TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước với các cơ sở công nghiệp lớn. Cộng với dân số thực tế gần 10 triệu người (tính đến năm 2015), TP.HCM đang phải chịu áp lực rất lớn từ mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên khổng lồ, kéo theo lượng khí nhà kính (KNK) phát thải ngày càng tăng.
Vấn đề của TP.HCM cũng như của Việt Nam hay bất kỳ nền kinh tế nào khác là phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Riêng với TP.HCM, áp lực từ bài toán này còn mạnh mẽ hơn nữa sau khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP21) tại Paris, Pháp vào cuối năm 2015 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải tự đề xuất và cam kết mục tiêu giảm phát thải KNK kèm theo đó là những hành động cụ thể để giảm phát thải KNK.
Tại COP21, Việt Nam cũng đã "đăng ký" mức giảm phát thải từ 8-25%, tương ứng với mức đóng góp vô điều kiện (tự thực hiện) và có điều kiện (tức là có hỗ trợ quốc tế). Từ mức đăng ký của Việt Nam thì các tỉnh thành đều có trách nhiệm để góp phần giúp hoàn thành cam kết của Việt Nam với quốc tế.
TP.HCM với tư cách là thành phố đông dân và là đầu tàu kinh tế của cả nước nên có trách nhiệm lớn nhất trong việc giảm phát khí thải quốc gia. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn cần phải đảm bảo rằng việc đó không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế khác.
Để thực hiện điều đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP.HCM (được thành lập từ 2009) đang xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.
Dự thảo Kế hoạch đề xuất mục tiêu giảm phát thải KNK đến năm 2020 so với lượng phát thải theo kịch bản phát triển bình thường như sau: Mức đóng góp vô điều kiện (thành phố tự thực hiện) là 10,5%; mức đóng góp có điều kiện (có hỗ trợ bên ngoài và nếu tính cả tiềm năng giảm phát thải từ lưới điện 6,1%) là 19,1%. Dựa trên ý kiến đóng góp của các chuyên gia, kế hoạch hoàn chỉnh sẽ được trình UBND TP xem xét trong quý 2/2016.
Có thể thấy rằng việc BĐKH toàn cầu không còn là vấn đề của quốc tế mà đã trở thành vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của con người Việt Nam. Ví dụ đơn giản nhất là tình hình xâm mặn, hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long. Theo kịch bản của BĐKH đến cuối thập niên này, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, 40% diện tích ĐBSCL – vựa lúa của cả nước sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới 55% dân số trong vùng.
Trong việc giải bài toán môi trường và khí hậu, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất cần sự hỗ trợ của bên ngoài. Để thực hiện các phương án giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đưa ra cam kết đến năm 2030 đóng góp mức giảm khoảng 8% so với mức phát thải nói trên. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tăng mức cắt giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế thông qua các hợp tác song phương và đa phương.
Để đạt con số 25%, tức mức tối đa trong cam kết, theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói trong hội thảo tháng 10 năm ngoái, từ nay đến năm 2030 Việt Nam cần đến 21,1 tỉ USD. Trong số đó, khoảng 3,2 tỉ USD là nguồn trong nước và khoảng 17,9 tỉ USD từ sự hỗ trợ của quốc tế.
Ngày 25.2, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) của Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm tài khóa 2015 về chương trình hợp tác “Phát triển thành phố phát thải carbon thấp” giữa TP.HCM và thành phố Osaka, Nhật Bản. Năm 2015, phía Osaka đã cho ra đời 2 dự án mới hỗ trợ trang thiết bị JCM (Joint Crediting Mechanism), bao gồm: tiết kiệm năng lượng trong nhà máy bằng cách sử dụng hệ thống kiểm soát điều hòa không khí (triển khai tại 6 công ty con của Nidec Corporation từ năm 2017 với mục tiêu giảm lượng phát thải 4.681 tCO2/năm) và sử dụng năng lượng mặt trời tại trung tâm mua sắm TP.HCM (được triển khai từ năm 2016 tại công ty Aeon Việt Nam với mục tiêu giảm lượng phát thải 274 tCO2/năm).
Đại diện GEC cũng khẳng định, trong giai đoạn 2016-2020 Osaka sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM triển khai thực hiện chương trình hợp tác “Phát triển thành phố phát thải cacbon thấp.
Thảo Hương
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon