Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 28.1.
Theo bà Phạm Chi Lan, thu trên ngân sách mới chỉ có sự đóng góp của doanh nghiệp đang hoạt động, chưa có sự đóng góp của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, quá trình thành lập doanh nghiệp của Việt Nam vẫn lâu, gánh nặng ngân sách vẫn đè vào những doanh nghiệp đang tồn tại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng, lẽ ra khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể trông chờ vào Nhà nước trong vai trò trọng tài, hòa giải, chống chèn lấn giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Nhà nước đã không hoàn thành vai trò trọng tài của mình mà lại mua rất nhiều trái phiếu Chính phủ. Điều đó có nghĩa là Nhà nước đã nhảy vào cuộc chơi, biến thành nhân tố thứ 3 để cạnh tranh, chèn lấn doanh nghiệp tư nhân.
Bởi vì, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng các ngân hàng thương mại Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước lại đổ xô mua trái phiếu Chính phủ, cạnh tranh với tư nhân. Làm cho tư nhân không mua được trái phiếu Chính phủ và lãi suất nhận được thấp nếu nhu cầu trái phiếu Chính phủ cao hơn lượng phát hành ra.
Mặt khác, việc huy động trái phiếu Chính phủ là cách huy động vốn để đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân không được chú trọng, trong khi doanh nghiệp tư nhân là động lực không nhỏ của nền kinh tế. Do đó, kinh tế tư nhân ngày càng èo uột đi vì khó cạnh tranh.
Theo bà Lan, Nhà nước đang chèn lấn doanh nghiệp tư nhân thông qua việc huy động trái phiếu Chính phủ, điều hành giá cả, tăng thuế phí. Trong khi, doanh nghiệp đóng góp tới 40,8% lợi nhuận cho nhà nước thông qua thuế phí.
“Doanh nghiệp tư nhân đóng góp với tỷ lệ quá lớn, như vậy kinh tế tư nhân nhỏ đi, chết đi là phải” – Bà Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Phạm Chi Lan, Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho biết, trong suốt hơn cả thập kỷ vừa qua, khu vực tư nhân không lớn lên được. Biểu hiện là tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân năm 2.000 vào khoảng 8%. Đến nay tỷ trọng này vẫn chỉ là 11%.
Theo ông Cung, nhìn bề ngoài, các chỉ số có vẻ tốt hơn nhưng thực tế chưa thấy động lực. Trong khi tiềm năng gần như bị tận khai mà yêu cầu tăng trưởng cần mạnh hơn.
“Nhìn riêng từng chỉ số khả quan nhưng xâu chuỗi các chỉ tiêu lại như bội chi ngân sách, nợ công, cách thức bù đắp nợ công, khả năng điều hành kết hợp với nhau lại rất lúng túng, thậm chí không có dư địa” – ông Cung cho hay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Tuyển – cố vấn kinh tế cao cấp của Chính phủ cho hay, doanh nghiệp tư nhân đang bị nhiều yếu tố chèn ép, bóp nghẹt.
“Các doanh nghiệp Thái Lan đang có xu hướng mua các nhà phân phối của Việt Nam và chuyển hàng Thái vào thị trường nội địa khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn rất lớn….” là những yếu tố khiến doanh nghiệp tư nhân bị lép vế và khó khăn.
Ông Tuyển cũng nói thêm, năm 2015 động lực tăng trưởng không đến từ doanh nghiệp trong nước mà đến từ khu vực FDI, động lực tạo ra phát triển bền vững từ trong nước không hấp thụ được.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có phục hồi rõ nét khi tăng dần qua các quý và cao hơn so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, theo ông Dương, tăng trưởng kinh tế chưa làm tăng áp lực lạm phát khi kinh tế chưa thực sự thoát khỏi sự suy giảm và động lực tăng trưởng chưa đủ.
Cụ thể, khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất song đà phục hồi của công nghiệp chậm lại trong quý IV khi chỉ số PMI thấp trong các tháng 9 - 11. Nông lâm ngư nghiệp cũng tăng trưởng không ổn định và ngành dịch vụ thì thiếu chuyển biến rõ nét. Xuất khẩu cũng đã không đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ tăng 7,9%...
Hoàng Long
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon