Thời gian đang thực sự là "cú sốc" khi chúng ta đọc và suy ngẫm những phân tích của GS Trần Văn Thọ qua cuốn sách này. Nhiều nước ở Đông Á chỉ cần trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế. Việt Nam sau 30 năm đổi mới, dưới con mắt nhìn nhận của các nhà kinh tế học, đã không tạo ra được kỳ tích phát triển như những nước khác.
Là một giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda của Nhật Bản, GS Trần Văn Thọ đã chỉ ra những điều bất cập và cảnh báo những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như nguy cơ "chưa giàu đã già"; nền công nghiệp hóa chưa đạt trình độ cao đã chuyển qua dịch vụ, phát triển không bền vững.
GS .TS. Trần Văn Thọ ký tặng sách cho độc giả. |
Theo GS Thọ, Việt Nam tùy thuộc vào đầu tư nước ngoài quá nhiều. FDI chiếm tới 50% tổng sản phẩm công nghiệp, chiếm 70% xuất khẩu của Việt Nam, một tỷ lệ rất cao. Đáng báo động là mảng này ngày càng mạnh lên, còn các công ty quốc doanh, tư nhân trong nước ngày càng ít.
Đáng lo hơn, Việt Nam cũng nhận và phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. So sánh với Hàn Quốc, họ chỉ nhận ODA trong 20 năm, thời gian đó ODA/đầu người là 10 USD, bây giờ họ là nước chủ nợ, cho vay. Còn Việt Nam từ năm 1993 đến nay đã 22 năm (chưa kể thời gian trước đó nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc) mà bây giờ ODA tiếp tục tăng, nợ tính trên đầu người là 45 USD, so với Hàn Quốc là quá cao.
Cuốn sách cũng đưa ra so sánh giữa Việt Nam với Trung Quốc, vấn đề thoát Trung về phương diện kinh tế, thương mại. Theo GS Trần Văn Thọ: “Việt Nam và Trung Quốc cùng một thể chế chính trị nhưng cái thể chế đi vào cụ thể của Trung Quốc tốt hơn Việt Nam nhiều, tinh thần của họ theo đuổi kịp các nước Tây phương rất cao”.
Tiếp thu tinh thần Minh Trị Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ cho rằng lãnh đạo chính quyền cần có quyết tâm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia thượng đẳng. Muốn đột phá thì bộ máy hành chính phải thay đổi quy trình tuyển chọn và đề bạt quan chức. Những quan chức nào không đủ năng lực, đạo đức, tự trọng thì không đưa vào bộ máy hành chính.
GS Thọ cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng đội ngũ tư bản dân tộc, sớm "tốt nghiệp" ODA, không vay và xin viện trợ nước ngoài nữa, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho sự thoát khỏi viện trợ nước ngoài, chấm dứt xuất khẩu lao động.
Đánh giá về cuốn sách, Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư Trần Đình Thiên gói gọn trong hai chữ: "Xúc động". Ông cho rằng cuốn sách dùng từ "cú sốc" thì phải người có "cảm xúc"chứ người vô cảm thì không xúc động được. Ông nói có lẽ cuốn sách của ông Thọ chỉ dành cho những người không vô cảm.
PGS Trần Đình Thiên cho rằng chúng ta nên bớt gán cho điều này điều khác là chuyện "nhạy cảm" để không trở thành vô cảm nhằm vực dậy nền kinh tế, sớm xây dựng nền tảng để cả nước cùng cất cánh.
Đề tựa cho cuốn sách, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh viết: "Hy vọng cuốn sách sẽ đem đến cho các nhà lãnh đạo, quản lý của Việt Nam những góc nhìn mới để cùng nhau suy ngẫm, lựa chọn và sử dụng những ý kiến xác đáng của tác giả vào việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước”.
Sách Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam do NXB Tri Thức ấn hành.
Lê Đình Dũng
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon