Vậy việc đuổi học có ảnh hưởng tới việc học của các học sinh tại lớp hay không, thưa ông?
- Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa, không phải việc đuổi học là chúng ta đưa các em về nhà và không còn trách nhiệm gì hết. Việc đuổi học này là những học sinh cố tình vi phạm nhiều lần và cũng đã bị nhắc nhở nhiều lần. Nếu vi phạm 1-2 lần thì sẽ bị nhắc nhở, viết bản kiểm điểm, nhưng nếu anh vi phạm 10 lần mà vẫn cố tình mắc thì phải thực hiện răn đe cụ thể.
Sau khi học sinh bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất, nhà trường vẫn phối hợp với gia đình như thăm hỏi, gọi điện xem gia đình phối hợp cùng răn dạy học sinh đến đâu, cháu đã biết lỗi của mình chưa, đã tự nhận thấy việc làm của mình sẽ ảnh hưởng thế nào tới bản thân và xã hội hay chưa...
Tôi cũng xin nói thêm, chưa có một học sinh nào từ tất cả các trường bị đuổi học tức là học sinh phải đứng ngoài cổng trường. Nếu phát hiện ra nhà trường nào có học sinh vi phạm mà phải đứng ở ngoài, chúng tôi sẽ xử phạt trường đó luôn. Nhà trường luôn có các phòng, các lớp dành riêng để cho các em tự hối lỗi về những sai phạm của mình. Nếu trong lớp có 50 học sinh mà 1-2 học sinh vi phạm vẫn ngồi cùng lớp với 48 em còn lại thì điều đó thật không công bằng, các em phải ngồi ở nơi khác để tự nhìn lại.
Còn nếu gia đình nào nói rằng: "Cho con em ở nhà, không có người trông, không ai chăm sóc được cháu" thì học sinh đó đến trường, nhà trường vẫn có một nơi riêng dành cho học sinh vi phạm đó để viết bản kiểm điểm, hoặc sử dụng hình phạt mà nhà trường áp dụng để học sinh thấy được việc mình làm là sai trái. Khi các em nhận thấy được lỗi của mình thì các em lại tiếp tục quay trở lại lớp để hoàn thành việc học của mình.
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Việc xử lý những học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường có phối hợp lực lượng an ninh để theo dõi cũng như tiến hành các biện pháp với các em hay không?
- Sở GD&ĐT cũng đã ký văn bản hợp tác với lực lượng cảnh sát giao thông về kế hoạch thực hiện công tác an ninh trường học. Những hình ảnh học sinh vi phạm sẽ được các lực lượng chức năng bí mật ghi hình và gửi thông tin đến cho nhà trường. Kể cả những ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Hình ảnh các học sinh vi phạm cũng sẽ được các cơ quan công an ghi lại, tìm hiểu xem nếu người vi phạm là những người ngoài xã hội thì xử lý như bình thường, còn nếu là học sinh tại các trường thì gửi hình ảnh, thông tin đến cho trường đó để cùng phối hợp, điều chỉnh hành vi của các em.
Đã là một học sinh trong nhà trường, một công dân trong xã hội cần thực hiện theo nội quy của cộng đồng. Chúng tôi cũng mong báo chí, truyền thông cùng vào cuộc và tuyên truyền tới các em, cùng gia đình phối hợp để thực hiện các vấn đề an toàn cho xã hội, cho chính bản thân các em khi tham gia giao thông.
Đó chính là sự điều chỉnh để cả cộng đồng cùng thực hiện. Nếu như người lớn phải đội mũ bảo hiểm thì mới được tham gia giao thông, vậy các em học sinh thì sao? Các em dù đi xe đạp điện hay xe máy điện, khi va chạm, đều xảy ra chấn thương vì vùng sọ các em còn mềm hơn cả người lớn, thì việc bảo vệ cho các em còn quan trọng hơn so với người lớn chúng ta rất nhiều.
Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông để thí điểm mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ nay đến hết năm học. Lần đầu nhà trường sẽ cho các em viết bản hạnh kiểm, gửi thông tin về cho gia đình, vi phạm thêm sẽ hạ hạnh kiểm, nhiều lần sẽ bị đình chỉ học và nhận mức hạnh kiểm yếu. Nếu áp dụng mức kỷ luật này, học sinh này sẽ bị lưu ban. Vì vậy, bản thân các em cũng như gia đình khi cho con em tham gia giao thông thì cần nhắc nhở cho các em một cách tốt nhất để bảo vệ an toàn cho chính bản thân các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Dạ Thảo
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon