Thứ nhất, GDP đã vượt kế hoạch năm 2015 đề ra là 6,2%. Vào tháng 10.2015, Chính phủ đã dự báo GDP có thể đạt 6,5%, tức là cao hơn kế hoạch nhưng nay đánh giá lại, GDP đã đạt 6,68%. Đây được xem là thành tựu rất lớn và là tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Tăng trưởng này càng có ý nghĩa khi năm 2015 nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới, đặc biệt là giá dầu, giá nông sản giảm mạnh. Chỉ tính riêng dầu và nông sản, nền kinh tế đã bị thiệt hại khoảng 5,4 - 5,5 tỉ USD mà GDP vẫn tăng 6,68%. Đây là chỉ số rất đáng mừng và Chính phủ đánh giá là tiền đề rất quan trọng để cả nước phấn đấu năm 2016 đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn. Kế hoạch Quốc hội thông qua là 6,7%, Thủ tướng chỉ đạo các ngành các cấp bằng mọi biện pháp thực hiện quyết liệt để đạt trên 7%.
Tiếp đến là việc làm, trước đây rất đáng lo trong bối cảnh kinh tế suy giảm thì tạo việc làm sẽ không đạt chỉ tiêu 1,6 triệu người/năm nhưng sang năm nay đánh giá lại, chỉ tiêu này đã đạt 1,625 triệu người , tức là vượt 1,6%.
Ngoài ra, ông Định cũng chỉ ra 2 chỉ tiêu không đạt. Một là chỉ tiêu trồng rừng không đạt, nguyên nhân là khi xác định tỷ lệ bao phủ rừng, chúng ta đã xác định ở mức cao quá, không chính xác. Nay đánh giá lại thì không phải như thế nên mức tăng độ bao phủ rừng vẫn tăng khá nhưng tính theo chỉ tiêu thì không đạt bởi mức cơ sở đánh giá cao quá.
Thứ hai là kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 7,9% trong khi kế hoạch là 10%, nguyên nhân không đạt là giá dầu, giá nông sản giảm sâu, nhiều giá những thứ khác cũng giảm trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu đều tăng nhưng kim ngạch giảm vì giá thế giới giảm.
Về mặt bội chi ngân sách thì kế hoạch đề ra là 5%, nay đánh giá lại là 6,1%, vậy liệu có phải tăng bội chi không? Chính phủ đã phân tích và kết luận là không phải tăng bội chi về mặt con số tuyệt đối. Đây là tỷ số bởi vì con số tuyệt đối là bội chi bao nhiêu đồng, bao nhiêu tỉ thì Quốc hội thông qua và Chính phủ thực hiện đúng con số tuyệt đối đó nhưng tính trên tỷ trọng GDP vì giá để tính GDP giảm và chi phí đầu tư vẫn giữ nguyên nên tỷ trọng bội chi tăng lên. Tỷ trọng tăng nhưng tổng số tiền không tăng.
Còn tất cả các mặt khác như: lạm phát, kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng... đều được Chính phủ đánh giá là ở mức ổn định.
Nhận diện bối cảnh thế giới hiện nay, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập rất sâu rộng nên những tác động từ thế giới đều tác động trực tiếp rất mạnh. Theo dự báo của các tổ chức dự báo uy tín thế giới, tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2016 sẽ giảm. Các cường quốc kinh tế hiện nay đều ở trong mức độ tăng trưởng thấp, chưa thoát ra khỏi khó khăn hoặc suy giảm. Thương mại toàn cầu được dự báo cũng sẽ giảm, tạo nên sức ép cạnh tranh hết sức mạnh cho doanh nghiệp trong nước.
"Giá dầu thô giảm và diễn biến hết sức khó lường nên đòi hỏi tất cả các cấp các ngành, các cơ quan trung ương, địa phương phải theo sát, phân tích kỹ tình hình, dự báo và phản ứng chính sách kịp thời, cố gắng giành thế chủ động để vượt qua khó khăn thách thức, biến thách thức thành cơ hội", ông Định lưu ý.
Tuyết Nhung
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon