Khi đã bước sang tuổi 60, bà Lee Hyeon-seon bắt đầu sợ rằng mình sẽ bị ung thư, căn bệnh giết nhiều người Hàn Quốc nhất.
Và nếu điều này xảy ra, bà Lee hi vọng rằng con cháu sẽ tôn trọng ý nguyện của bà, để bà được sống nốt những ngày cuối đời ở nhà, thay vì phải vào bệnh viện điều trị.
Đây chính là “cái chết nhân đạo”, điều đã được các nhà lãnh đạo Hàn Quốc tranh luận trong gần 20 năm qua.
Cuộc tranh luận này bắt đầu, từ khi xảy ra vụ việc 2 bác sĩ nước này đã cho một bệnh nhân bị chấn thương não được chết theo yêu cầu của người vợ vào năm 1997. Sau đó, 2 bác sĩ đã bị xử án tù.
Ngày 8.1.2016, quốc hội Hàn Quốc thông qua luật “quyền được chết”, theo đó đến năm 2018, những người như bà Lee sẽ được chọn lựa cách kết thúc cuộc sống của mình.
Trước Hàn Quốc, Singapore đã thông qua một đạo luật với nội dung tương tự vào năm 1996, Đài Loan là vào năm 2.000.
Luật “quyền được chết” sau khi được quốc hội thông qua đã ngay lập tức bị chỉ trích. Theo những người chỉ trích, luật này coi thường mạng sống con người và đi ngược lại các giá trị của đạo Khổng về lòng hiếu thảo.
Ngoài ra, cũng đã xuất hiện những lo ngại về việc bác sĩ sẽ lạm dụng luật này để từ chối điều trị cho các bệnh nhân.
Tuy nhiên, luật này lại rất được người lớn tuổi nước này ủng hộ. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2015, có 9 trên 10 người Hàn Quốc tuổi từ 65 trở lên không muốn được điều trị để kéo dài sự sống nếu mình bị ung thư.
“Tôi không muốn sống trong đau đớn khi phải điều trị ung thư. Đây là cuộc sống của tôi và tôi có quyền được chọn cách kết thúc cuộc sống của chính mình”, bà Lee cho biết.
Bà Lee còn cho biết, bà sẽ thuê một người chăm sóc mình trong những ngày cuối đời để không làm phiền hai con gái của bà.
Hiện nay, càng ngày càng có nhiều người lớn tuổi chuẩn bị trước cho cái chết của mình, một số thậm chí còn làm đáng tang giả, nằm trong quan tài để trải nghiệm cái chết.
Vào năm 2009, Tòa tối cao Hàn Quốc đã cho phép một bệnh viện tại Seoul chấm dứt điều trị cho một bệnh nhân hôn mê 76 tuổi, và để cho bệnh nhân này được ra đi theo yêu cầu của người nhà.
Theo phán quyết của tòa, “việc tiếp tục điều trị khi không còn cơ hội sống sót là sự xúc phạm nhân phẩm”.
Sau đó, đã có nhiều bệnh viện lớn cho phép bệnh nhân được lựa chọn kết thúc cuộc sống của mình.
Giáo sư Choi Joon Sik, chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc và vấn đề “quyền được chết” cho biết, “quan niệm về cái chết của người Hàn Quốc đã trở nên thực tế hơn. Giờ đây “quyền được chết” thậm chí còn được nói đến trong các chương trình truyền hình chứ không còn là điều cấm kỵ như trước nữa”.
Theo giáo sư Choi, luật về “quyền được chết” đáng lẽ nên được thông qua sớm hơn để giúp giảm bớt đau khổ cho bệnh nhân cũng như tiết kiệm chi phí điều trị.
Ngoài ra, chính phủ cũng nên lưu ý đến việc thiếu các “nơi chăm sóc cuối đời” cho các bệnh nhân ung thư, giáo sư Choi cho biết thêm.
Theo các thống kê chính thức, hằng năm có gần 50.000 người Hàn Quốc chết bị bệnh tật, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 1.000 “nơi chăm sóc cuối đời” đáp ứng được 14% nhu cầu của các bệnh nhân ung thư.
Cẩm Bình (theo The Strait Times)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon