Là đô thị lớn nhất cả nước với quy mô thực tế khoảng 10 triệu dân, nhu cầu nước sinh hoạt của TP.HCM là rất lớn. Ngoài ra, nền kinh tế cần một lượng nước ngọt rất lớn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, nguồn nước ngọt này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.
Một điều dễ nhận thấy nhất là việc triều cường ở TP.HCM trong những năm gần đây diễn biến ngày càng phức tạp theo chiều hướng xấu. Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, trong 10 năm qua, mực nước thủy triều của sông Sài Gòn (đo được tại trạm Hóa An của huyện Nhà Bè) luôn có xu hướng nhích lên. Trước năm 1999, đỉnh triều cao nhất trên sông Sài Gòn là 1,36m, năm 2007 là 1,49m, đến 2008 mức đỉnh triều lên tới 1,54m, năm 2010 đỉnh triều tại TPHCM đã đạt đến mức kỷ lục 1,58m. Năm 2012, đỉnh triều chạm mốc 1,60 m, một năm sau phá sâu kỷ lục 8 cm và năm 2014 chạm mốc 1,7m. Việc triều dâng với tốc độ chóng mặt như vậy đã vượt qua cả các dự báo trước đây.
Triều cường dâng, người dân thành phố chịu cảnh bì bõm và không ngạc nhiên khi có nhiều người than Sài Gòn thừa nước. Nhưng mức độ triều tăng lại còn thể hiện một thực trạng đáng lo ngại khác: đó chính là nước biển đang dâng ngày càng cao hơn, lấn sâu hơn vào đất liền và bắt đầu đe dọa không chỉ đến vựa lúa ở ĐBSCL mà còn cả ‘vòi nước’ của người dân thành phố.
Lý do, nước dâng, biển lấn cộng với hạn hán làm thiếu nguồn nước ngọt bổ sung thì sẽ dẫn đến xâm mặn nguồn nước ngầm, sông ngòi. Nước nhiễm mặn khiến không thể trồng trọt được, nông thôn và người dân thành phố sẽ không có đủ nước ngọt. Các nhà máy cấp nước đều lọc nước từ các sông nhưng công nghệ chỉ cho phép lọc nước với độ mặn nhất định. Đến một lúc nào đó, độ mặn nguồn nước quá cao thì hệ thống lọc không còn hoạt động hiệu quả để cung cấp nguồn nước ngọt ổn định phục vụ thành phố 10 triệu dân.
Theo kết quả khảo sát do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra hồi tuần trước, tình trạng xâm mặn trên sông Sài Gòn - Đồng Nai đang tăng cao. Viện lý giải do hiện tượng El Nino khiến mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm, độ mặn giữa tháng 2 trên hai con sông này đo được tăng so với cuối tháng trước.
Kết quả quan trắc của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP.HCM tại huyện Nhà Bè cho biết, độ mặn trên sông tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nước lấy từ sông Sài Gòn - Đồng Nai nhiều thời điểm không còn đáp ứng được quy chuẩn một số chỉ tiêu (độ mặn vượt quá 25 mg/lít).
Giải pháp khi độ mặn ở các sông lên cao là xả các hồ thủy lợi vào sông Sài Gòn. Tuy nhiên, các hồ còn phải phục vụ nước cho nông nghiệp và bản thân các hồ cũng đang đối diện với nguy cơ cạn dần do biến đổi khí hậu.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển sẽ dâng, ngập mặn sẽ dâng nhanh trong thế kỷ này. Năm 2011, đã có cảnh báo nếu nước biển dâng 60 cm thì vai trò trung hòa giảm mặn của các hồ cho sông Sài Gòn là vô hiệu.
Thậm chí, có kịch bản tồi tệ là nước biển sẽ dâng 1 mét vào cuối thập kỷ này. Khi ấy nó không chỉ khiến 40% đất ĐBSCL bị ngập mà còn khiến cuộc sống của người dân TP.HCM phải đứng trước một thực tế: không đảm bảo nguồn nước ngọt.
Trước tình hình xâm mặn phức tạp, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch xây hồ chứa nước ngọt tại huyện Củ Chi để làm nguồn nước thay thế trong trường hợp nước sông Sài Gòn - Đồng Nai nhiễm mặn quá cao.
Thảo Hương
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon