Ngày 26.2, các quan chức tài chính hàng đầu thế giới đã tập trung tại kinh đô tài chính Thượng Hải của Trung Quốc cho cuộc họp giữa các nước G-20. Tại cuộc họp, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã tìm cách ổn định thị trường với tuyên bố nền kinh tế nước này có nền tảng phát triển vững chắc.
Ông Chu khẳng định trong cuộc họp của Viện Tài chính Quốc tế: “Kinh tế Trung Quốc vẫn có những nền tảng mạnh mẽ” và nhận định những số liệu thống kê gần đây cho thấy dấu hiệu tích cực trong nhiều lĩnh vực, bất chấp sự sụt giảm nhanh chóng trong hoạt động thương mại vào tháng 1.2016. Ngoài ra, theo ông Chu, tăng trưởng GDP trong năm 2015 cũng giảm xuống còn 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Bỏ qua những cảnh báo của các nhà phân tích về một biện pháp kích thích nhằm cứu vãn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ông Chu nhấn mạnh “Trung Quốc vẫn có những chính sách tiền tệ và biện pháp để giải quyết nguy cơ tiềm năng do xuất khẩu giảm và suy thoái trong nước gây ra”. Theo ông Chu, chính sách tài khóa sẽ được áp dụng một cách thận trọng nhưng linh hoạt.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ không có một gói kích thích kinh tế khổng lồ tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 được đưa ra. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ tập trung tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trong năm 2016, chặn đứng suy thoái.
Thống đốc Trung Quốc cũng gạt bỏ những lo ngại của thị trường liên quan đến việc nhân dân tệ giảm giá. “Không có cơ sở để kết luận rằng nhân dân tệ sẽ giảm mạnh” ông Chu nói, và khẳng định những thay đổi gần đây trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc để chống đỡ cho đồng nhân dân tệ là “bình thường”. Theo hãng tin Ibtimes, nhân dân tệ đã giảm khoảng 5% kể từ mùa hè năm 2015.
Trước câu hỏi về khoản nợ của Trung Quốc so với tăng trưởng GDP, Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc thừa nhận khoản nợ là tương đối cao và ngày càng tăng. Tuy nhiên, ông Chu cho rằng mức độ nguy hiểm của các khoản nợ đối với mỗi quốc gia là khác nhau, khi Trung Quốc có “mức tiết kiệm cao” với 50% so với 10% ở nhiều nước phát triển.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tỏ ra lo ngại trước tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu. Ông Schaeuble nhận định chính sách tiền tệ và tài khóa đã mất tác dụng, đặc biệt là ở châu Âu. Do đó, bộ trưởng kêu gọi các nước phải tiến hành một cuộc cải cách về cơ cấu, Reuters đưa tin.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde nhấn mạnh rằng Trung Quốc buộc phải thực hiện cải cách cơ cấu trong vài năm tới.
Hàn Giang (theo International Business Times)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon