Giá dầu ở đáy: Đóng mỏ, cắt giảm nhân viên

Giá dầu giảm kỷ lục là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rơi vào thời điểm khó khăn nhất trong 10 năm qua. Hàng loạt DN ngành dầu khí, từ khai thác đến dịch vụ, đều lao đao khi phải cắt lên kế hoạch đóng mở, giảm chi phí, lao động,...

DN mất cân đối tài chính

Trong lĩnh vực khai thác, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) là DN lớn có nhiều lợi thế, nhưng từ 2015 phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Giá dầu trong kế hoạch của Vietsovpetro năm ngoái xoay quanh mức 75 USD/thùng, nhưng giá thực tế trung bình cả năm chỉ 56 USD/thùng. Chính vì vậy, VSP đã mất cân đối hơn 200 triệu USD, buộc phải lấy từ nguồn sản xuất để đầu tư các dự án.

DN đã phải cắt giảm 400 lao động và cho hàng trăm nhân viên nghỉ hưu sớm, giảm trung bình 10% lương cán bộ lãnh đạo quản lý. Ngoài ra, giảm mạnh các chi phí hoạt động, giải thể một số đơn vị thành viên. Thậm chí, liên doanh này còn có kế hoạch cắt giảm đến 2.000 nhân viên trong thời gian tới.

Năm nay, kế hoạch của DN này là giá dầu ở mức 55 USD/thùng, dự kiến khai thác 5 triệu tấn với doanh thu trên 2 tỷ USD. Nhưng, hiện giá dầu giảm chỉ còn hơn 30 USD/thùng, dẫn tới nguy cơ doanh thu giảm mạnh.

Giá dầu giảm thấp kéo dài cũng khiến lĩnh vực thăm dò dầu khí gặp khó khăn. Trong khi giá cả thiết bị, dịch vụ duy trì ở mức cao, thì giá dầu thấp đã làm giảm hiệu quả hoạt động và ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án thăm dò mới của PVN.

Năm 2016, tập đoàn này cần thu xếp khoảng 250 triệu USD cho hoạt động thăm dò, có thể nói đây sẽ là một thách thức lớn. Nhiều dự án tìm kiếm thăm dò hiện đã phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ, do có chi phí cao.

Trong khi đó, thăm dò là để gia tăng trữ lượng dầu khí, việc dừng thăm dò sẽ dẫn tới rủi ro trong tương lai bởi không có hàng để bán khi giá dầu tăng trở lại.

Vạ lây theo giá dầu

Với lĩnh vực dịch vụ dầu khí, lợi nhuận thời gian qua đã giảm mạnh, dự báo sẽ tiếp tục giảm trên 40% do các công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không cân đối được vốn để đầu tư tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ.

Theo PVN, giá dầu hơn 30 USD/thùng như hiện nay mà kéo dài thì lĩnh vực dịch vụ sẽ giảm 40-45% khối lượng công việc, các dự án dự kiến sẽ, hoặc đang triển khai, sẽ phải xem xét lại. Các giàn khoan và tàu dịch vụ có nguy cơ thiếu việc làm, lĩnh vực cơ khí dầu khí cũng chịu ảnh hưởng do giảm các các giàn khoan đóng mới,...

Ngoài ra, các dự án mới triển khai trong năm 2016 như dự án khai thác mỏ Cá Rồng, đường ống nối từ mỏ Cá Rồng sang khu vực Nam Côn Sơn, dự án khí lô B và mỏ Cá Voi Xanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm tiến độ đưa vào khai thác.

Giá dầu giảm còn khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu bỏ chạy. PVN cho biết, Tập đoàn Gazprom Neft (GPN - Nga) đã chính thức có thông báo không tiếp tục đàm phán việc chuyển nhượng 49% cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Một tập đoàn khác cũng lặng lẽ rời bỏ dự án lọc dầu gần 4 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (QP). QP đã chính thức rút khỏi dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn với lý do là nằm trong định hướng tái cơ cấu và thay đổi chiến lược phát triển của họ. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn.

Dự kiến, giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ trong nước năm 2016 của PVN là 27,4 USD/thùng. Nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống quanh con số này, nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra.

Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu xuất bán trên 45 USD/thùng thì khai thác dầu tại các mỏ sẽ đạt hiệu quả. Còn bán dưới mức giá này thì một số mỏ khai thác của tập đoàn sẽ gặp khó khăn. Cũng theo PVN, giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của tập đoàn giảm 5.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.500 tỷ đồng.

Theo các dự báo, giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp trong vòng 3 đến 5 năm tới. Với ngành dầu khí Việt Nam, khai thác dầu có giá thành ở mức trên trung bình so với thế giới, thì khó khăn sẽ chồng khó khăn. Các giải pháp như tiếp tục cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm sản lượng khai thác,... là khó tránh khỏi.

Trần Thủy/VietNamNet

Previous
Next Post »
Thanks for your comment