Ngày 29.2, ông Mahathir nói rằng ông sẽ rời khỏi đảng Tổ chức quốc gia Malaysia thống nhất (UMNO) vì ông không muốn gắn bó với đảng cầm quyền là "đảng bao che tham nhũng" dưới quyền lãnh đạo của đương kim Thủ tướng Najib Razak.
Ông Mahathir kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ Najib
UMNO được lập năm 1946, với mục tiêu đấu tranh để độc lập khỏi Anh (thành công năm 1957 và UMNO nắm quyền từ đó) và để cải thiện đời sống của cộng đồng cư dân theo đạo Hồi chiếm đa số ở Malaysia.
Ông Mahathir nói UMNO đã trải qua một quãng đường dài để đạt mục tiêu này, nhưng nay không thể nhận ra UMNO dưới quyền Thủ tướng Najib. Ông phàn nàn nhiều vấn nạn, gồm kinh tế giảm tốc, gạt qua một bên những người chống đối chính phủ: “Không còn UMNO, ngày nay chúng ta có đảng Najib”.
Phát biểu tại thủ đô hành chính Putrajaya, ông Mahathir nói: “Tôi muốn rời khỏi UMNO vì UMNO đã khác xưa. Đảng này chỉ ủng hộ ông Najib, bao che ông ta, chống đỡ những điều ông ta làm trong đó có một số sai phạm của ông ta. Tôi không thể là thành viên của một đảng như thế”.
Ông Mahathir nói rằng ông sẽ không gia nhập đảng nào khác nhưng sẽ liên kết với nhiều lãnh đạo đối lập muốn lật đổ ông Najib. Ông không nói trong đó có những ai và đáng chú ý là ông không nhấn mạnh điều ông từng nói từ trước là muốn cải tổ UMNO thì phải loại bỏ ông Najib.
Ngày 25.2, ông Mahathir kêu gọi từng công dân Malaysia “đứng lên” chống Thủ tướng Najib, khiến sự đấu đá trong đảng cầm quyền gia tăng nghiêm trọng. Ông nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc mà các đảng phái không còn quan trọng nữa. Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến toàn quốc gia”, kêu gọi các đối thủ chính trị (kể cả người của UMNO) gạt qua những bất đồng để chống lại ông Najib.
Theo báo The Age (Úc), hồi tháng 1.2016, ông Mahathir được chọn lãnh đạo một khối liên minh trong UMNO để “lật đổ” ông Najib. Nhưng đây là lần đầu tiên ông kêu gọi mọi người đoàn kết “đứng lên” chống Thủ tướng Najib.
Ông nói: “Người dân lẳng lặng ủng hộ tôi nên Najib chẳng thể nghe. Tôi cần làm rõ với Najib rằng không phải tôi, mà là nhân dân lo ngại dạng điều hành đất nước theo kiểu tiền là vua”. Ông không nói nhân dân nên “đứng lên” như thế nào nhưng sự kêu gọi của ông có thể khiến có những cuộc biểu tình trên toàn Malaysia.
UMNO chưa phản hồi ý định rút khỏi đảng của Tiến sĩ Mahathir. Văn phòng Thủ tướng Najib không trả lời đề nghị cho lời bình luận.
Thủ tướng Najib |
Cáo buộc công tố viên trưởng bao che Thủ tướng, ông Mahathir sẵn sàng đi tù
Ngày 24.2, Tiến sĩ Mahathir bị cảnh sát thẩm vấn vì ông viết blog nêu chuyện công tố viên trưởng Malaysia “bao che” Thủ tướng Najib trong vụ tai tiếng tham nhũng liên quan Quỹ phát triển Malaysia (1MDB).
Ông cho biết: “Tôi không trả lời câu hỏi của cảnh sát về bài viết, vì tôi muốn trả lời trước tòa án trong một cuộc điều trần” và nói thêm ông sẵn sàng đi tù, có thể “chung xà lim với ông ta”. Ý ông là chung xà lim với ông Anwar Ibrahim, người đang thụ án tù 5 năm vì tội quan hệ tình dục đồng tính. Khi ông Mahathir là Thủ tướng, Anwar là Phó thủ tướng nhưng sau trở thành thủ lĩnh đối lập kịch liệt chống ông Mahathir.
Ông Najib lập 1MDB năm 2009 nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế Malaysia. Ông làm chủ tịch hội đồng cố vấn, thường xuyên tham gia ra các quyết định. Nhưng 1MDB đã bị điều tra một năm trước sau khi nó bị mắc nợ lên đến 11 tỉ USD.
Hiện chính quyền Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore mở cuộc điều tra về 1MDB. Tháng trước, ngành công tố Thụy Sĩ nói tổng cộng 4 tỉ USD của 1MDB đã bị sử dụng sai mục đích, thông qua các tầng cấp tài chính phức tạp.
Quỹ 1MDB nói không có nhà điều tra nước ngoài nào đến gặp họ, nhưng Quỹ sẵn sàng hợp tác điều tra.
1MDB quảng cáo trước tháp đôi Petronas |
Hè 2015, báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin một số tiền được chuyển để giúp UMNO duy trì quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2013 mà UMNO thắng sít sao. Nhưng Thủ tướng Najib phủ nhận và nói rằng đó là một trò vu khống nhằm bôi nhọ ông của các đối thủ chính trị. 1MDB phủ nhận không có vai trò nào trong chính trị.
Ngày 29.2.2016, WSJ đưa tin các nhà điều tra quốc tế nói tổng số tiền chuyển vào các tài khoản của ông Najib lên tới đỉnh 1 tỉ USD. Các nhà điều tra cho rằng số tiền được chuyển qua một mạng lưới chuyển khoản phức tạp ở nhiều nước, có sự giúp đỡ của hai cựu quan chức vương quốc Abu Dhabi ở vùng Vịnh. Ông Najib từng giới thiệu 1MDB trong chuyến thăm vương quốc này năm 2009.
Năm ngoái WSJ đưa ra vụ tai tiếng này, dẫn thông tin từ một cuộc điều tra của chính phủ Malaysia. Cuộc điều tra này không nêu tên người chuyển tiền, không giải thích điều gì đã xảy ra với số tiền 681 tỉ USD được chuyển vào tài khoản của ông Najib.
Con số 1 tỉ USD khác với tuyên bố của công tố viên trưởng Mohamed Apandi hồi đầu năm nay: người tặng 681 tỉ USD là một thành viên Hoàng gia Ả Rập Saudi.
Ông Apandi (được ông Najib chỉ định hồi tháng 7.2015) không cho biết cụ thể người tặng tiền là ai, và nói số tiền sau đó đã được chuyển lại cho người tặng.
Một quan chức Ả Rập Saudi nói rằng Bộ Ngoại giao và Tài chính nước này không biết gì về vụ tặng tiền này. Các nhà điều tra quốc tế không tìm ra chứng cứ số tiền đến từ Ả Rập Saudi, theo người biết rõ cuộc điều tra.
Tuần này, Thủ tướng Najib sẽ có chuyến thăm Ả Rập Saudi 3 ngày, dự một hội nghị về kinh tế.
Ngày 5.2.2016, ông Mahathir viết blog nói rằng công tố viên trưởng Apandi “không đạt uy tín” vì chuyện ông Apandi tuyên bố Thủ tướng Najib không làm gì sai phạm. Công tố viên trưởng Apandi đã ra lệnh chấm dứt các cuộc điều tra trong nước về vụ 1MDB. Nhưng Ủy ban bài trừ tham nhũng Malaysia không chấp nhận quyết định kết thúc điều tra của ông Apandi, tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra vụ việc.
Thủ tướng Najib kêu gọi cả nước thôi không quan tâm vụ tai tiếng này nữa. Ông tuyên bố không làm gì sai phạm, không lấy tiền để tư lợi. Quỹ 1MDB cũng bác bỏ mọi sai phạm, tuyên bố hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát, cơ quan thanh tra nhà nước, ủy ban bài trừ tham nhũng và ngân hàng trung ương.
Vĩnh Thụy (theo The Wall Street Journal, The Age)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon