Bộ Tài chính trần tình việc doanh nghiệp phải chịu thuế gần 40% lợi nhuận

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước theo số liệu được tổ chức quốc tế tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền trung ương do hệ thống ngân sách của các nước này có sự độc lập giữa các cấp ngân sách.

Trong khi đó, hệ thống ngân sách của Việt Nam bao gồm 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Vì vậy số thu ngân sách được công bố, công khai hàng năm luôn bao gồm nguồn thu của tất cả 4 cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách (tức là bao gồm cả Trung ương và địa phương).

Về các chỉ tiêu trong tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, theo phương thức thống kê, thu ngân sách của Việt Nam thì nguồn thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu ngân sách, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như thu từ các sắc thuế khác.

Theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%.

Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước như phân tích ở trên thì nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam được sử dụng để so sánh với các nước cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có bản chất “thu từ vốn” và không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế. 

Cụ thể, tính trong giai đoạn  từ 2011-2015: Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở Việt Nam hiện đang ở "mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần." Cụ thể, với thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông từ năm 2014 là 22% và từ 1.1.2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. 

Bộ Tài chính khẳng định: "Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp".

Tương tự, với thuế giá trị gia tăng, hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ). Trong khi đó, theo thống kê về thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%,...

Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Đối tượng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB chủ yếu là những chủng loại mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu bia) hoặc việc tiêu dùng được tập trung vào những bộ phận có thu nhập cao (như ô tô, chơi gôn) hay những dịch vụ mang tính nhạy cảm về mặt xã hội (kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, casino). Quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tích cực trong việc hình thành một xu thế tiêu dùng xã hội lành mạnh; Khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.

Về thuế xuất - nhập khẩu: Kể từ năm 2007 đến nay, hàng năm đều thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế. Tỷ trọng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm (từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005-2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011-2014).

Về các khoản thu đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn: Thực hiện miễn, giảm nhiều khoản thu như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền từ năm 2003 đến hết năm 2020, miễn thu thủy lợi phí...

Với riêng thuế tài nguyên, Bộ Tài chính khẳng định: Mỗi chính sách thu hiện hành liên quan đến tài nguyên (trong đó có thuế tài nguyên) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân; mức thuế suất thuế tài nguyên thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên...

Tuyết Nhung

Previous
Next Post »
Thanks for your comment