Một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất trong những ngày cuối cùng của năm 2015 là việc thu ngân sách cả năm tài khoái 2015 có thể không đạt dự kiến, khoảng hơn 950.000 tỉ đồng, mà chủ yếu là do sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu trong năm 2015. Những lo ngại về việc hụt thu ngân sách nhà nước chỉ kết thúc trước khi bước sang năm mới khoảng hơn 1 tuần, sau khi tổng kết thu ngân sách tổng cộng đã vượt hơn con số đề ra, lên tới 989.690 tỉ đồng, bằng 108,6% dự toán và tăng 14,6% so với năm 2014.
Việc ngân sách thoát hiểm trong thời điểm những ngày cuối cùng của năm được xem như đã đặt ra một dấu hỏi lớn cho việc cân bằng và tăng nguồn thu ngân sách trong những năm sắp tới. Và để làm được điều đó, thì việc mà Việt Nam cần làm không chỉ là đẩy mạnh truy thu các khoản nợ đọng thuế, mà còn phải đi kèm với việc xóa nợ thuế nữa.
Câu chuyện của ngân sách Việt Nam trong năm 2015 được xem như một sự kiện đáng chú ý, khi mà đây gần như là lần đầu tiên trong khá nhiều năm trở lại đây Việt Nam phải đối mặt với việc cân bằng ngân sách một cách khó khăn đến thế. Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do giá dầu thế giới đã sụt giảm mạnh trong năm 2015, dẫn đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Việt Nam giảm nghiêm trọng, chỉ còn chiếm khoảng 5% ngân sách cả năm. Việc thiếu hụt nguồn thu từ xuất khẩu dầu đã buộc Việt Nam phải cân bằng ngân sách bằng cách tăng cường các nguồn thu khác, mà điển hình trong số đó là việc tăng cường việc truy thu các khoản thuế nợ đọng của các doanh nghiệp.
Quả thực, ngân sách Việt Nam 2015 được thoát hiểm là do các nguồn thu mang tính ngắn hạn được đẩy mạnh để bù đắp ngân sách, chứ không phải các nguồn thu ổn định và dài hạn đã được dự toán xác định ngay từ đầu năm.
Cụ thể, trong năm 2015 thì hầu hết các khoản thu ổn định và dài hạn đều không đạt mức chỉ tiêu dự toán đề, điển hình trong đó là thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt 128.000 tỉ đồng, chỉ đạt 89,8% dự toán. Từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 204.000 tỉ đồng, chỉ đạt 92,5% dự toán. Và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 160.000 tỉ đồng, chỉ đạt 91,4% dự toán. Trong khi đó, hai trong số các khoản thu ngắn hạn được đẩy mạnh để bù đắp ngân sách là: thu từ sử dụng đất đai, đạt 54.200 tỉ đồng; và tăng cường truy thu những khoản nợ đọng thuế, đạt hơn 39.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, dù đã thu được hơn 39.000 tỉ đồng trong năm 2015 chỉ từ việc tăng cường truy thu những khoản nợ đọng thuế, thì theo thống kê của Tổng cục thuế, tổng số các khoản nợ thuế tính đến cuối năm 2015 vẫn lên đến 70.000 tỉ đồng, trong đó số nợ thuế tại nhiều địa phương tăng lên từ 20-30%. Trong bối cảnh giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu của một sự hồi phục mạnh mẽ, và Việt Nam lại đang chuyển dần cơ cấu thu ngân sách tăng cường và tập trung hơn vào các khoản thu từ nội địa, thì các hoạt động truy thu thuế nợ đọng nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, về lâu dài, để thực sự tạo ra được một nền tảng vững chắc và ổn định cho nguồn thu ngân sách quốc gia, thì điều mà Việt Nam cần làm không chỉ là tăng cường truy thu nợ thuế, mà còn cần phải có các động thái xóa nợ thuế nữa.
Theo đó, trong động thái gần nhất, Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ đề xuất xóa hơn 13.000 tỉ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho các doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, đây là số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp do nguyên nhân khách quan, điển hình như các trường hợp bị đối tác hủy bỏ hợp đồng, doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao trên 13,5%/năm, và nhất là các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh bị kéo dài và tăng chi phí do điều chỉnh các nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đây được xem là một quyết định đã được các doanh nghiệp chờ đợi đã lâu, khi quy định của Việt Nam trong vấn đề này từ trước đến nay vẫn được xem là một rào cản đối với quá trình kinh doanh của cá nhân và các doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Việt Nam hiện vẫn quy định các cá nhân và doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục quá trình kinh doanh thì cần phải thanh toán các khoản nợ thuế đọng lại từ các lần kinh doanh trước đó hiện đã tạm ngưng hoặc giải thể. Về lâu dài, quy định này đã hạn chế nghiêm trọng tinh thần khởi nghiệp của các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam, vì theo thống kê có tới 62% doanh nghiệp trên thế giới thất bại và phá sản ngay trong lần đầu kinh doanh, và thường kèm theo các hệ quả như nợ đọng thuế. Nếu như có một chính sách hỗ trợ xử lý tốt các khoản nợ đọng thuế này, thì sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các cá nhân và doanh nghiệp trong việc quay trở lại hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện Việt Nam đang xem xét xây dựng nghị quyết xóa nợ, xóa nợ chậm nộp, phạt chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp bất khả kháng, giải thể dừng kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của ngành thuế trong tương lai là tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì ở thời điểm hiện tại, hầu hết các rào cản và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn liên quan đến các khía cạnh của ngành thuế, từ số lượng và khối lượng các khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp, theo thống kê của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đã lên đến 40,8% lợi nhuận; thì còn có thể kể đến các thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian và công sức. Theo thống kê thì hoạt động nộp thuế ở Việt Nam trung bình mất khoảng 700-800 giờ, trong khi ở một số nước trong khu vực thì con số này chỉ khoảng 100-200 giờ mà thôi.
Việc xóa các khoản nợ thuế khó đòi và vì những lý do khách quan, nhất là của các doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động kinh doanh, có thể được xem như một sự thúc đẩy cần thiết để giúp các cá nhân quay trở lại hoạt động đầu tư kinh doanh, những người vẫn bị ràng buộc bởi quy định phải trả hết nợ thuế của lần trước thì mới được phép đầu tư kinh doanh trở lại. Đây có thể được xem là một bước đệm để Việt Nam tiến tới xây dựng một chính sách xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp vì những lý do khách quan, như một biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển. Vì thực tế là đề xuất xóa hơn 13.000 tỉ đồng của Bộ Tài chính nói trên chỉ là một giải pháp tình thế bất khả kháng, khi mà khả năng truy thu các khoản nợ thuế từ các doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động gần như là điều không thể.
Nếu Chính phủ và Bộ tài chính có thể lấy đây làm điểm tựa, để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vấn đề về thuế phí, thì đó mới là điều quan trọng nhất để cân đối nguồn thu ngân sách về lâu dài. Vì khi mà Việt Nam đã dần chuyển tỷ trọng thu ngân sách về các nguồn thu nội địa, thì điều quan trọng cần làm là tạo điều kiện để hỗ trợ và thúc đẩy các nguồn thu này tăng trưởng mạnh, qua đó tăng nguồn thu ngân sách, mà một phần lớn trong đó là đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội. Chỉ có một cái cây được chăm bón tốt, thì mới có thể ra nhiều quả ngọt được.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon