Đòi ông Tập từ chức "vì tương lai đất nước và nhân dân TQ"
Bức thư ngỏ đòi Tập Cận Bình từ chức Chủ tịch có chữ ký của “các đảng viên cộng sản trung thành”, trong đó viết ông Tập nên từ chức “vì tương lai đất nước và nhân dân TQ”.
Bức thư phê phán ông Tập “từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể”, thu vén quyền lực về tay cá nhân, “nuông chiều bọn nịnh bợ”.
Các tác giả bức thư còn viết rằng: “Sự ham mê tôn sùng cá nhân của ông (Tập) và việc cấm bàn luận không chính đáng về trung ương khiến chúng tôi, những người đã trải qua cuộc Cách mạng văn hóa, phải lo ngại. Đảng ta, nước ta và nhân dân ta không thể chịu thêm 10 năm bất ổn rối loạn nữa”.
Bức thư công kích cách ông Tập xử lý các vấn đề xã hội, ngoại giao và kinh tế, chỉ trích việc ông ham hố thâu tóm quyền lực. Nó cũng cảnh báo về sự an toàn của cá nhân ông Tập và gia đình ông, nếu ông không từ chức.
Nhà báo Triệu Huy nói, nhà báo tự do Giả Hà đã đọc được bức thư ngỏ được đăng lại trên trang tin nhà nước Vô Giới (Không biên giới) và Giả nói với một người bạn rằng anh sợ sẽ bị kỷ luật. Triệu khẳng định Giả Hà không thể là người viết bức thư này.
Không thể rõ vì sao bức thư lại có thể “lách” được vòng kiểm duyệt dày đặc của chính phủ TQ. Các biên tập viên Vô Giới từ chối bình luận với Reuters.
Cán bộ an ninh TQ nói ban đầu họ nghi trang tin này bị kẻ thù của đảng Cộng sản TQ (CPC) thuê tin tặc xâm nhập, nhưng cuộc kiểm tra kỹ thuật đối với máy chủ lại không có dấu hiệu bị tin tặc tấn công.
Kết luận này khiến các cán bộ an ninh nhận định: ai đó đăng bức thư ngỏ lên Vô Giới là “một phần của một âm mưu chính trị”.
Bức thư ngỏ được đăng đúng dịp kỳ họp hai tuần của quốc hội TQ (bế mạc ngày 16.3) cũng được lưu truyền trên các trang mạng xã hội TQ, như ứng dụng tin nhắn WeChat, trước khi bị chính quyền ra lệnh tháo bỏ.
Ông Tập bị "các đảng viên trung thành" đòi từ chức Chủ tịch TQ |
Giả Hà, 35 tuổi, sống ở Bắc Kinh, thường viết xã luận về các vấn đề chính trị-xã hội trên trang mạng Tencent Online, đã bị mất tích vào khuya 15.3, thời điểm lẽ ra anh đáp một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Hồng Kông.
Theo các bạn của Giả, vợ của ông có nhận cuộc gọi điện thoại của chồng lúc 20 giờ ngày 15.3, cho biết Giả đã qua cửa kiểm soát hải quan, sẵn sàng lên máy bay. 15 phút sau, điện thoại của anh tắt, và Giả đã không đến đại học Hồng Kông diễn thuyết hôm 17.3. Từ đó, gia đình và bạn bè không thể liên lạc với Giả.
Luật sư Yến Tân của Giả cho Reuters biết ngày 17.3: Giả khẳng định anh không liên quan bức thư ngỏ, và nói Giả đi Hồng Kông để xin gia hạn giấy phép làm việc ở đó.
Giả từng làm việc cho Tân Hoa Xã (TQ), Phượng hoàng Tuần san (Hồng Kông)…Giả từng sống ở Hồng Kông nhiều năm, nhưng bỏ nghề báo hồi tháng 2.2016 để nhận nhiệm vụ giảng dạy ở Đại học Trung Sơn (chi nhánh Quảng Tây)
Luật sư Yến Tân nói, trước khi lên đường Giả có nói với bạn bè rằng anh sợ sẽ có điều gì đó xảy ra với mình, sau khi Giả cảnh báo một cựu đồng nghiệp, về sự nguy hiểm của việc đăng lại bức thư ngỏ đòi Tập Cận Bình từ chức Chủ tịch TQ.
Người được Giả cảnh báo là Âu Dương Hồng Lượng, một biên tập của Vô Giới. Reuters tìm thấy bức thư ở một trang ẩn trên web của trang tin này, nhưng nó đã không còn khi Reuters kiểm tra lại hôm 17.3.
Nhà văn Mạc Chi Hứa có quen Giả, nói Giả có tâm sự với một số bạn bè rằng anh sợ sớm bị bắt để thẩm vấn về bức thư, và vài người trong gia đình đã bị nhân viên an ninh TQ thẩm vấn.
Mạc còn bảo bạn bè rằng Giả tin anh chẳng làm gì sai, nhưng môi trường chính trị ở TQ khiến không ai có thể biết anh sẽ bị bắt để lấy lời khai bao lâu.
Mạc bảo: “Nhiều người bạn tin Giả liên quan vụ bức thư ngỏ. Anh ấy chỉ cảnh báo các bạn bè, nhưng nếu chính quyền muốn điều tra lớn, thì người dân quá nhỏ bé, không thể ngăn chặn cuộc điều tra này”.
Không thể rõ Giả có bị bắt hay không. Trước Giả, đã có 5 người Hồng Kông chuyên bán sách đề cập chuyện giật gân về lãnh đạo TQ, biến mất một cách bí ẩn, sau đó tái xuất hiện và cho biết đã bị công an TQ bắt.
Thẳng thắn phê bình chứ nhưng không đòi lật đổ chế độ
Theo Reuters, ông Tập đang nỗ lực ngăn chặn, kiểm duyệt các ý kiến khác biệt với những quan điểm chính thức của lãnh đạo đảng Cộng sản TQ (CPC), gồm việc ban hành các mức trừng phạt nặng tội “phát tán tin đồn nhảm” qua các trang mạng xã hội. Ông Tập cũng đã kêu gọi báo chí nhà nước TQ phải tuyệt đối trung thành với đảng.
Các tổ chức nhân quyền chỉ trích chính phủ TQ đang nỗ lực vây ép, dập tắt những chỉ trích nhắm vào chính phủ.
Bà Sophie Richardson, chủ nhiệm tổ chức Giám sát nhân quyền ở TQ, nói: “Xem ra không còn đủ thời gian để chính quyền xóa bỏ tất cả các dấu vết chỉ trích”.
Tổ chức Ủy ban bảo vệ các nhà báo (ở New York, Mỹ) ra tuyên bố vào cuối ngày 17.3, cho biết rất quan ngại về sự mất tích của nhà báo Giả Hà. Bob Dietz, điều phối viên chương trình châu Á của tổ chức này, nói: “Các quan chức phải cho biết đang giam nhốt anh ấy ở đâu, và tại sao?".
Giả Hà nổi tiếng với các bài xã luận sắc bén, từng tuyên bố: “Tôi không phải là cơ quan ngôn luận của ai”. Anh đề cập những vấn đề “nhạy cảm” đối với chính phủ, như thẳng thừng phê phán các cán bộ đảng viên tham nhũng, và không sợ hãi khi chỉ trích việc đảng CSTQ kiểm duyệt báo chí một cách khắt khe.
Sau vụ nổ hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân khiến 165 người chết hồi năm ngoái, Giả vạch ra sự thiếu tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố: “Tại sao các thảm họa luôn lại là dịp để ca ngợi chính quyền?”. Các tài khoản mạng xã hội của Giả liền bị chặn. Anh từng có hơn 80.000 người theo dõi trên mạng Twitter.
Bạn bè và đồng nghiệp của Giả nhận xét dù Giả chỉ trích rất sâu cay, nhưng anh không phải là người kích động thay đổi chế độ.
Nhà báo tự do Ngô Cường, cựu giảng viên khoa chính trị ở Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nói: “Giả không có quan điểm cực đoan về đương kim lãnh đạo. Anh ấy là một người tương đối ôn hòa”.
Nhà văn Ôn Vân Siêu người TQ sống ở New York và là bạn của Giả, cho biết cha mẹ Ôn ở TQ gần đây có hỏi Ôn có liên quan đến việc soạn bức thư ngỏ hay không. Ông Ôn viết trên mạng Twitter là: “Nó không hề liên quan đến tôi”.
Vĩnh Thụy (theo CNN, Reuters)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon