Hơn 6 tấn Salbutamol, chất cấm trong chăn nuôi đã tuồn ra thị trường

Thủ phạm là các công ty dược

Thông tin tại cuộc tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi heo - thực trạng và giải pháp” diễn ra hôm 23.3 tại TP.HCM, các cơ quan chức năng cho biết thời gian gần đây, liên tục phát hiện hàng loạt các cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), qua lấy mẫu kiểm tra đã phát hiện khá nhiều mẫu thịt heo có chứa chất Salbutamol (chất tạo nạc - một loại chất cấm trong chăn nuôi). Cụ thể qua lấy 1.008 mẫu thịt heo tại các lò giết mổ đã phát hiện 13 mẫu dương tính với chất cấm, 1981 mẫu nước tiểu heo phát hiện 115 mẫu dương tính với chất cấm và 238 mẫu thịt heo ở ngoài thị trường phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm.

Trong khi đó, tại Đồng Nai - một địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi heo, tình trạng sử sụng chất cấm Sabutamol đáng báo động. 

Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện địa bàn tỉnh này có khoảng 1,6 triệu con heo. Qua kiểm tra trong năm 2015, tỷ lệ heo sử dụng chất cấm Salbutamol lên đến 15%. Mới đây, trong năm 2016, cơ quan này đã lấy 50 mẫu thịt heo để kiểm định chất cấm thì phát hiện có đến 8 mẫu dương tính với Sabutamol.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là chất cấm Salbutamol ở đâu, tại sao lại đến tay người chăn nuôi và các cơ sở giết mổ? 

Ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục chăn nuôi cho biết, chất Sabutamol được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép cho các công ty dược nhập khẩu để chế biến thuốc của ngành dược nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, đây lại là một chất cấm trong chăn nuôi, vì nếu sử dụng trong chăn nuôi sẽ gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng những vật nuôi đó.

Ông Chinh cho hay, trong năm 2015, loại chất này đã được ngành dược nhập khẩu với trên 9 tấn. Tuy nhiên thực tế, các công ty dược chỉ sử dụng khoảng 3 tấn phục vụ cho việc chế biến thuốc còn lại hơn 6 tấn Salbutamol không sử dụng, được đưa ra thị trường.

Chính nguồn Sabutamol tung ra thị trường này đã được người chăn nuôi và các cơ sở giết mổ sử dụng để tạo nạc, giúp thịt heo sáng bóng và ngon.

“Chúng tôi chưa có con số chính thức bao nhiêu tấn Salbutamol được người chăn nuôi và giết mổ heo sử dụng, nhưng chắc chắn con số này chỉ nằm trong số hơn 6 tấn trên. Bởi thực tế nguồn Sabutamol không được phát hiện nhập lậu hay xách tay trôi nổi trên thị trường”, ông Chinh khẳng định.

Như vậy, có thể thấy nguồn gốc chất Sabutamol được người chăn nuôi và các cơ sở giết mổ heo sử dụng là do các công ty dược bán ra ngoài thị trường.

Điều này, theo ông Chinh, là do việc quản lý lỏng lẻo của ngành dược, việc giám sát sản phẩm Salbutamol từ lúc nhập khẩu đến khi sử dụng còn bất cập đã khiến các công ty dược tuồn ra bán cho ngành chăn nuôi. “Cấp giấy phép nhập khẩu Salbutamol nhưng Cục quản lý dược lại không quy định giám sát sản phẩm này. Đây là một kẽ hở trong việc quản lý Sabutamol”, ông Chinh nói.

Cần có một giải pháp căn cơ 

Thực tế trên thị trường, ngoài chất cấm Salbutamol còn có chất cấm khác trong chăn nuôi là Clenbuterol (chất này được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm). Việc người chăn nuôi liên tục sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo mà vẫn chưa thể giải quyết triệt để đã dấy lên quan ngại, liệu các cơ quan chức năng có bất lực trước thực tế này.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thừa nhận, với mức chế tài như trong thời gian qua chưa đủ sức răn đe những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

“Mức phạt đối với các trang trại chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm chỉ có 15 triệu đồng, còn đối với các hộ chăn nuôi chỉ có 7,5 triệu đồng là quá thấp. Nếu so mức phạt này với lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm thì người chăn nuôi sử dụng chất cấm vẫn có lợi hơn nhiều. Điều này khiến người chăn nuôi phớt lờ chuyện này”, ông Việt nói.

Bên cạnh đó, theo đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), cái khó trong việc xử lý những đơn vị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là chúng ta chưa áp dụng biện pháp tố tụng để có thể buộc người sử dụng chất này khai báo nguồn gốc lấy từ đâu để có thể xử lý tận gốc.

Tuy nhiên, ông Bình cũng hé lộ một hướng ra trong việc khống chế và tiến đến loại trừ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo ông Bình, bắt đầu từ ngày 25.2.2016, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ có hình thức xử lý nặng là tiêu hủy sản phẩm. Đối với các cơ sở giết mổ, nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị tiêu hủy sản phẩm; còn đối với các trang trại chăn nuôi nếu phát hiện tái phạm nhiều lần cũng sẽ bị tiêu hủy.

Đặc biệt từ ngày 1.7 tới, khi Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực, những người buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, ngoài xử phạt hành chính còn bị phạt tù lên đến 20 năm tù giam.

“Trước mắt, C49 sẽ xử lý tiêu hủy những vật nuôi sử dụng chất cấm Salbutamol để làm gương. Từ đó, các cơ sở chăn nuôi có ý định sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ cảm thấy lo sợ, không dám sử dụng”, ông Bình cho biết.

Có một thực tế đưa đẩy người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai là do sự xúi giục của các thương lái. 

“Các thương lái khi buôn bán thịt heo, thấy thịt heo có sử dụng chất cấm thì thịt nhiều nạc, thịt sáng, ngon, người mua thích, bán với giá cao nên đã khuyến khích người chăn nuôi cũng như các cơ sở giết mổ heo sử dụng chất cấm. Do đó, phải có biện pháp chế tài thật nghiêm với những thương lai về vấn đề này”, ông Đoán kiến nghị.

Tuy nhiên về lâu dài, ông Đoán cho rằng cần phải tuyên truyền về ý thức đạo đức cho người chăn nuôi. Việc giáo dục này cần đưa vào tổ chức mặt trận của các địa phương. Đồng thời tổ chức chuỗi để người chăn nuôi bán được với giá ổn định. Chính sự ổn định này giúp những người có ý định sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ bỏ ý định.

Đồng tình với ý kiến của ông Đoán, PGS.TS Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao khoa học công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết thêm, để tránh việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi một cách căn cơ cần thực hiện 3 giải pháp chính. Ngành chăn nuôi cần nghiên cứu những con giống lai tạo có tỷ lệ nạc tốt; sử dụng các chế phẩm sinh học có thể thay thế được chất cấm nhưng vẫn tạo nạc tốt, thịt heo ngon; nghiên cứu phương pháp quản lý kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học giúp heo an toàn, không dịch bệnh.

Tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng, hy vọng với những giải pháp trên, trong thời gian tới người chăn nuôi và cơ sở giết mổ heo sẽ từ bỏ sử dụng chất cấm góp phần mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, tạo dựng thương hiệu; đồng thời đáp ứng chất lượng cao trước yêu cầu hội nhập thế giới.

Hồ Quang

Previous
Next Post »
Thanks for your comment