Kinh tế Việt Nam đón “làn gió mới” trong năm 2016

Việt Nam hơi “liều” khi mở cửa thị trường 

* Có nhiều ý kiến trái chiều về nền kinh tế hiện nay, cả tiêu cực lẫn tích cực, lạc quan và bi quan. Riêng ông, ông có nhận định như thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2015? 

Năm 2015, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động thì kinh tế Việt Nam có được những thành công nhất định và cũng còn không ít khó khăn. Về tích cực, trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng tốt, GDP cũng có được sự tăng trưởng khả quan, có thể tăng trưởng được khoảng 6,5- 6,8%. Dù đồng tiền Việt Nam mất giá 5% tính từ đầu năm đến nay, thế nhưng cầu trong nước vẫn tăng. Lạm phát được duy trì ở mức thấp. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh thương mại của khu vực đang có chiều hướng giảm. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện hơn trước kia, niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức trên trung bình. Một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2015 là chúng ta tiến sâu thêm vào hội nhập với thế giới thông qua hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thay đổi nền kinh tế. 

* Đó là mặt thuận lợi, còn những khó khăn của nền kinh tế trong năm qua là gì? Thưa ông?

Nội lực của Việt Nam vẫn không tăng trưởng được bao nhiêu. Trong bức tranh chung, nội lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Phần lớn tăng trưởng GDP, xuất khẩu do các tập đoàn FDI là chính. Tăng trưởng tín dụng thì phần vào sản xuất kinh doanh ít, trong khi đi vào bất động sản khá nhiều. Sự lệch lạc đó cần phải xem lại, dù việc bất động sản khởi sắc trở lại cũng là điều tốt, tuy nhiên tăng trưởng sản xuất kinh doanh còn quá chậm chạp. Các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để phát triển. 

Vấn đề này nhiều năm nay chúng ta chưa giải quyết được. Các tổ chức tín dụng chưa có được điều kiện để hoạt động tốt, nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Mặc dù lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ kêu gọi tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, thủ tục hành chính. Do đó, môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng không đáng kể, doanh nghiệp vẫn phàn nàn rất nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề nợ công tăng cao, bẫy thu nhập trung bình treo lơ lửng trước mắt, công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa thực hiện một cách rốt ráo, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại… cũng là điều rất đáng lo ngại hiện nay. 

Đồng thời, khi Việt Nam tiến vào sân chơi hội nhập, áp lực cạnh tranh cũng lớn hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức cho Việt Nam, nếu không tận dụng được sẽ bị bỏ lại phía sau, mãi mãi là thị trường tiêu thụ, là công xưởng gia công cho cả thế giới. 

* Năm 2015, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế lại được hâm nóng trở lại. Việt Nam đã tham gia hàng chục các FTA, trong đó có hiệp định lớn như TPP. Theo ông, chúng ta có “liều” quá không khi tiến vào những sân chơi lớn như vậy? 

Cũng có thể nói là chúng ta hơi “liều” khi mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài vào cạnh tranh. Hàng hóa của họ mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, tổ chức phân phối mạnh mẽ nên ở thị trường nội địa chúng ta có thể mất thế cạnh tranh. Chúng ta cũng chưa tổ chức được nguồn hàng xuất khẩu, thế nên sẽ bị nước ngoài vào đầu tư để có được thế xuất hàng đi vào các nước TPP. Nhiều người lo lắng rằng, nội lực chúng ta chưa đủ để chơi với các đối tác sừng sỏ, dễ khiến chúng ta thảm bại không chỉ trên quốc tế mà còn trên sân nhà. Tuy nhiên, việc hội nhập sớm cũng đem lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội để phát triển, học hỏi và thông qua áp lực cạnh tranh để hoàn thiện mình, nâng tầm lên. 

Hội nhập, hàng Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường của thế giới, lao động Việt Nam có nhiều việc làm ở các nước trên thế giới hơn. Nước ta sẽ thu hút được đầu tư nhiều hơn, tạo khí thế và động lực mới cho các doanh nghiệp và quan trọng là thúc đẩy cải cách trong nước theo hướng hiệu quả hơn ở nhiều mặt. 

“Tư nhân hóa” thay vì “cổ phần hóa” 

* Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm đó là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra hết sức chậm chạp và không thu được nhiều kết quả như mong muốn. Ông đánh giá điều này như thế nào? 

Không chỉ riêng việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, phải tái cấu trúc cả toàn nền kinh tế nói chung. Chúng ta muốn cổ phần hóa nhưng cũng chưa làm đến nơi đến chốn. Phải kiên quyết hơn nữa chứ không thể tiếp tục với các bộ máy quản lý đã lỗi thời. Doanh nghiệp Nhà nước cứ như thế thì không thể nào phát triển được khi lợi ích nhóm, bè phái còn nhiều. Chúng ta chỉ cần giữ lại những doanh nghiệp Nhà nước ở các lĩnh vực như an ninh - quốc phòng, những lĩnh vực mà tư nhân chưa làm được. 

Còn lại, không chỉ cổ phần hóa mà phải là “tư nhân hóa” doanh nghiệp Nhà nước mới đúng. Nếu nói “cổ phần hóa” thì Nhà nước vẫn giữ 51% cổ phần chi phối để tiếp tục điều hành doanh nghiệp đó. Nhà nước cần phải bán cả 100% doanh nghiệp đó cho tư nhân. Nếu Nhà nước cứ tiếp tục cổ phần hóa kiểu đó thì chỉ là “bình mới rượu cũ”, vẫn không thay đổi bộ máy và cách điều hành thì cũng không có gì khác. Nên dẹp bỏ từ “cổ phần hóa”, thay bằng “tư nhân hóa” cho rõ ràng. 

* Vậy ông có dự đoán gì về kinh tế Việt Nam trong năm 2016? Cơ hội là gì và thách thức ra sao? Việt Nam cần làm gì để tận dụng được cơ hội và hạn chế những khó khăn gặp phải?

Năm 2016, bối cảnh trong nước đang hội nhập, bẫy thu nhập trung bình lơ lửng trước mắt, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Tuy nhiên, trong năm mới, nước ta tiến sâu thêm một bước vào hội nhập và điều này cũng đem đến một “làn gió mới” cho kinh tế. Việt Nam cần học hỏi để thâm nhập quốc tế, phải từng bước giải phóng ra khỏi các tổ chức bán hàng trung gian, trực tiếp bán hàng cho các tổ chức lớn, đồng thời cần đặt ra bài toán để tiếp cận họ như thế nào. Vấn đề cốt lõi là phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, từ cải thiện môi trường kinh doanh đến đào tạo nguồn nhân lực, xem cái mà doanh nghiệp cần là gì và đang khó khăn ở đâu. 

Nước ta cũng cần chú trọng đến chính sách thu hút người Việt ở hải ngoại, sử dụng hiệu quả lượng kiều hối gửi về và thu hút kiều hối tốt hơn nữa. Việt Nam có số lượng đồng bào ở nước ngoài khá lớn, đây là điều không phải nước nào cũng có được. Cả thế giới đều mở cửa để chúng ta có thể hội nhập, phát triển là cơ hội “ngàn năm một thuở” cho Việt Nam. Chúng ta có cơ hội để hoạt động bình đẳng với năm châu.

Thế nhưng, cùng với đó là thách thức lớn khi phải cạnh tranh với rất nhiều thị trường. Nếu không làm khéo, không có chính sách đúng đắn, thì chúng ta sẽ tiếp tục gia công cho cả thế giới. Phải làm sao để phát triển kinh tế cho tốt, toàn dân hiệp lực, nâng cao vị thế quốc gia, nâng cao đời sống người dân và góp phần giữ vững chủ quyền dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm / Duyên dáng Việt Nam

Previous
Next Post »
Thanks for your comment