Ngày 26.2, một vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại khu vực thác Datanla khiến 3 du khách Anh thiệt mạng đã đánh lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn trong du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, du lịch mạo hiểm tại thác Datanla đã tạm dừng hoạt động. Từ trước đến nay, Datanla luôn được coi là điểm du lịch hấp dẫn tại Lâm Đồng và trong khoảng 10 năm qua du lịch mạo hiểm thực sự phát triển ở đây.
Datanla có gì mạo hiểm?
Thác Datanla nằm tựa mình trên đèo Prenn – một trong những cung đèo thơ mộng nhất Đà Lạt, quốc lộ 20, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Nam. Nằm ở nơi thượng nguồn có độ cao hơn 20 mét nên dòng thác luôn chảy ổn định, lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội luồn qua các ghềnh đá cheo leo giữa giời. Quan sát từ phía trên thác, khách thăm quan sẽ chỉ thấy toàn lá rừng, khó nhìn được những gì dưới thung lũng.
Để tham quan hết các tầng thác ở Datanla, du khách có thể đi bộ qua lối mòn bằng xi măng. Cầu thang bộ được thiết kế khá dốc và thoải xuống về phía thác, với 200 bậc thang, chiều dài khoảng 1 km và thời gian đi thang bộ xuống thác khoảng 30 phút. Con đường này có nhiều đoạn rêu phủ trơn trượt nên du khách đi bộ đều phải hết sức để ý. Thực tế, đây không phải con đường được nhiều du khách lựa chọn để xuống thác.
Lối đi bộ xuống thác. (ảnh: lao động) |
Đối với những ai không muốn cuốc bộ vài trăm mét để đến thác tham quan có thể đi máng trượt để trải nghiệm cảm giác mạnh mà không phải tốn sức. Máng trượt chạy uốn lượn qua những dải rừng xanh, vách núi hiểm trở. Một số cây cối mọc cao nhô ngọn ra quất vào người, kèm với tốc độ cao khiến nhiều người cảm thấy hoảng hốt, sợ hãi. Giá vé cho máng trượt chỉ từ 40.000 đồng/người. Tốc độ di chuyển của xe máng trượt khá nhanh, từ 20 - 40km/h tuỳ từng cung đường và được điều khiển bằng phanh chân. Những ai không thích mạo hiểm không nên lựa chọn cách này để xuống thác.
Trượt máng với lưới bảo hiểm xung quanh. Tuy nhiên không phải tất cả các đoạn đường xuống thác đều như vậy. (ảnh: vnexpress) |
Những đoạn đường cây cối mọc um tùm. (ảnh: lao động) |
Lựa chọn an toàn nhất đối với những người không thích mạo hiểm và muốn thăm quan nhẹ nhàng là sử dụng cáp treo. Hệ thống cáp treo được lắp đặt khá cao và uốn lượn theo dòng chảy của thác. Vì vậy, đây là phương tiện lý tưởng nhất để bạn có thể ngoạn cảnh một cách rõ nét bức tranh thiên nhiên núi rừng, thác chảy.
Bên dưới cáp treo là lối đi bộ và dòng thác chảy xiết, trắng xoá. (ảnh: lao động) |
Đu dây qua các vách núi để chinh phục vực Tử Thần là một trong những hoạt động du lịch mang tính chất thực sự mạo hiểm tại khu vực thác Datanla. Với cái tên Tử Thần, nơi đây là vực cao hàng trăm mét, hai bên là những vách đá cao ngút ngàn, dưới là vực sâu thăm thẳm với những thảm thực vật xanh tươi tốt phủ kín. Phía trên là dòng thác “hung tàn” như cơn thịnh nộ trút nước lớn xuống ầm ầm. Vì địa hình đặc biệt nên nhiều công ty du lịch thiết kế các tour khám phá trải nghiệm mạo hiểm. Hoạt động có phần nguy hiểm nhưng được khá nhiều bạn trẻ yêu thích và đăng ký tham gia. Tất nhiên, để tham gia hoạt động cảm giác mạnh này, du khách bắt buộc phải mua vé du lịch mạo hiểm và được hướng dẫn bởi huấn luyện viên, đồng thời sử dụng trang thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Vách đá Tử Thần dựng đứng thử thách lòng người. (ảnh: lao động) |
Hai trò chơi "khó nhằn" ở khu vực này là đu dây vượt thác cao 25 m và nhảy tự do xuống thác từ độ cao 9 m. Để chơi trò đu dây vượt thác, người chơi sẽ được các huấn luyện viên giải thích và hướng dẫn rất kỹ từng bước. Sau đó từng người phải thực hành ở những vách đá khô để huấn luyện viên kiểm tra kỹ năng. Tuy nhiên, khi bước vào chuyến mạo hiểm vượt thác thực sự, không phải ai cũng có thể chịu được sự "ác liệt" của dòng nước trắng xối mạnh từ trên cao xuống. Cái cảm giác rơi tự do từ lưng chừng không xuống đáy nước không dành cho những người yếu tim. Dù đã được các công ty lữ hành khảo sát, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho khách du lịch nhưng chỉ cần một phút lơ là của huấn luận viên và người chơi, mọi rủi ro đều có thể xảy ra.
Vượt thác và rơi tự do là hoạt động vô cùng mạo hiểm. (video: youtube)
Một hoạt động du lịch mạo hiểm khác tại thác Datanla là trượt thác. Trải nghiệm trượt qua các ghềnh thác thu hút không chỉ khách địa phương, trong nước mà còn cả các bạn quốc tế. Hoạt động này mang lại cho du khách cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn và nhất là được thưởng thức những tràn nước mát lạnh trút từ trên cao xuống người nhưng lại vô cùng nguy hiểm nếu bạn không được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cũng như đủ bình tĩnh để xử lý những tình huống xảy ra ngoài ý muốn giữa dòng nước trắng lạnh và xối xả không ngừng. Chỉ một sơ sẩy nhỏ, du khách có thể bị nước cuốn trôi hoặc va đầu vào những tảng đá "ẩn mình" dưới mặt nước và dẫn đến tai nạn thương tâm như đối với 3 vị khách người Anh.
Trượt thác mang lại nhiều cảm giác mới lạ nhưng rất mạo hiểm. (ảnh: lao động) |
Để hình dung về sự nguy hiểm của khu vực thác Datanla, báo Thanh niên đã mô tả quãng đường khó khăn, hiểm trở của đội cứu hộ xuống dưới lòng thác để đưa nạn nhân lên: "Thi thể nữ du khách đầu tiên được đưa từ lòng thác Datanla lên Quốc lộ 20. Để đưa được thi thể này lên tới nơi, có đến khoảng 20 người, bao gồm lực lượng cứu hộ, nhân viên của khu du lịch Datanla và bộ đội vượt qua 400m với quãng đường dốc gần như thẳng đứng. Một hướng dẫn viên du lịch người địa phương cho biết, hiếm khi du khách trong nước đăng ký thám hiểm con thác hung dữ này. Đa phần các chuyến thám hiếm thác đều do khách nước ngoài đặt tour."
Nguy hiểm đến từ mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm không còn là điều mới đối với thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này mới chỉ phát triển mạnh trong gần chục năm trở lại đây và chưa thực sự phổ biến đối với du khách trong nước, những người tham gia các trò chơi mạo hiểm đa số là khách đến từ nước ngoài.
Datanla là một trong những điểm du lịch mạo hiểm nổi tiếng của thành phố Đà Lạt. (ảnh: lao động) |
Hiện nay phần lớn những công ty khai thác loại hình du lịch này ở Việt Nam đa phần là tự học mà không có bất cứ một chương trình đào tạo bài bản hay hay các giấy chứng nhận chuyên môn dành huấn luyện viên du lịch mạo hiểm. Hướng dẫn viên đa số chỉ đảm nhiệm việc "trông chừng" khách tham quan. Vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách cũng chưa được kiểm soát đầy đủ, không có một quy chuẩn cụ thể về đồ bảo hộ và bảo hiểm cho khách du lịch. Nhiều người vẫn còn đang nhầm lẫn giữa hình thức du lịch dã ngoại khám phá thiên nhiên với du lịch mạo hiểm.
Không thể phủ nhận rằng, thiên nhiên hiểm trở và khó lường chính là yếu tố tạo ra điểm hấp dẫn của du lịch nhưng nó cũng là mối nguy hiểm rõ ràng nhất đối với sự an toàn của du khách. Những thác cao, suối sâu, con nước dữ... bất kể điều gì bất trắc xảy ra đều có thể dễ dàng cướp đi mạng sống của du khách. Tuy nhiên, đã là tour du lịch mạo hiểm, khách du lịch cũng phải tự ý thức rõ được những nguy cơ có thể xảy ra và các đơn vị cung cấp dịch vụ phải tính toán để tiêu trừ những mối nguy hiện hữu bằng các thiết bị bảo hộ, biển cảnh báo cũng như kinh nghiệm, kiến thức của hướng dẫn viên.
Du lịch mạo hiểm có thể đặt tính mạng của khách tham quan vào nguy hiểm. (ảnh: Tuổi trẻ) |
Việc 3 du khách Anh khám phá "chui" thác Datanla, chỉ mua vé vào cổng tham quan chứ không mua vé tham gia hoạt động mạo hiểm và không sử dụng các thiết bị an toàn do đơn vị quản lý du lịch ở đây cung cấp để xảy ra tai nạn là một điều hết sức đáng tiếc. Và mới đây, du lịch Lâm Đồng lại tiếp tục phải nghe tin buồn khi một du khách người Belarus đã tử vong trong lúc bơi tại khu vực thác Pongour. Đến nay, kết luận cuối cùng cho cả hai vụ việc thương tâm này vẫn chưa được chính thức đưa ra nhưng đây là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người về sự nguy hiểm đang rình rập trong những hoạt động du lịch mạo hiểm đang diễn ra tại Việt Nam.
Theo TH (Vntinnhanh)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon