Trước đây, người ta đã biết “ngọn ngành” cuộc đời của nữ chính Vivien Leigh và tài tử Clark Gable, giờ đây, câu chuyện cuộc đời của nữ phụ Hattie McDaniel sẽ được biết tới…
Trong khi một số nghệ sĩ nổi tiếng ở Hollywood kêu gọi tẩy chay lễ trao giải Oscar vì những ứng viên được đề cử ở các hạng mục chính đều là người da trắng, chưa bao giờ câu chuyện chủng tộc lại trở nên nóng hổi ở kinh đô điện ảnh đến thế.
Trong lịch sử, nữ diễn viên da màu Hattie McDaniel từng là người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được giải Oscar. Bà được xem là một biểu tượng cho câu chuyện chủng tộc tại kinh đô điện ảnh.
Tìm hiểu sâu kỹ về cuộc đời Hattie, người ta sẽ thấy nhiều điều xót xa. 75 năm trước, Hattie McDaniel nhận được tượng vàng Oscar dành cho Nữ phụ xuất sắc với vai diễn nữ nô lệ Mammy trong phim “Cuốn theo chiều gió” (1939).
Nữ diễn viên Hattie McDaniel - biểu tượng của câu chuyện chủng tộc tại Hollywood. |
Sau khi nhận được tượng vàng danh giá, cuộc đời Hattie McDaniel không chứng kiến một sự đổi thay tích cực nào. Cần phải hiểu ở giai đoạn này, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc lên tới đỉnh cao.
Tại lễ trao giải Oscar 1940, những nhân vật quyền lực trong ban tổ chức đã phải đích thân đứng ra bảo đảm với nhân viên khách sạn để Hattie có thể vào trong khán phòng tham dự buổi lễ trao giải, tuy vậy, khi đã “lọt” được vào trong này, bà cũng bị xếp ngồi ở vị trí cách xa những đồng nghiệp da trắng của mình.
Bài phát biểu nhận giải dài 67 giây của bà khiêm tốn, nhún nhường đến đáng thương. Hattie đã nói trong nước mắt rằng: “Tôi thực lòng mong muốn mình sẽ được công nhận trong nền công nghiệp điện ảnh với chính màu da, chủng tộc của mình”.
Sau đó, Hattie đã chạy nhanh xuống khỏi sân khấu và khóc nức nở. Nơi chào đón bà là ở cuối khán phòng xa tít, có một người bạn đồng hành da màu cùng đi với Hattie tới dự buổi lễ.
Hattie McDaniel trong vai bà vú Mammy, xuất hiện bên cạnh nhân vật Scarlett O’Hara (Vivian Leigh) trong “Cuốn theo chiều gió” |
Hattie McDaniel là người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận được giải Oscar. Người trao giải cho bà là nữ diễn viên Fay Bainter. |
“Tôi thực lòng mong muốn mình sẽ được công nhận trong nền công nghiệp điện ảnh với chính màu da, chủng tộc của mình” - Hattie nói trong nước mắt khi lên nhận giải. |
Đó là những giọt nước mắt của niềm vui và nỗi buồn. Buổi tối nhận giải là buổi tối rực rỡ nhất trong cuộc đời Hattie. Những bức ảnh còn lưu lại cho tới hôm nay về buổi lễ trao giải Oscar năm đó cho thấy đoàn làm phim “Cuốn theo chiều gió” được sắp xếp ngồi quây quần bên nhau, riêng Hattie bị xếp ngồi ở cuối khán phòng tách biệt hẳn khỏi các đồng nghiệp.
Sau buổi lễ trao giải luôn diễn ra tiệc đêm để các ngôi sao cùng tụ hội, vui vẻ bên nhau, nhưng Hattie không được đón chào tại bữa tiệc này.
Tại thời điểm phim “Cuốn theo chiều gió” công chiếu, Hattie đã không thể xuất hiện tại buổi lễ ra mắt phim diễn ra tại thành phố Atlanta - nơi sự phân biệt chủng tộc còn quá nặng nề. Khi đó, người bạn diễn Clark Gable đã tuyên bố rằng sẽ không tham dự buổi công chiếu này vì Hattie.
Nhưng chính Hattie đã là người khẩn thiết yêu cầu Clark Gable - một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất thời bấy giờ - hãy nguôi giận và tới tham dự buổi lễ.
Hattie đã cùng các bạn diễn da màu trong đoàn ăn mừng riêng với nhau ở một nơi khác trong đêm công chiếu. Thậm chí, nhà sản xuất phim đã phải thiết kế lại poster, loại bỏ tất cả những gương mặt diễn viên da màu khi phim chiếu tại các thành phố ở miền Nam nước Mỹ.
Trong suốt sự nghiệp diễn xuất của mình, vai diễn thường thấy nhất của Hattie là vai người giúp việc. Thực tế, bà cũng thường phải gia tăng thu nhập bằng cách đi làm người phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn ngoài đời thật - nơi các đồng nghiệp da trắng của bà thường xuyên lui tới.
“Tôi thực lòng mong muốn mình sẽ được công nhận trong nền công nghiệp điện ảnh với chính màu da, chủng tộc của mình” - Hattie nói trong nước mắt khi lên nhận giải. |
“Tại sao tôi phải phàn nàn khi có thể kiếm được 700 đô/tuần nhờ đóng vai người giúp việc? Nếu không diễn xuất, tôi sẽ chỉ kiếm được 7 đô/tuần khi đi giúp việc thật sự”, Hattie đã từng đáp trả những người chỉ trích các vai diễn của bà. |
Hattie không thể xuất hiện trong buổi lễ công chiếu phim “Cuốn theo chiều gió”, chỉ có bạn diễn Clark Gable là cảm thương cho bà và tuyên bố sẽ không tham dự buổi lễ vì sự bất công này. Nhưng rồi chính Hattie lại là người khẩn nài Clark Gable hãy tham gia. |
Thậm chí ngay cả khi chết, Hattie cũng phải đối diện với sự phân biệt khi nghĩa trang Hollywood từ chối di nguyện của bà rằng bà muốn được chôn cất tại đây.
Trước làn sóng phản ứng đối với sự thống trị của các nghệ sĩ da trắng ở các hạng mục đề cử quan trọng của giải Oscar năm nay, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã hứa sẽ đa dạng hóa hội đồng bình chọn ở các mùa giải sau - một điều mà những người yêu điện ảnh tin rằng đã cần phải được thực hiện từ rất lâu rồi.
Sau chiến thắng lịch sử của Hattie, cộng đồng người Mỹ da màu đã phải chờ đợi 25 năm sau mới được chứng kiến một diễn viên da màu thứ hai - Sidney Poitier - giành giải Oscar. Và 25 năm sau nữa, Whoopi Goldberg mới là người Mỹ gốc Phi thứ 3 giành giải.
Hattie được ghi nhận chính thức xuất hiện trong 90 bộ phim, nhưng người ta tin rằng bà đã xuất hiện trong hơn 200 phim, rất nhiều phim đã không hề nhắc đến tên của bà trong danh sách diễn viên. Những gì báo chí còn lưu trữ lại về Hattie cho đến hôm nay là rất ít ỏi, bởi thuở đó, người ta chỉ quan tâm tới các ngôi sao da trắng, còn các diễn viên da màu bị “ngó lơ”.
Hattie kết hôn 4 lần trong đời, bà qua đời vì bệnh ung thư vú ở tuổi 57 hồi năm 1952. Hattie viết trong di chúc của mình rằng bà muốn được chôn cất trong nghĩa trang Hollywood nhưng ban quản lý nghĩa trang đã không đồng ý. Trong lễ tang của bà, chỉ có một diễn viên da trắng xuất hiện để tiễn đưa.
Theo Bích Ngọc/ Dantri
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon