Ở thời điểm hiện tại, khi tháng thứ 2 của năm mới 2016 – năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc, theo đó nước này sẽ chính thức bắt đầu lộ trình chuyển mô hình nền kinh tế từ sản xuất và xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, sắp kết thúc, thì dường như một phần chiến lược để hiện thực hóa kế hoạch đó của chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu lộ diện. Trung Quốc sẽ chính thức bước vào quá trình cải tổ không chỉ để thoát khỏi tình trạng giảm tốc về kinh tế, mà còn tái cấu trúc và thay đổi mô hình hoạt động trong nền kinh tế của mình, vốn là điều mà Trung Quốc gần như chưa có kinh nghiệm.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi chính phủ nước này đang sao chép lại mô hình cải tổ toàn diện mà nước láng giềng Nhật Bản đã tiến hành trong 3 năm qua. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai Abenomics.
Tính đến thời điểm này, các nhà phân tích bắt đầu nhận ra những điểm tương đồng rõ rệt trong chiến lược cải tổ nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe, vẫn được gọi với cái tên Abenomics, với cuộc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc của chính phủ nước này ngay sau khi năm 2015 kết thúc. Đó là thời điểm Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm trở lại đây.
Đầu tiên là sự chuyển dịch tỷ giá. Nếu như một trong 3 mũi tên chủ đạo của Abenomics là hạ tỷ giá đồng yen để hỗ trợ xuất khẩu của Nhật Bản, thì đồng nội tệ của Trung Quốc cũng đang trong tình trạng sụt giảm tỷ giá đáng kể. Điểm khác nhau duy nhất giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong vấn đề này là, trong khi Nhật Bản bơm tiền ồ ạt ra thị trường để hạ tỷ giá đồng yen, còn Trung Quốc thì bơm tiền để ghìm bớt quá trình sụt giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ vốn đang gần như trong tình trạng rơi tự do.
Thứ hai là kích thích tài chính và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhật Bản lập hẳn ra một quỹ tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này về nguồn vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn bên cạnh mũi tên thứ nhất là tỷ giá. Trong khi đó Trung Quốc cũng đang mở rộng dòng vốn cho các doanh nghiệp nước này và mở rộng tín dụng cho vay để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
Theo thống kê, tổng giá trị các khoản vay mới tại hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong tháng 1.2016 đã tăng thêm 385 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay cá nhân cũng tăng lên đáng kể, chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc, trong khi đó các vùng này lại đang là nơi có mức tăng trưởng kinh tế âm. Tăng cường các khoản vay để thúc đẩy tiêu dùng nội địa được xem là một biện pháp kích cầu ưa thích của chính phủ Trung Quốc.
Việc tăng cường quy mô dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp của Trung Quốc vì thế cũng dẫn tới điểm tương đồng thứ 3 với chính sách Abenomics tại Nhật, đó là hướng tới cải tổ hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả ở Nhật Bản lẫn Trung Quốc thì đều có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính để trì hoãn cải tổ, khi chính phủ ở cả hai nước đều bị chỉ trích về việc cố gắng hà hơi cho các công ty “xác sống” vốn có mức độ thua lỗ lớn và gần như không còn khả năng tồn tại, thay vì để chúng phá sản.
Có nhiều lý do để lý giải vì sao Trung Quốc lại đang gần như rập khuôn kế hoạch cải tổ Abenomics của Nhật Bản vào nền kinh tế của mình. Về bề ngoài, vấn đề của hai nước khá khác nhau, khi Nhật Bản đang vật lộn để thoát khỏi nguy cơ giảm phát, còn Trung Quốc thì chỉ mới sụt giảm tăng trưởng chút đỉnh mà thôi và vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cao, lên tới gần 7%/năm. Nhưng về thực chất, vấn đề của hai nước lại khá tương đồng, đó đều là tìm cách cải tổ nền kinh tế để tránh rơi vào tình trạng trì trệ.
Trong đó, những mục tiêu kinh tế mà Nhật Bản đang hướng tới rất giống với mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc cũng đang đề ra, đó là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cải tổ hoạt động của giới doanh nghiệp và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Dĩ nhiên mức độ và quy mô trong từng mục tiêu của hai nước là khác nhau, nhưng có thể sử dụng chung các giải pháp tương tự nhau với liều lượng chênh lệch đôi chút.
Tuy nhiên, có vẻ như chính sách cải tổ mang hơi hướng Abenomics mà chính phủ Trung Quốc đang tiến hành dường như đang là một phiên bản lỗi, với khá nhiều trục trặc đang được các nhà phân tích chỉ ra. Đầu tiên là vấn đề tỷ giá và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong vấn đề này Nhật Bản lấy việc tăng cường xuất khẩu làm nền tảng, theo đó bằng cách hỗ trợ tài chính và hạ tỷ giá, Tokyo có thể giúp các doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tăng lợi nhuận công ty từ đó tăng thu nhập cho người lao động, và đó là tiền đề để thúc đẩy tiêu dùng khi mà thu nhập của người dân Nhật tăng lên.
Đó là một giải pháp hợp lý và logic dù nó phải phụ thuộc vào việc xuất khẩu của Nhật tăng nhiều hay ít. Trung Quốc thì ngược lại, Bắc Kinh bơm thẳng tiền từ ngân hàng vào túi người dân để hy vọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa một cách trực tiếp, vì thế mới phát sinh tình trạng có những nơi như các tỉnh vùng Đông Bắc, trong khi tăng trưởng kinh tế tại địa phương rơi xuống mức âm thì tăng trưởng tín dụng lại không ngừng tăng lên. Đây được xem là biện pháp kích cầu có phần thiếu hiệu quả và không mang tính lâu dài.
Điều tương tự cũng diễn ra trong vấn đề thứ hai của chính sách Abenomics là kích thích tài chính. Cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều tăng cường dòng vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cả hai dường như đang thất bại, trong đó chính sách của Trung Quốc bị đánh giá là kém hơn nhiều. Ở Nhật, do tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết dòng tiền mà Tokyo bơm ra thị trường lại quay về ngân hàng do các doanh nghiệp và người dân không muốn vay tiền để mở rộng sản xuất hay tiêu dùng. Còn ở Trung Quốc, đa phần lại rơi vào các doanh nghiệp thiếu hiệu quả.
Theo thống kê, 40% các khoản tài chính ở Trung Quốc rơi vào tay các doanh nghiệp nhà nước, dù các doanh nghiệp này chỉ chiếm 10% sản lượng của nền kinh tế và nổi tiếng về sự thiếu hiệu quả và lãng phí và thường là những nơi có mức tham nhũng cao nhất. Nói cách khác, vấn đề của Nhật Bản là người dân và doanh nghiệp không muốn vay tiền, còn của Trung Quốc là ném tiền vào những nơi thiếu hiệu quả. Nó không chỉ khiến cho các khoản hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh trở nên vô ích, mà còn tăng mức nợ của các doanh nghiệp nước này, hiện đang ở mức 230% GDP và sẽ nhanh chóng tăng lên 300% GDP nếu xu hướng lãng phí này cứ diễn ra.
Sự khác biệt cuối cùng trong chính sách Abenomics giữa Nhật Bản và Trung Quốc là mức độ ưu tiên cho cải cách cấu trúc kinh tế. Trên thực tế Nhật Bản đã là nước tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa từ cách đây hàng chục năm, và vấn đề chủ yếu của nước này chỉ là làm cho bộ máy kinh tế vận hành năng động hơn mà thôi. Trong khi đó vấn đề của Trung Quốc là chuyển từ nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu sang tiêu dùng, nói cách khác là thay đổi hoàn toàn bộ máy kinh tế, và điều này thì khó khăn hơn nhiều so với Nhật Bản.
Vì vấn đề của hai nền kinh tế khác nhau, nên trong khi người Nhật có thể câu giờ chút ít trong việc cải tổ các doanh nghiệp và tập đoàn quy mô lớn của nước này, thì Trung Quốc lại không có được sự thoải mái đó. Vấn đề của Trung Quốc hiện tại là phải cải tổ thật nhanh hệ thống doanh nghiệp nhà nước khổng lồ kém hiệu năng của mình trước khi quá muộn. Và nếu Bắc Kinh cứ bơm tiền với hy vọng cứu vãn các ông con cưng nghiện ngập này thay vì cải tổ mạnh mẽ như hiện nay, thì rõ ràng là khả năng thành công của chính sách cải tổ nhái Abenomics của Trung Quốc cũng sẽ bị đặt một dấu hỏi lớn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon