Tại buổi Hội thảo “Phát triển và quản bá game một cách thành công trên thị trường - Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển - Việt Nam” diễn ra ngày 21.3.2016, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng TT&TT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới xoay quanh các vấn đề về sự phát triển ngành game Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về ngành game cũng như các sản phẩm game của Việt Nam?
Ngành game Việt Nam đang rất phát triển nhưng chúng ta cần giảm các vấn đề bạo lực trong game và nâng cao các vấn đề về văn hóa, lịch sử. Đó là điều chúng ta cần và đang hướng tới.
Làm được như vậy, không chỉ ngành công nghiệp game chúng ta phát triển mà ngay cả sự hiểu biết của người chơi cũng nâng cao hơn. Thậm chí, sau khi chơi game, người chơi hoàn toàn có thể hiểu được bối cảnh xã hội, khám phá nét văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền trong từng game; qua đó vừa tăng lượng kiến thức, giúp con người thân thiện với thiên nhiên, hiểu hơn lịch sử văn hóa, vừa tăng được khối lượng game hay, bổ ích. Như vậy, cả người thiết kế game lẫn người chơi game đều học mà chơi, chơi mà học.
Ngoài ra, game là ngành công nghệ đòi hỏi sự nhanh nhạy: nhanh tay, nhanh mắt, nhanh trí. Đây là việc làm đào tạo, rèn luyện con người thì không đáng lo ngại. Hơn nữa, văn minh loài người có thể tác động vào tư duy, nhận thức, cách tiếp cận của con người tốt hơn.
- Trong bối cảnh hội nhập thì ngành công nghiệp game của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào?
Cơ hội tốt nhất của chúng ta là được gia nhập sân chơi lớn, được thử sức cùng với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những thách thức mà chúng ta gặp phải cũng từ chính những quốc gia lớn mạnh đó. Khi họ đều là những đất nước có ngành công nghệ tiên tiến hơn mình, buộc Việt Nam phải phấn đấu nhiều hơn, làm thế nào để giá thành game Việt Nam thấp hơn thì mới tồn tại được.
Đó vừa là sức ép những cũng vừa là thách thức cho Việt Nam. Có sức ép, có thách thức thì mới mong vươn lên được.
- Là một đất nước được biết đến với những doanh nghiệp game lớn, chúng ta đang học hỏi được gì từ phía Thụy Điển để áp dụng cho sự phát triển ngành game của Việt Nam?
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ Thụy Điển về cách thiết kế, sản xuất game của một đất nước phát triển. Cái chúng ta cần học hỏi nhiều hơn ở Thụy Điển chính là cách thức đào tạo ra các đội ngũ lập trình game, các nhà thiết kế game, người sản xuất game. Tôi cho rằng, nếu Việt Nam học được ở nước bạn những điểm này thì chúng ta còn tiến xa hơn nữa.
- Hiện nhiều bạn trẻ đang “lún sâu” vào những trận game mà thiếu sự quan tâm tới những vấn đề xã hội. Ông nghĩ sao về điều này và chúng ta cần khắc phục bằng những sản phẩm game như thế nào để giới trẻ có thể chơi lành mạnh?
Tôi cho rằng cái gì cũng có 2 mặt, tốt và không tốt và ngành giải trí là như vậy! Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách chọn game cho có văn hóa, lành mạnh.
Các bạn trẻ cần biết tự làm chủ và phân bổ thời gian hợp lý. Đây chính là cách làm khoa học mà người trẻ hiện đại nên hướng tới. Bên cạnh sự tự chủ của bản thân, sự định hướng của gia đình, xã hội cũng vô cùng cần thiết để giúp thế hệ trẻ trở nên có ích hơn cho xã hội.
- Ông dự đoán như thế nào về ngành công nghiệp game của Việt Nam trong tương lai?
Tôi nghĩ ngành game của Việt Nam trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa, nhờ sự tác động của khoa học tiên tiến, sự tiếp nhận văn minh của loài người cùng sự quản lý, sàng lọc tốt hơn.
Đây là ngành công nghiệp nội dung số, một ngành công nghiệp trẻ tác động trực tiếp vào tư duy, nhận thức, sự năng động, sáng tạo, nhanh nhạy của thế hệ trẻ. Từ ngành này có thể lan tỏa mạnh mẽ ra nhiều ngành khác nữa.
Thế nhưng nếu muốn ngành công nghiệp game phát triển mạnh hơn, Nhà nước cần đưa ra những điều luật cụ thể hơn cho ngành như [hải được làm cái gì, hạn chế những cái gì, thậm chí là cấm cái gì cũng cần phải được nói rõ. Để từ đó định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn hơn.
- Cảm ơn ông!
Thu Anh (thực hiện)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon