Cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo đó, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như Nghị định số 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020… trong đó có nhiệm vụ xây dựng dự án Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14 (dự kiến tháng 10.2016). Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 7.8.2015, phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này, trình Chính phủ tháng 7.2016. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tiến hành việc xây dựng dự án Luật này để Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Về chủ trương và mục tiêu xây dựng dự án Luật này, Chính phủ cho biết, với điều kiện hiện nay thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô và năng lực còn hạn chế, khả năng liên kết chưa cao. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn và dự án Luật này cần thiết lập hệ thống các giải pháp chính sách toàn diện cũng xuất phát từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, Chính phủ nhận định cần có giải pháp chính sách có tầm nhìn, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập thị trường, đủ khả năng cạnh tranh, tồn tại bền vững trong hội nhập, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Theo Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp, vì vậy đóng vai trò quan trọng. Không những vậy, đây còn là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, các quốc gia đều ban hành các Luật, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thời điểm phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, trình độ, quy mô và khả năng phát triển của khu vực doanh nghiệp này.

Trước đó, đồng quan điểm, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá việc các doanh nghiệp Việt Nam yếu thế hơn khi gia nhập các cộng đồng kinh tế lớn trên thế giới.

Theo ông Kiêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng yếu thế nhất trong cạnh tranh do phát triển không đồng đều, kể cả vốn liếng lẫn chất lượng nguồn lực và công nghệ. Ông Kiêm cũng nhận định, sắp tới đây có Luật và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp các doanh nghiệp có những xuất phát điểm riêng, đặc điểm riêng để hội nhập theo thời kỳ mới. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ như tiền vốn, đào tạo, quy hoạch, thuế, tín dụng….

“Chính sách ấy tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có những xuất phát điểm ngang bằng với các thành phần, các đối tượng kinh tế khác để khi vào thực hiện TPP thì hợp với thông lệnh quốc tế. Phía doanh nghiệp khi hội nhập cao hơn, với điều kiện khắt khe hơn thì những nỗ lực chủ quan của chúng ta là yếu tố quyết định. Đây là con đường đi ngắn nhất để phát huy dư địa, tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Kiêm nói.

Phan Diệu

Previous
Next Post »
Thanks for your comment