Phe ly khai trì hoãn trao trả tù binh để đòi hối lộ
Sau những cuộc thương lượng, quân ly khai thả 4 tù binh gồm Krypychenko. Theo giới báo chí Ukraine, để đổi lấy 4 tù binh này, Ukraine trao trả 5 tay súng ly khai và một tu sĩ.
Vụ trao đổi tù binh giữa Ukraine với quân ly khai là một phần trong thỏa thuận ngưng bắn Minsk 2, vốn có hiệu lực từ tháng 2.2015.
Theo Daily Signal, các vụ trao đổi tù binh thường tổ chức ở các kênh không chính thức, có sự ưu ái cá nhân, đưa hối lộ, cùng nỗ lực của những gia đình muốn con cái được đưa vào danh sách.
Hậu quả là những quân nhân Ukraine bị bắt vừa trở thành công cụ để mặc cả chính trị, vừa là cách để quân ly khai đòi hối lộ.
Việc trao trả tù binh lẽ ra kết thúc hồi tháng 3.2015, trong vòng 5 ngày sau khi hai bên rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến, theo thỏa thuận Minks 2.
Việc rút vũ khí này được dự kiến trong 2 ngày sau khi thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 15.2.2015, nhưng hơn 1 năm sau, cuộc nội chiến Kiev xem ra đang nóng trở lại. Hai phe lại đấu pháo, sử dụng súng máy, súng phóng lựu và vũ khí hạng nhẹ. Hai phe đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngưng bắn, trì hoãn việc trao trả tù binh.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu quân ly khai bị Ukraine bắt. Theo tuyên bố của “Cộng hòa nhân dân Donetsk” tự phong nhưng chưa được xác minh, có hơn 1.000 tay súng của họ bị Ukraine bắt giữ.
Kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu, quân ly khai đã thả khoảng 3.000 quân Ukraine. Nhưng hơn một năm sau thỏa thuận Minks 2, hiện còn 123 lính Ukraine là tù binh, theo Cơ quan an ninh Ukraine (SBU).
Tù binh Ukraine bị quân ly khai đưa đi bêu riếu |
Bị bắt, bị biệt giam, mất hết hy vọng
Tù binh Ukraine kể chuyện bị quân ly khai tra tấn Krypychenko, 36 tuổi, vừa được trao trả ngày 20.2, sau 195 ngày là tù binh.
Ngày 10.8.2015, tức 4 ngày trước khi hết hạn nghĩa vụ quân sự và đang chuẩn bị về nhà ở Kiev, trong lúc binh nhì Krypychenko thuộc lữ đoàn cơ động 53 của quân đội Ukraine tham gia một cuộc hành quân thì xe của anh bị hư ở chiến tuyến gần làng Verkhniotroitske ở đông Ukraine.
Krypychenko nhận ra mình ở vùng nguy hiểm và khi một đơn vị tình báo của quân ly khai cầm súng tiến đến gần, anh đoan chắc mình sẽ bị xử tử tại chỗ: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chết”.
Nhưng Krypychenko bị bắt làm tù binh, bị biệt giam. Trong thời gian đó, anh cũng bị quân ly khai tra tấn khi lấy lời khai. Anh bị đấm vào mặt, bị vụt gậy vào thân thể và bị cho điện giật.
Krypychenko kể cuộc lấy cung đầu tiên kéo dài 3 giờ, nhưng các cuộc sau thì ngắn hơn. Anh chưa hề bị dọa xử tử trong các cuộc lấy cung này, nhưng lính gác ngục đôi lần dọa đánh chết.
Về quốc tịch của người điều tra, Krypychenko nói anh không có lý do nào để tin đó là sĩ quan tình báo Nga, khẳng định đấy là người đông Ukraine.
Anh bị biệt giam suốt 195 ngày, mỗi tối chỉ được hai lần rời xà lim ra ngoài trời trong vòng 2 phút, để anh có thể hút một điếu thuốc lá.
Krypychenko kể: “Tôi trở nên thờ ơ với mọi chuyện vào ngày bị giam cuối cùng. Thức ăn cũng mất dần mùi vị của nó. Tôi thường hỏi: “Tại sao lại là mình, tại sao lại bị bắt 4 ngày trước khi được về nhà ? Đôi lúc, tôi cảm thấy mất hết mọi hy vọng”.
Trong suốt thời gian bị giam, Krypychenko ở ba nơi khác nhau. Mỗi lần bị giải đi, anh bị trùm một cái bao lên đầu. Vì thế, cộng thêm việc bị biệt giam và không được tiếp xúc các tù nhân khác, anh bị mất hết mọi cảm nhận xung quanh mình.
Krypychenko nói: “Không thể nào có cách thoát. Tôi chẳng bao giờ biết mình ở đâu”. Anh cũng quá yếu sức để có thể tìm cách vượt ngục, vì chỉ được cấp chút thức ăn.
Lính Ukraine không được huấn luyện quy tắc ứng xử khi bị địch bắt
Krypychenko chỉ được mặc quần và mang dép, không được mặc áo và không được mang giày. Trong xà lim chỉ có một tấm đệm, một tấm mền và một chai nhựa dùng làm gối, cùng vài điếu thuốc lá. Anh giải thích đó là quà tặng của một lính gác tốt bụng và đó là người duy nhất tỏ bày sự thông cảm đối với anh.
Cũng người lính gác này cho phép Krypychenko ra khỏi xà lim mỗi tối hai lần, có lúc cho phép anh gọi điện thoại di động về nhà. Người lính gác cũng thông tin việc Krypychenko được thả.
Krypychenko kể: “Tôi không thể tin nổi. Anh ta giúp tôi, đến cho tôi biết tôi sắp được thả. Ban đầu tôi không tin là tôi sẽ được về nhà”.
Khi được biết thông tin, Krypychenko cảm thấy vừa nhẹ nhõm trong lòng, vừa cảm thấy có lỗi với các chiến hữu bị bắt giữ lâu hơn anh, có người bị giam đã hơn một năm và nhiều người chưa bao giờ được chăm sóc vết thương.
Krypychenko nói: “Tôi đã nghĩ nếu có khả năng, tôi sẽ từ chối về nhà, để ai đó được về thay tôi”.
4 tù binh được thả ngày 20.2 được chở đến chiến tuyến, nơi họ gặp các quan chức Ukraine. Họ lập tức được đưa điện thoại di động để gọi về nhà. Krypychenko gọi cho mẹ anh.
Theo Daily Signal, quân nhân Mỹ khi bị bắt làm tù binh phải tuân thủ “Qui tắc ứng xử dành cho quân nhân Hoa Kỳ”. Bộ qui tắc ứng xử này là “cẩm nang đạo đức ứng xử” cho người bị bắt, trong đó chỉ cách lập mưu trốn thoát, có thể cung cấp thông tin nào cho địch, cách xử lý những chữa trị và cách tuân thủ việc được thả.
Tài liệu này thừa nhận sức hạn chế của người bị tra tấn, cùng cách tránh bị khai thác để phục vụ khâu tuyên truyền của địch.
Ví dụ: học viên của Học viện không quân Mỹ phải nhớ 6 điều trong Bộ qui tắc ứng xử và họ phải nhắc lại từng chữ một trong thời gian bị xử phạt về thể chất (phạt vì phạm các lỗi, thường là hít đất).
Bên cạnh đó, quân nhân Mỹ được đánh giá có nguy cơ bị bắt còn phải trải qua khóa huấn luyện SERE (Sống sót - Lẩn tránh - Kháng cự - Đào thoát).
SERE huấn luyện tình huống bị bắt, bị lấy cung và bị tra tấn. Chương trình huấn luyện này dựa theo nhiều bài học của các tù binh được thả, cho học viên có cơ hội phải đưa ra những quyết định phức tạp về mặt đạo đức khi họ bị bắt là tù binh.
Nhưng Krypychenko nói quân đội Ukraine không hề huấn luyện cách ứng xử cho tù binh. Khi bị dọa tra tấn, bị bắt giữ lâu, anh chỉ có thể trông cậy vào nhận thức của mình.
Ví dụ: khi lấy cung Krypychenko, quân ly khai chú ý vị trí của quân Ukraine, số lượng súng đạn ở chiến tuyến.
Krypychenko nói: “Dĩ nhiên tôi chẳng nói ra sự thật, Tôi chỉ vào những vị trí sai trên bản đồ. Tôi không thể chỉ vị trí của đồng đội. Tôi không thể nói ra sự thật. Tôi không muốn đồng đội bị tấn công”.
Tù binh Ukraine lúc bị bắt |
Dấu hiệu sang chấn tâm lý hậu chiến tranh
Bác sĩ dân sự Alexander Naumenko là người đầu tiên chăm khám Krypychenko và 3 tù binh Ukraine được thả ngày 20.2. Ông nói đó là lần đầu tiên ông khám cho các tù binh trở về và ông không có kinh nghiệm về quá trình phục sức bằng các bác sĩ chuyên môn.
Naumenko nói cả 4 tù binh được thả đều ổn định sức khỏe, không có vết thương nào cần chữa trị. Nhưng trên sọ và toàn thân của họ đều có dấu vết của sự tra tấn. Cả 4 người cũng có triệu chứng bị căng thẳng hậu chiến tranh, tình trạng sức khỏe tâm lý của họ cần có sự trị liệu lâu dài.
Krypychenko không bị thương trong thời gian bị bắt giam. Các vết thương do bị chích điện và bị đánh đập đều đã lành, chỉ còn lại những dấu sẹo mờ. Da dẻ anh xanh tái vì không được tiếp xúc với ánh mặt trời.
Nhưng thời gian bị là tù binh tác động mạnh đến anh: bị mất ngủ vì anh vẫn không thể tin mình đã được thả thật sự. “Tấm thép tinh thần” mà anh đã xây dựng là để duy trì hy vọng và ý chí trong thời gian bị bắt.
Krypychenko nói: “Khi tôi tỉnh giấc, tôi vẫn phải tự nhắc mình rằng tôi đã tự do. Đấy không phải là một cảm xúc bị bi đát. Tôi chỉ phải nhắc mình rằng cuối cùng tôi đã được an toàn. Tôi chưa thể quen với ý nghĩ mình đã tự do”.
Trước khi đi lính hồi năm 2014, Krypychenko là thợ sửa xe hơi ở Dnipropetrovsk, thành phố lớn thứ ba ở Ukraine. Một khi được xuất biện, anh sẽ trở về nhà, tiếp tục cuộc sống cũ: “Tôi chỉ muốn về nhà. Tôi không muốn là quân nhân nữa”.
Bích Ngọc (theo Daily Signal)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon