Như mới đây, giáo sư- tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, nêu ý kiến: “Đây là lỗi của Bộ NN&PTNT và chính quyền các tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa, bất chấp thiên nhiên không cho phép. Họ tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Chỉ mấy ông làm thủy lợi mới hưởng lợi vì có xi măng, sắt thép, bê tông để xơi”.
Vùng đất vốn quanh năm chỉ có một mùa nước ngọt, thậm chí toàn nước mặn như nhiều huyện của Cà Mau, những năm qua cũng được xây cống ngăn mặn… Tốn kém rất lớn, tất cả cũng chỉ vì “lúa hóa” tốn nước ngọt khủng khiếp. Vùng phèn mặn, thích hợp nuôi tôm, nhưng cứ gán ghép trồng cây lúa, hỏi sao không thiếu nước ngọt? Nước mặn vốn đã dư thừa, giờ ngay mùa hạn, khốc liệt là phải!
Còn tiến sĩ Dương Văn Ni, trường đại học Cần Thơ, cũng ngao ngán: “Họ “lùa” dân ra ven biển mần lúa, nhưng cái vùng đất vốn đã không có nước ngọt, thì giờ trách sao hạn mặn hoành hành? Thậm chí, những tháng khác, các nhà máy nước còn chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ, tức thiếu nước ngọt, thì mùa này biết trách ai chuyện thiếu nước ngọt?”.
Nhưng thực tế thì hạn mặn năm nay vẫn quá khốc liệt, nhiều vùng thiếu nước trầm trọng. Và theo tiến sĩ Ni, âu đó cũng là cái giá phải trả khi tư duy, tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách quá hạn hẹp. Ông kể, mười mấy năm trước, ông bảo vệ luận án tiến sĩ ở Anh với đề tài bảo vệ nguồn nước, được đánh giá rất tốt.
“Nhưng cũng đề tài ấy, đem vào Việt Nam, tôi bị xem như… thằng khùng”, ông nói. Nguyên nhân là những năm ấy, miền Tây nước nổi lênh láng, nước dư thừa, nên các nhà hoạch định chính sách xem chuyện bảo vệ nguồn nước là đề tài chẳng giống ai. Cái cần lúc đó là… chống lũ.
Nhưng nước lên bất thình lình quá lớn, chúng ta phải nghĩ đến chuyện vài năm sau nước sẽ rút bất thình lình. Đó là quy luật. Nhưng lúc đó, chẳng ai tính tới”, ông Ni nói. Ông tiếc rằng, phải chi lúc ấy người ta chú tâm bảo vệ các khu đất ngập nước, quy hoạch các mô hình nông nghiệp tiết kiệm hoặc giữ nước, như vùng trồng sen- vừa giữ nước, vừa có sen thu hoạch bán… thì thời điểm này đỡ khổ.
Ông Ni kể, ngay thời điểm này, một số mô hình giữ nước trồng sen mà ông giúp dân triển khai ở Đồng Tháp đang đạt hiệu quả cao, thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
“Hổm rày, dân trong vùng xúm lại… xin nước của các hộ trồng sen này dữ lắm. Giờ mới biết quý nước!”, ông nói. Và ông cho rằng, tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp quá hạn hẹp, âu không chừng vài tháng nữa, đến mùa nước, lại ùn ùn hội thảo, hội nghị, rồi kéo nhau đi… chống lũ!
Trở lại chuyện hạn mặn năm nay, theo giáo sư Xuân: “Cũng xin đừng quá bi quan trước hiện tượng lúa bị chết mặn như báo chí đã loan tin. Họ không loan tin về các nông dân nhờ có nước mặn mà nuôi tôm rất thành công (giá trị gấp 3-4 lần lúa), và họ không hề lên tiếng dùm những nông dân nuôi tôm bị chết vì thiếu nước mặn do địa phương ngăn mặn để cứu lúa! Và lúa không đủ nước ngọt nên lúa cũng thiệt hại theo tôm, nhưng tôm chết do thiếu… nước mặn thì không ai tính tới.
Chúng ta đều thấy rằng thời kỳ cả nước ai ai cũng lo cho an ninh lương thực đã qua rồi vì nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm với giá bèo như vậy. Nông dân trồng lúa của ta đã 40 năm rồi mà vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều. Đã đến lúc phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt - tài nguyên thiên nhiên không tái tạo”, ông Xuân nói.
Cũng theo ông, tư duy: “Nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn”, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa với thiên nhiên.
Ông dẫn chứng, những vùng theo hệ thống lúa - tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa, vừa hợp quy luật, vừa không rơi vào thiên tai “hạn mặn”, vì họ đã quá quen.
Nguyễn Hồ
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon