Cựu thống đốc Massachusetts, Mitt Romney, đang yêu cầu nhóm cố vấn chính trị thân tín lập kế hoạch “khử” Trump, bằng cách ngăn Trump đạt số phiếu đại biểu theo qui định là 1.237. Nghĩa là sẽ không ứng cử viên nào đạt số phiếu yêu cầu và do đó cuộc bỏ phiếu tại Đại hội toàn quốc Cộng hòa vào tháng 7 không thể chọn ra người đại diện tranh cử tổng thống với Dân chủ. Lúc đó, các đại biểu, trước đó bị quy định chỉ bỏ phiếu cho một ứng cử viên trong vòng bầu cử sơ bộ tại bang của họ, giờ sẽ tự do bỏ phiếu cho bất kỳ ai mà họ muốn, kể cả những người không có trong danh sách tranh cử như Romney.
Lịch sử đang lập lại với Cộng hòa, và lịch sử cũng cho thấy cách vừa nói không phải luôn thành công. Trong mùa bầu cử 1948, Thomas E. Dewey bị đánh dồn bởi một liên minh trong Cộng hòa nhưng cuối cùng Dewey vẫn thắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội toàn quốc Cộng hòa (sau đó ông thất bại trước Harry Truman trong cuộc bầu cử tổng thống).
Tranh cử bằng chiến dịch gây sốc, Donald Trump được xem là một thảm họa chính trị đối với Cộng hòa và là bi kịch của nền dân chủ Mỹ. Cựu thống đốc New Jersey, Christie Todd Whitman (Cộng hòa), thậm chí nói bà sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton thay vì Trump. Ngày 2.3.2016, một nhóm lãnh đạo an ninh quốc gia của Cộng hòa đã cùng ký vào lá thư phản đối Trump.
Các tổ chức chính trị chống Trump, được ủng hộ từ một số nhà tài trợ tài chính giàu nhất của Cộng hòa, cũng đang tăng tốc tấn công. “Our Principles PAC” đã chi gần 4,4 triệu USD trong đó có khoảng 2 triệu USD được dùng tại Iowa với chiến dịch thông tin nhắm vào hồ sơ làm ăn mờ ám của Trump. Đứng sau “Our Principles PAC” là những nhà tài trợ giàu sụ, trong đó có tổng giám đốc điều hành hãng máy tính HP Meg Whitman, tỉ phú quỹ đầu tư Paul Singer… Phát ngôn viên của họ là Tim Miller (cựu phát ngôn viên của Jeb Bush). Các tổ chức khác gồm “Veterans Against the Deal”, “American Future Fund”, “Club for Growth”…
Khó khăn lớn nhất trong chiến dịch “lật đổ” Donald Trump là sự chia rẽ trong thành phần tinh hoa Cộng hòa. Một số ý kiến đang ủng hộ Ted Cruz. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, nhân vật uy tín trong Cộng hòa, không ủng hộ ứng cử viên này. Tại buổi nói chuyện ở Câu lạc bộ báo chí quốc gia gần đây, Graham thậm chí đùa rằng “nếu các bạn giết Ted Cruz trong Thượng viện và vụ án được xử trong Thượng viện, sẽ chẳng ai buộc tội các bạn cả”. Graham không tin Cruz đủ khả năng đánh lại Trump. Tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Texas, bang nhà của Cruz, ông nhận được tỉ lệ ủng hộ thấp nhất so với bất kỳ ứng cử viên Cộng hòa nào tranh cử tổng thống kể từ năm 1912. New York Times cho biết, Mitch McConnell (Cộng hòa), thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện, cũng chống Trump. Trong khi đó, Trump lại được không ít nhân vật uy tín khác trong Cộng hòa ủng hộ, trong đó có Chris Christie (thống đốc New Jersey) và Paul LePage (thống đốc Maine). Thượng nghị sĩ Jeff Sessions tuyên bố ủng hộ Trump, tương tự các dân biểu Chris Collins và Duncan Hunter. Vấn đề thật sự không đơn giản.
US News & World Report thuật rằng nhà báo Chris Stirewalt của Fox News mới đây đã gọi 10 gương mặt uy tín Cộng hòa ở Washington và hỏi họ chọn ai – Trump hay Cruz. 7 người chọn Trump. Stirewalt kết luận, bắt đầu có “một cảm giác tăng dần” ở Washington rằng Trump có lẽ không tệ như được tưởng. Thậm chí lão tướng Cộng hòa Bob Dole, dù ủng hộ ứng cử viên Jeb Bush (người đã rút khỏi đường đua), cũng nghĩ rằng Trump là người có thể “nói chuyện được” với Hạ viện.
Tương tự, theo Politico, Alex Castellanos, nhà chiến lược lừng danh của Cộng hòa, đã gõ cửa từng nhà tại Washington và New York, với đối tượng thăm dò là các nhà tài trợ, chuyên gia vận động hành lang…, để tìm nguồn kinh phí cho chiến dịch chống Trump. Kết quả? Không ai tham gia!
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, Mitt Romney được Donald Trump ủng hộ; giờ họ đối mặt nhau, trong cuộc khủng hoảng nội bộ Cộng hòa.
Sự hỗn loạn trong Cộng hòa còn thể hiện ở cách các ứng cử viên tranh luận với nhau. Tại cuộc tranh luận truyền hình tối thứ năm 3.3.2016 giữa bốn ứng cử viên còn lại (so với 17 người trong cuộc tranh luận đầu tiên vào tháng 8.2015), gồm Donald Trump, Marco Rubio, Ted Cruz và John Kasich, “vấn đề” kích cỡ của… dương vật đã được mang ra để “bàn”. Cách đây không lâu, Marco Rubio nói: “Ông ấy (Trump) luôn gọi tôi là “thằng Marco bé nhỏ”. Đúng là ông ấy cao hơn tôi. Ông ấy cao như người 1,87 m nhưng tôi không hiểu sao bàn tay ông ấy lại nhỏ như người 1,57 m. Mà các bạn biết người ta nói về người có bàn tay nhỏ là thế nào rồi ấy…”. Bây giờ, Trump phản pháo, rằng lập luận rằng bàn tay nhỏ “mà suy ra thứ khác cũng nhỏ là sai”. Viết về vụ này, nhiều tờ báo Mỹ đã phải thốt lên: “Tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng hòa trở nên quá bẩn”.
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon