Những lò sản xuất tổng thống Mỹ

Một trong những chủ đề nóng bỏng nhất trong cuộc đua giành quyền đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống vào cuối năm nay là xuất thân của ứng viên Ted Cruz, thượng nghị sĩ bang Texas.

Cụ thể, tỉ phú Donald Trump liên tục tuyên bố đối thủ của mình không đủ tư cách tranh cử tổng thống, dựa trên quy định của Hiến pháp rằng các chủ nhân Nhà Trắng phải là “công dân tự nhiên của Mỹ”. Trong khi đó, ông Cruz chào đời ở Canada nhưng cả cha lẫn mẹ đều mang quốc tịch Mỹ. Ngày 29.1, Đài ABC dẫn lời ông Trump thậm chí gọi nghị sĩ Cruz là “một em bé mỏ neo không được Canada chấp nhận”. “Em bé mỏ neo” là thuật ngữ chỉ những trẻ em mà người mẹ tìm mọi cách để đến sinh nở tại những nước phát triển nhằm lấy quốc tịch cho con.

tong thong My, lo san xuat tong thong My, lanh tho, Nha Trang
 Trái: TNS Ted Cruz, người đang bị ứng viên Donald Trump công kích về nguồn 

Theo Bloomberg, nhiều người ủng hộ tỉ phú Trump hoặc không tin tưởng ông Cruz đã nộp kiến nghị yêu cầu xem xét lại tư cách ứng viên của nghị sĩ này.

Chặn đứng ảnh hưởng từ bên ngoài

Không phải đến bây giờ, chuyện sinh đẻ ở đâu mới trở thành vũ khí tấn công trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Trong nhiều năm trời, đương kim Tổng thống Barack Obama hứng chịu vô số chống đối từ những người cho rằng ông không phải “công dân tự nhiên” dù giới chức Hawaii hồi tháng 7.2009 đã công bố bản sao giấy khai sinh chứng minh ông chào đời tại bang này. Tuy vậy, nhiều người theo thuyết âm mưu vẫn tin rằng giấy khai sinh trên là giả, còn Tổng thống Obama chào đời tại Kenya. Một số ý kiến khác thì vin vào việc vào thời điểm ông ra đời (1961), cha ông là thần dân của Anh vì khi đó Kenya còn là thuộc địa Anh.

Theo trang LiveScience, mọi tranh cãi đều bắt nguồn từ việc Hiến pháp Mỹ không chỉ rõ thế nào là “công dân tự nhiên”. Đến nay, vẫn không có văn bản nào chú giải ý nghĩa thực sự mà những người soạn thảo Hiến pháp muốn truyền lại thông qua cụm từ này. Một số người tranh luận rằng dựa trên tu chính án năm 1952, người có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ thì dù chào đời bên ngoài lãnh thổ vẫn được xem là công dân. Phe phản đối thì khăng khăng là khi soạn thảo Hiến pháp, rõ ràng những bậc quốc phụ muốn ấn định chỉ có những người sinh ra trên đất Mỹ mới được phép tranh cử.

Dù còn nhiều cách diễn giải khác biệt nhưng tất cả đều đồng ý rằng quy định về “công dân tự nhiên” là nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi ảnh hưởng của ngoại quốc. “Lúc đó, Mỹ vừa trải qua cuộc chiến sinh tử với người Anh và dân số chỉ vỏn vẹn 5 triệu người”, LiveScience dẫn lời Giáo sư khoa học chính trị James Melcher của Đại học Maine cho biết. Do đó, Hiến pháp phản ánh quan ngại nguy cơ thế lực bên ngoài có thể tạo ảnh hưởng lệch lạc đối với quá trình phát triển của Mỹ, nhất là khi tổng thống có quyền điều động quân đội.

“Điều mà những nhà lập quốc muốn thể hiện là họ cần đề phòng người Anh, vốn có thể vẫn nuôi ý định xâm nhập chính trường và hủy hoại nước Mỹ từ bên trong”, Giám đốc Trung tâm chính trị của Đại học Virginia, Larry Sabato Jr. nhận định.

Những cái nôi tổng thống

Do Cách mạng Mỹ khởi phát từ 13 vùng thuộc địa ở miền đông, vốn là nơi những gia tộc giàu có, trâm anh thế phiệt từ Anh và Ireland đến định cư nên không lạ gì khi hầu hết các ông chủ Nhà Trắng đều xuất thân tại đây. Nổi bật nhất là các trung tâm chính trị - văn hóa - học thuật như Massachusett (John Adams, John Quincy Adams, John F.Kennedy, George H.W.Bush) và New York( Martin Van Buren, Millard Fillmore, Theodore Roosevelt, Franklin D.Roosevelt).

tong thong My, lo san xuat tong thong My, lanh tho, Nha Trang
 

Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, sinh tại Illinois như tổng thống Reagan. Chính xác hơn thì bà chào đời tại thành phố Chicago của bang này, nơi ông Obama đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp chính trị của mình - Ảnh: Reuters

Đặc biệt, trong nhóm những tổng thống vào hàng quốc phụ, ngoại trừ 2 cha con John Adams và John Quincy Adams (tổng thống thứ 2 và thứ 6), tất cả đều chôn nhau cắt rốn tại Virginia. “Virginia là tiểu bang đông dân nhất của Mỹ vào thế kỷ 18 nên không lạ gì khi nơi này sản sinh ra nhiều thế hệ chính khách lẫn tướng lĩnh kiệt xuất”, theo Giáo sư Melcher.

Sau Virginia, đến lượt Ohio chứng tỏ năng suất cao trong việc “sản xuất” tổng thống, với 7 vị được sinh ra tại đây (Ulysses S.Grant, Rutherford B.Hayes, James A.Garfield, William Henry Harrison, William McKinley, William Howard Taft và Warren G.Harding). Được đánh giá là “bang tím”, tức không nghiêng hẳn về đảng Dân chủ (màu xanh) hay Cộng hòa (màu đỏ), Ohio từ lâu luôn được xem là một trong những chiến trường quan trọng nhất trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Tính trung lập và phong cách chính trị điềm đạm ở Ohio lại cực kỳ phù hợp với chính trường thời đầu của Mỹ. Theo LiveScience, trước năm 1968, các đại hội toàn đảng bầu chọn ứng viên tranh cử tổng thống không có mấy trọng lượng mà kết quả được quyết định bởi những chính trị gia tai to mặt lớn ngồi bàn thảo trong các phòng kín ngập khói thuốc. Những người này thường có khuynh hướng chọn các chính khách “bình bình và không quá cực đoan” từ Ohio để dễ gây ảnh hưởng.

Kể từ thời Tổng thống Harding (nhiệm kỳ 1921-1923), không còn chính khách nào ra đời tại Ohio thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo các chuyên gia, thực tế này phản ánh xu hướng giảm dân số của Ohio cũng như những thay đổi trong cách thức chọn ứng viên tổng thống. Quá trình tuyển lựa ngày càng minh bạch hơn và các kỳ đại hội đảng toàn quốc đóng vai trò nặng ký hơn. Do đó, người được chọn phải có bản lĩnh, thái độ chính trị rõ ràng đến quyết liệt cùng khả năng thu hút động đảo cử tri thuộc mọi giới. Điều này không còn phù hợp với phong cách Ohio nữa.

Trong khi đó, do sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ khá muộn so với bờ đông nên những tiểu bang đông dân và giàu ảnh hưởng ở miền tây và nam như California và Texas chỉ góp được vài vị tổng thống. Tuy nhiên, tất cả đều là những tên tuổi nổi tiếng và cả tai tiếng, để lại dấu ấn đậm nét như Richard Nixon (California), Dwight Eisenhower và Lyndon B.Johnson (đều ở Texas). Một phần lý do là họ đều có “máu cao bồi” và quyết tâm mạnh mẽ đến mức “bất chấp thủ đoạn” để đạt mục tiêu trong cuộc Đông tiến vào Nhà Trắng.

Theo LiveScience, Tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln là nhà lãnh đạo duy nhất của Mỹ chào đời trong một túp lều gỗ. Chỉ có 4 vị sinh tại bệnh viện là Jimmy Carter, George W.Bush, Bill Clinton và Barack Obama; số còn lại đều ra đời ngay trong ngôi nhà của mình.

Mặt khác, cũng có nhiều vị chỉ dành thời gian ít ỏi tại bang chôn nhau cắt rốn trước khi chuyển sang bang khác tạo dựng tương lai. Chẳng hạn như Ronald Reagan sinh ra tại Illinois, nhưng California mới là nơi ông trỗi dậy trên chính trường, George W.Bush chào đời ở Connecticut và gầy dựng tên tuổi ở Texas, còn Barack Obama nổi lên từ Illinois.

Trong số các gương mặt hàng đầu trong cuộc đua hiện nay thì Donald Trump sinh ở New York, Jeb Bush chào đời tại Texas. Bên phía Dân chủ, bà Hillary Clinton là đồng hương với Tổng thống Reagan. Chính xác hơn thì bà chào đời tại Chicago, nơi ông Obama đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp chính trị của mình. 

Thụy Miên/Thanh Niên
Previous
Next Post »
Thanks for your comment