Chuyển rác về Đa Phước thiệt hại ngàn tỉ: trách nhiệm thuộc về ai?

Dù bãi rác Đa Phước hoạt động sai giấy phép vẫn được quyết định cho “ôm” hàng ngàn tấn rác về; dù đã nhận thấy những thiệt hại báo trước nếu đóng của bãi chôn lấp số 3 dời rác về Đa Phước nhưng lãnh đạo TP.HCM vẫn ra quyết định dồn rác về Đa Phước… Trong phạm vi bài viết, Một Thế Giới chỉ đề cập đến những bất thường này sau khi có kết luận từ Thanh tra TP.

Sau 10 năm mới điều chỉnh giấy phép lại cho đúng để… nhận thêm rác

Việc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) không thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng đã ký mà chỉ vận hành với công nghệ chôn lấp toàn bộ rác với công suất 3.000 tấn/ngày tồn tại từ khi thành lập năm 2005 cho đến mãi ngày 13.1.2014 khi Ủy ban nhân dân TP.HCM cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 2535/GCNĐC1/41/1 cho đúng với thực tế chôn lấp rác của khu xử lý rác Đa Phước mà không có một sự xử lý, cản trở nào từ cơ quan ban ngành đã là một chuyện lạ.

Ngay sau việc cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho bãi rác Đa Phước thì hơn một tháng sau, ngày 24.2.2014, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo số 119/TB-VP về nội dung kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Giao Sở TNMT chuẩn bị kỹ đề án chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp.

Thế là bãi rác Đa Phước được bật đèn xanh, đếm ngày đếm tháng, ung dung chờ ngày chuyển rác về.

Đến tháng 11.2014, bãi rác Đa Phước bắt đầu nhận thêm rác thải về. Tháng 3.2015, bãi Phước Hiệp hoàn toàn ngưng nhận rác và toàn bộ chuyển về Đa Phước, trung bình 2.000 tấn/ngày.

Biết thiệt hại vẫn ra quyết định

Theo kết luận của Thanh tra TP, sau khi lãnh đạo UBND TP.HCM ra quyết định lập đề án chuyển rác từ Phước Hiệp về Đa Phước, ngày 11.4.2014, Sở TNMT lập đề án chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Trong đó, Sở TNMT có nhận xét và kiến nghị: xét về công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thì cả hai dự án của Công ty VWS và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đều là công nghệ tiên tiến và đảm bảo môi trường tương đương nhau. Nếu ngưng tiếp nhận chất thải tại bãi chôn lấp số 3, đưa vào hoạt động dự phòng thì ngân sách phải chi trả một khoản tiền gần 900 tỉ đồng và mỗi năm phải tốn thêm chi phí bảo dưỡng, duy tu... trên 20 tỉ đồng nữa.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề an sinh xã hội đối với 300 lao động của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố. Đồng thời, để chuyển chất thải về Đa Phước phải điều chỉnh thời gian thu gom, quy trình vận chuyển, phân luồng giao thông và xem xét mở rộng đường giao thông Quốc lộ 50.

Nếu không tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp số 3 thì không thể đáp ứng được yêu cầu của một bãi dự phòng do cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không có lực lượng lao động sẵn có. Đồng thời gây lãng phí cho ngân sách trên 1.000 tỉ đồng (gồm chi phí 600 tỉ đồng đã đầu tư dở dang không sử dụng được và 400 tỉ đồng dự kiến bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc).

Sở TNMT TP.HCM đã kiến nghị giải pháp hiệu quả nhất là tiếp tục cho bãi chôn lấp số 3 tiếp nhận 2.000 tấn chất thải/ngày, thành phố không phải tốn các chi phí như đã nêu trên mà còn giải quyết được việc làm ổn định thu nhập cho 300 con người. Đến năm 2015, khi lượng chất thải của thành phố dự kiến tăng trên 7.000 tấn/ngày, vượt công suất các nhà máy hiện có thì xem xét chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt gia tăng về khu Đa Phước.

Tuy nhiên, bất kể tư vấn, báo cáo từ Sở TMNT, UBND TP vẫn ra quyết định di dời rác như đã nêu trên.

Bất kể trách nhiệm thuộc về ai thì những hệ lụy đã và đang xảy ra, đương nhiên người dân phải chịu, chẳng hạn tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như người dân phải gánh trên vai từng đồng tiền thuế trĩu nặng để đổi lấy những bất hợp lý…

Thảo Hương

Previous
Next Post »
Thanks for your comment