Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là chúng ta đã có cách tiếp cận không đúng hướng đối với việc thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh Việt Nam sắp hội nhập toàn diện thì yêu cầu cơ bản nhất là phải tạo được nền tảng và có một nền kinh tế có cấu trúc vững chắc nhất có thể. Để làm được điều đó, không thể không xem lại chính sách đối với khu vực FDI.
Hệ quả lớn từ việc tiếp cận không đúng hướng
Những trường hợp các quốc gia được xem là thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, về cơ bản đã vạch ra được những nét chủ đạo trong vấn đề này:
Thứ nhất, hạn chế và không khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhiệm, chủ yếu là các lĩnh vực không cần quá nhiều vốn và công nghệ. Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Và thứ ba, cần tạo ra sự liên kết hàng dọc giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy lan tỏa và chuyển giao công nghệ, tri thức và kỹ năng quản lý, đồng thời lan tỏa giá trị gia tăng rộng khắp nền kinh tế hơn nữa.
Nhưng do cách tiếp cận không đúng hướng, nên 3 nguyên tắc chủ đạo trên vốn được coi là bí quyết thành công trong thu hút và tận dụng FDI ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan lại không được thực hiện ở một quy mô nhất định tại Việt Nam.
Trước hết là việc hạn chế khối FDI đầu tư vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp nội có thể đảm nhận. Hiện tại, gần như có rất ít giới hạn trong danh mục các lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI có thể đầu tư tại thị trường Việt Nam. Nó dẫn đến việc ngoài những ưu điểm là các doanh nghiệp FDI đang bổ khuyết vào một số các lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang yếu như sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo các sản phẩm hướng đến xuất khẩu; đã bắt đầu phát sinh tình trạng các doanh nghiệp FDI đầu tư tràn lan cả vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện. Điển hình là hai lĩnh vực chủ chốt là dệt may và bán lẻ.
Trong 6 lĩnh vực được khối FDI đầu tư nhiều nhất tại thị trường Việt Nam, dệt may và bán lẻ luôn có mặt, trong khi đây là 2 lĩnh vực các doanh nghiệp nội có thể đảm đương. Điển hình là dệt may, các dự án FDI đầu tư vào dệt may hiện nay chủ yếu hướng đến công đoạn gia công mà không có công nghệ hiện đại hay kỹ năng quản lý chất lượng cao. Nói cách khác, các dự án FDI này không mang 3 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần thu hút là vốn, công nghệ, và kỹ năng quản lý.
Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ. Nó dẫn đến hậu quả là các doanh nghiệp trong nước gần như không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI vốn có tiềm lực về tài chính rất mạnh, buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc chấp nhận sáp nhập vào các doanh nghiệp nước ngoài, mà điển hình là việc các tập đoàn Thái Lan thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành và các hệ thống siêu thị bán lẻ trên cả nước thời gian vừa qua.
Hai nguyên tắc thành công còn lại là khuyến khích hợp tác theo hình thức liên doanh và tạo ra liên kết hàng dọc giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội cũng gần như ít được quan tâm, có xu hướng suy giảm trong những năm gần đây.
Theo thống kê, hình thức liên doanh chiếm tới hơn 57% tổng số các dự án FDI trong giai đoạn 1993-1996 đã giảm xuống chỉ còn 17,4% vào cuối năm 2013. Trong khi đó, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chỉ có khoảng 38% trong giai đoạn 1993-1996 đã tăng lên 80% vào cuối năm 2013.
Việc Việt Nam cho phép các doanh nghiệp FDI được tự do lựa chọn hình thức đầu tư được đánh giá là một quyết định sai lầm, khi hầu hết khối FDI đều có xu hướng thích hình thức 100% vốn đầu tư để tránh sự ràng buộc về việc hợp tác với các doanh nghiệp nội. Điều này đang khiến phần lớn các doanh nghiệp nội bị gạt ra rìa trong quá trình vận hành sản xuất của khối FDI và khối FDI dần có được vị thế độc quyền trong một số lĩnh vực, có thể gây ra những hệ quả kinh tế rất lớn.
Giải pháp nào cho nền kinh tế Việt Nam?
Có thể đã hơi trễ để có thể đưa khu vực FDI vào khuôn khổ quy hoạch chung cho nền kinh tế Việt Nam lúc này, nhưng điều vẫn cần làm nhất hiện nay là tuân thủ triệt để theo 3 nguyên tắc thành công đã được Nhật Bản hay Hàn Quốc áp dụng.
Trước hết, cần xác định được các lĩnh vực mà khối tư nhân trong nước có thể đảm đương, mà điển hình là dệt may, để hạn chế sự tham gia tràn lan của khối FDI. Những lĩnh vực này chủ yếu chỉ là thâm dụng lao động. Và trở ngại lớn nhất là cần vốn đầu tư tương đối lớn, chính phủ hoàn toàn có thể hỗ trợ về tài chính để các doanh nghiệp trong nước đảm đương trong các ngành này. Không chỉ trong dệt may, điều quan trọng không kém là hạn chế đầu tư FDI vào các lĩnh vực không cần công nghệ cao hay kỹ năng quản lý, vốn là các lĩnh vực doanh nghiệp nội đủ sức thực hiện.
Vấn đề thứ hai là cần khuyến khích trở lại hình thức đầu tư theo liên doanh, quan trọng nhất là tạo ra kết nối hàng dọc giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Trong đó, khuyến khích các dự án FDI tích cực dùng nguyên liệu và các sản phẩm phụ trợ trong nước, từ đó sẽ dẫn đến chuyển giao công nghệ và truyền đạt tri thức cùng kỹ năng quản lý.
Hiện nay, mức độ nội địa hóa mà các doanh nghiệp FDI công bố thường không mang nhiều ý nghĩa thực tế, do các sản phẩm nội địa hóa đó thường không do các doanh nghiệp trong nước sản xuất mà là các doanh nghiệp FDI tự sản xuất bằng nguyên liệu trong nước, nó không dẫn đến sự chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý mà chỉ số nội địa hóa vẫn thường đảm đương.
Để tạo được liên kết hàng dọc này, vấn đề không nằm ở việc buộc các doanh nghiệp FDI phải tham gia, mà nằm ở chỗ Việt Nam cần tạo được các nền tảng vững chắc và thuận lợi cho việc tạo mối liên kết đó.
Yếu tố cốt lõi trong vấn đề này là cần phải phát triển bằng được ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ, hoặc ngành công nghiệp phụ trợ yếu, không thể tự sản xuất ra được các sản phẩm đủ chất lượng và giá thành cạnh tranh để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI thì không thể tạo ra được các liên kết hàng dọc dù có ép buộc các doanh nghiệp FDI đi chăng nữa. Nó sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp này lựa chọn một quốc gia khác để đầu tư, nơi có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển hơn hoặc không yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước một cách khắt khe.
Việc phải đến thời điểm đầu năm 2016 chính phủ mới ban hành quy định về khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp phụ trợ quy mô lớn, dù được đánh giá là hơi trễ, nhưng nó cũng cho thấy Việt Nam đang bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của lĩnh vực mang tính cốt lõi này và tập trung cao độ vào nó.
Làn sóng đầu tư FDI đổ vào Việt Nam sẽ còn kéo dài trong vài năm tới cho đến khi TPP chính thức đi vào hoạt động và thực sự vận hành nhuần nhuyễn, chừng đó thời gian có lẽ vẫn đủ để các giải pháp sửa chữa của Việt Nam phát huy hiệu quả.
Trường hợp của Thái Lan cho thấy, chỉ trong vòng hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu thu hút FDI, nước này đã thu được những thành quả lớn về phát triển hệ thống doanh nghiệp nội và chuyển giao công nghệ, cũng như tạo ra mối liên kết hàng dọc rất hiệu quả. Việt Nam là quốc gia đi sau và hoàn toàn có thể thu ngắn khoảng thời gian này nếu như biết tiếp thu và cải tiến các giải pháp mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã thực hiện một cách thành công.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon