Sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang khiến cho hàng loạt nền kinh tế trên khắp thế giới bị ảnh hưởng theo, chỉ khác về thứ tự và mức độ bị ảnh hưởng.
Nhiều người đã nghĩ Mỹ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất khi mà thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và chỉ số Dow Jones liên tục suy giảm, sau khi nhận được những tín hiệu tương tự từ TTCK Trung Quốc những ngày đầu năm 2016. Nhưng có vẻ như nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là Nhật Bản, khi mà TTCK nước này đang rơi vào trạng thái “thị trường con gấu”. Hiện tại, để giúp được Nhật Bản, có lẽ chỉ có TPP mà thôi.
Nền kinh tế đất nước mặt trời mọc đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền cách đây gần 3 năm và bắt đầu chương trình tái cấu trúc nền kinh tế Abenomics. Sau gần 3 năm tích cực hạ tỷ giá nội tệ để kích thích tăng trưởng và lạm phát, vốn là điều đã đưa Nhật Bản vào thời kỳ nền kinh tế sôi động trở lại, đây là lần đầu tiên một loạt tín hiệu xấu diễn ra cùng một lúc với nền kinh tế thứ ba thế giới. Ngay sau khi TTCK Trung Quốc rơi vào trạng thái “thị trường con gấu”, vốn là một thuật ngữ để chỉ tình trạng chỉ số chứng khoán sụt giảm hơn 20%, đến lượt TTCK Nhật Bản rơi vào tình cảnh tương tự chỉ một tuần sau đó, khi chỉ số Nikkei cũng giảm hơn 20%.
Khi TTCK một quốc gia rơi vào trạng thái “thị trường con gấu” (Bear Market), đó được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của quốc gia đó đang có vấn đề. Tại các quốc gia có TTCK phát triển, thị trường này được xem là một chiếc phong vũ biểu cho nền kinh tế, chỉ số của nó sẽ thể hiện khá rõ tình trạng của nền kinh tế. Khi rơi vào “thị trường con gấu”, là dấu hiệu cho thấy sự bi quan về một nền kinh tế, các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm và có xu hướng bán tháo cổ phiếu ra thị trường.
Nhật Bản đang lâm vào tình trạng đó, các chỉ số vĩ mô của kinh tế đang có xu hướng suy giảm bắt đầu từ những tháng cuối năm 2015. Nền kinh tế Nhật thực tế đã có những dấu hiệu chuyển động sau một thời gian dài trì trệ nhưng mới chỉ ở mức nhúc nhích không đáng kể, mức lạm phát 2% mà chính phủ nước này kỳ vọng cũng chưa từng trở thành sự thực, bất kể việc Nhật Bản đã kiên trì theo đuổi chính sách hạ tỷ giá nội tệ trong suốt hơn 3 năm qua.
Lý do chủ đạo đến tình trạng trên là sự tác động từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, dù thực tế có khá nhiều nguyên nhân tác động tới chính sách cải tổ kinh tế của thủ tướng Abe, như giá dầu sụt giảm hay nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn suy trầm. Nhận định này càng trở nên rõ ràng sau khi TTCK Trung Quốc rơi vào trạng thái “thị trường con gấu” chỉ 1 tuần thì đến lượt TTCK Nhật Bản.
Nó cho thấy sự liên hệ và tác động mạnh mẽ giữa nền kinh tế Trung Quốc với kế hoạch cải tổ kinh tế Nhật của thủ tướng Abe, vì yếu tố chủ đạo của các chính sách cải tổ trong Abenomics của thủ tướng Abe là kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước bằng cách tăng cường xuất khẩu, mà thị trường Trung Quốc là một điểm đến có vai trò lớn. Một khi kinh tế Trung Quốc suy giảm, dẫn đến giảm nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, hiển nhiên là kinh tế Nhật đang trong giai đoạn chuyển đổi sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đó là lý do các chuyên gia kinh tế đánh giá, điều quan trọng nhất có thể vực dậy kinh tế Nhật Bản, giúp cho kế hoạch tái cơ cấu của thủ tướng Abe thành công, là cần một thị trường xuất khẩu mới đủ lớn thay thế Trung Quốc. Nếu không có được thị trường thay thế, các biện pháp như đưa lãi suất về mức âm 0,1% mà thống đốc ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda vừa tung ra sẽ không có nhiều tác dụng.
Vì việc đưa lãi suất về mức âm cũng chỉ là một động thái hỗ trợ kích thích tăng trưởng, nhưng khi mà xuất khẩu tiếp tục suy giảm thì điều đó vẫn vô nghĩa. Nhà kinh tế Reiko Tokukatsu và David Einhorn cho rằng, nếu không cải thiện được tỷ trọng xuất khẩu, việc đưa lãi suất về mức âm thậm chí có thể gây ra những tác động ngược, khi người dân sẽ có xu hướng tích trữ và tiết kiệm tiền thay vì sử dụng để chi tiêu và mua sắm vốn là điều mà chính phủ Nhật Bản chờ đợi.
Một thị trường đủ lớn về tiềm năng và sức mua có thể thay thế Trung Quốc đối với Nhật Bản có lẽ chỉ có thể là TPP. Với dân số khoảng 800 triệu và chiếm 30% thương mại toàn cầu, TPP đủ sức để thay thế thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Về quy mô dân số, các quốc gia TPP thấp hơn dân số Trung Quốc, nhưng lại có sức mua vượt trội hơn do có thu nhập bình quân đầu người trung bình cao hơn. Hiện tại chỉ có khoảng một nửa dân số Trung Quốc sống tại các đô thị và thành phố lớn, tức khoảng hơn 600 triệu, là đối tượng sử dụng hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản, trong khi lại có thu nhập bình quân thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của các quốc gia TPP.
Có thể thấy, với tình trạng hiện tại của xã hội và nền kinh tế Nhật Bản, TPP có thể là lối thoát duy nhất cho nước này cũng như cho kế hoạch tái cơ cấu của thủ tướng Abe. Nhật Bản cùng Đức đang là hai quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất trên thế giới, trong khi tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội Nhật lại lớn hơn Đức rất nhiều lần. Thực tế này đang khiến cho xã hội và nền kinh tế Nhật có xu hướng mất dần sự năng động, do thiếu hụt sức lao động cần thiết để đẩy nhanh quá trình vận hành nền kinh tế cũng như mất nhiều chi phí để chăm sóc sức khỏe và y tế cho bộ phận người cao tuổi và về hưu đang ngày càng tăng lên.
Trong khi xã hội và nền kinh tế Đức đang được tiếp sức bởi bộ phận đông đảo người nhập cư từ Trung Đông và khắp nơi trên thế giới, lên tới hàng triệu người, Nhật Bản lại không có được điều đó. Lối thoát duy nhất hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản là tăng cường đầu tư ra nước ngoài để tận dụng nguồn lao động dồi dào vốn là điều xã hội Nhật đang thiếu, nhất là tăng cường xuất khẩu những chủng loại hàng hóa công nghệ cao có giá trị gia tăng cao. Mà để đáp ứng được yêu cầu đó, chỉ có TPP mà thôi!
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon