Tướng không quân Kiều Lương là một nhà bình luận quân sự có tiếng nói đối với lãnh đạo TQ, nói rằng Bình Nhưỡng nên bắt đầu thay đổi “thái độ vô ơn” của mình, theo tạp chí Ziing (Hồng Kông) ngày 29.2 đề cập việc tướng Trung Quốc mắng Triều Tiên “hành xử vô ơn”.
Ông Kiều Lương nói Triều Tiên đang khiến TQ “khó chịu”, và ông nói thêm rằng trong khi Bình Nhưỡng có quyền chọn hệ thống chính trị riêng, TQ “sẽ tuyệt đối không tha thứ thái độ này của Triều Tiên”.
“Trong 50 năm qua, tất cả những điều TQ làm để gây ảnh hưởng với Triều Tiên là giúp đỡ hoàn toàn vô điều kiện, không bắt buộc điều gì. Triều Tiên tự lo ngại với phản ứng của TQ nhưng nay họ không chấp nhận các yêu cầu của chúng ta, và xem ra tầm ảnh hưởng của chúng ta đã bị suy yếu”, tướng Kiều Lương nói.
Theo UPI, tướng Kiều Lương thường phát biểu nhân danh Bắc Kinh, nói rằng vấn đề xử lý chương trình hạt nhân của Triều Tiên nằm trong tay Mỹ, còn TQ thì bị trói tay. Ông nói điều tốt nhất Bắc Kinh có thể làm là cổ động các cuộc đối thoại giữa các nước quan ngại chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tuyên bố của tướng Kiều Lương được đưa ra nhiều ngày sau khi Mỹ và TQ ủng hộ một dự thảo nghị quyết nhằm cấm vận Triều Tiên nặng hơn, vì chuyện Bình Nhưỡng thử hạt nhân ngày 6.1 và thử tên lửa tầm xa ngày 7.2.
Nội dung dự thảo nghị quyết gồm trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, gồm bắt buộc kiểm tra tất cả các chuyến tàu hàng rời hoặc vào cảng Triều Tiên cùng một lệnh cấm bán tất cả các loại vũ khí hạng nhẹ và vũ khí quy ước khác cho Bình Nhưỡng. Nội dung dự thảo này còn hạn chế hoặc cấm xuất khẩu qua Triều Tiên, cấm cung cấp xăng máy bay và nhiên liệu phóng tên lửa cho Bình Nhưỡng.
Dự thảo nghị quyết cũng áp đặt sự trừng phạt tài chính nặng đối với các ngân hàng và tài sản của Triều Tiên, hạn chế xuất khẩu than và khoáng sản quý của nước này.
Dự thảo nghị quyết này có thể được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua trong tuần này, sau khi được trình hôm 26.2.
Nữ đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói dự thảo nghị quyết là sự trừng phạt Triều Tiên nặng nhất trong số các nghị quyết cấm vận được trình trong hơn 20 năm qua. Bà Power lưu ý TQ đã hứa thông qua nghị quyết do Mỹ soạn, nói mối quan hệ Trung - Triều gần đây ngày càng phức tạp hơn:
“Thậm chí trong hai năm qua, chúng ta thấy TQ rất thất vọng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Và chúng ta đã thấy TQ luôn không thể tác động tới Bình Nhưỡng theo cách họ muốn. Tôi nghĩ đó là nguồn gốc sự thất vọng này. Tôi cho rằng TQ quan ngại về mối đe dọa mà Kim Jong-un cùng chương trình vũ khí hạt nhân của ông ta đã đặt ra cho bán đảo Triều Tiên và cho an ninh, hòa bình quốc tế”.
Mỹ đã đàm phán với TQ về khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng, khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6.1 và tuyên bố đó là một quả bom nhiệt hạch.
Bà Power nói đó là một điểm bước ngoặt: “Sau vụ thử, khi chúng tôi đã bắt đầu đàm phán về nghị quyết này, TQ đã cử đặc sứ đến Bình Nhưỡng, yêu cầu họ không được làm gì khác nữa, nhất là khi đang có đàm phán. Nhưng ngay sau khi đặc sứ TQ rời Bình Nhưỡng, Triều Tiên lại phóng một quả tên lửa đạn đạo. Tôi cho rằng đó là nguyên nhân khiến Bắc Kinh rất khó chịu”.
Theo UPI, ngoài việc ủng hộ dự thảo nghị quyết cấm vận Triều Tiên, Bắc Kinh có thể có lệnh cấm vận riêng đối với Triều Tiên. Tàu Triều Tiên đã bị cấm cập vào một cảng vùng biên TQ, và tàu Triều Tiên không còn được phép cập cảng để chuyển hàng hóa qua TQ.
Tướng Kiều Lương |
Tướng Kiều Lương cũng bày tỏ sự quan ngại về việc Mỹ dự tính triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc: “Nếu các rắc rối hạt nhân của Triều Tiên còn kéo dài thì lúc đó Hàn Quốc hãy chấp nhận đề nghị triển khai THAAD của Mỹ”.
Bắc Kinh đã liên tục cảnh báo Hàn Quốc không cho Mỹ triển khai THAAD gần biên giới vì siêu radar X-band của THAAD có thể thu thập thông tin tình báo trên lãnh thổ TQ và Nga.
Ngày 18.2, tướng Kiều Lương viết trên trang mạng Quân sự TQ (cơ quan ngôn luận của Quân đội giải phóng nhân dân TQ-PLA): “Cách kềm cương Mỹ là tấn công hệ thống tài chính của Mỹ. Đó là cách kiểm soát dòng máu sự sống của Mỹ. Để kiềm chế Mỹ hiệu quả, các nước khác phải tư duy nhiều hơn về cách cắt dòng vốn đổ vào Mỹ trong khi định hình chiến lược của các nước này”.
Ông Kiều Lương nói vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001 đã tác động mạnh vào nền kinh tế Mỹ: “Ngoài tác động tâm lý và chính trị, một hậu quả nặng hơn là khiến hơn 300 tỉ USD bay khỏi nước Mỹ chỉ trong vòng một tháng”.
Tướng Kiều Lương là một trong những người kêu gọi TQ tiến hành chiến tranh kinh tế, mở rộng chiến lược quân sự bằng cách sử dụng chiến tranh không quy ước.
Năm 1999, khi còn là đại tá, ông cùng đại tá Vương Tương Tuệ viết cuốn sách “Chiến tranh không bị giới hạn”, trong đó đề cao việc sử dụng chiến tranh mạng, khủng bố, chiến tranh pháp lý và chiến tranh kinh tế để chống Mỹ. Hai ông Kiều - Vương nói rằng quân sự Mỹ tập trung vào công nghệ, không quan tâm tới môi trường chiến tranh không quy ước, nhất là chiến tranh kinh tế.
Bảo Vĩnh (theo UPI)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon