Bé gái bị tai nạn giao thông 3 lần ngưng tim được cứu sống

Bé gái rơi vào hoàn cảnh trên là Nguyễn Kiều V. (9 tuổi, ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Theo người nhà bé V., chiều mùng 2 tết (ngày 9.2), cả nhà 4 người đi trên một chiếc xe gắn máy đến thăm chúc tết người thân. Trên đường, chiếc xe máy bất ngờ trượt ngã, bé V. ngồi phía trước bụng bị đập vào tay lái nên sau đó than đau bụng. Cháu được chuyển đến Bệnh viện huyện Trảng Bàng nhưng do bệnh tình quá nặng, bệnh viện này đã chuyển cháu đến Bệnh viện đa khoa khu vực tại Củ Chi, TP.HCM.

Tại đây, kết quả chụp CT cho thấy nạn nhân bị phù 2 bán cầu đại não, dập gan phải, tổn thương hạ phân thùy 6, 7, 8 và có dịch ổ bụng. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đã tiến hành phẫu thuật để xử lý lá gan bị vỡ. Tuy nhiên, sau thời gian hồi sức sau phẫu thuật, bé V. đã 2 lần ngưng tim, các bác sĩ buộc phải hồi sức tim và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Chiều 1.3, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhân V. được chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, phải bóp bong bóng để thở qua NKQ.  Spo2 của bệnh nhân chỉ có 78%, môi tím tái, mạch quay nhẹ, tim chỉ có 120 lần/phút, HA=90/70mmHg, bụng trướng, người xây xát nhiều nơi.

Trước nguy kịch trên, các bác sĩ đã lập tức cho bé thở máy, truyền máu, sử dụng thuốc an thần, thuốc giảm đau, kháng sinh, vận mạch Adrenaline, Nor Adrenaline, bù toan, thuốc hạ sốt.

Sau 20 phút cấp cứu, bé lại ngưng tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu hồi sức tim và tim của cháu đập trở lại.

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đây là lần ngưng tim thứ 3. Lúc này khoa cấp cứu đã tiến hành hội chẩn ngay với khoa ngoại và hồi sức ngoại. Các bác sĩ tiếp tục hồi sức liên tục đến 6 tiếng đồng hồ sau.

“Thời điểm ấy là mùng 3 tết, ngoài các bác sĩ trực, chúng tôi cố gắng huy động thêm bác sĩ đang nghỉ tết đến bệnh viện hỗ trợ. Sau khi xem xét tình trạng bệnh, các bác sĩ nhận thấy ngoài tổn thương đa cơ quan, bệnh nhân còn hôn mê phải thở máy với nồng độ oxy rất cao từ 70 - 100%, mạch huyết áp không ổn định, rối loạn đông máu, tổn thương gan, tổn thương thận và rối loạn chức năng thận”, bác sĩ Tuấn cho biết.

 be gai
 Tưởng chừng không qua khỏi, nhưng sau hơn 20 ngày điều trị, sức khỏe bé V. đã ổn định, hồi phục được 80%.

Điều đáng nói, mặc dù sau đó các bác sĩ  tiếp tục cho bé thở máy, truyền vận mạch Dopamine, Adrenaline, Nor Adrenaline, sử dụng kháng sinh, an thần, dẫn lưu màng phổi… nhưng  bé vẫn bị suy hô hấp nặng, tiếp tục thiếu máu, rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận…

Trước tình trạng sức khỏe của bé không tốt lên, Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định tiến hành một cuộc hội chẩn toàn viện. Tại đây, các bác sĩ đã đưa ra một quyết định cực kỳ quan trọng, là tiến hành lọc máu liên tục.

“Với những bệnh nhân bị đa chấn thương như thế này mà sử dụng kỹ thuật lọc máu liên tục thì từ trước đến nay bệnh viện chưa thực hiện. Những trường hợp lọc máu liên tục thường chỉ định ở các bệnh nhân nhiễm trùng huyết, viêm tiểu cấp. Việc lọc máu đối với một bệnh nhân bị đa chấn thương quá nặng như thế, chúng tôi cũng chưa biết có thể cứu sống được hay không nhưng “còn nước còn tát”, bác sĩ Tuấn kể lại.

Theo bác sĩ Tuấn, thời điểm này, cùng lúc bệnh nhân sử dụng đến 9 loại thuốc truyền, lọc máu liên tục và thở máy. Bệnh nhân được lọc máu trong 4 đợt.  Trong đó, đến đợt lọc máu thứ 2, bệnh nhân bất ngờ có những chuyển biến, các thuốc vận mạch sử dụng liều cao trước đó đã được giảm xuống, ngưng sử dụng một số thuốc mạnh, giảm thông số thở máy; đồng thời các chức năng thận, gan, điện giải bắt đầu ổn định.

“Kết thúc đợt lọc máu thứ 2, các bác sĩ bắt đầu nhóm lên hy vọng có thể cứu sống được bệnh nhân. Và kể từ đó, các cơ quan của bệnh nhân dần dần phục hồi. Đến ngày 19.2, bệnh nhân được cho ăn qua ống sonde và đến ngày 28.2 đã cai máy thở”, bác sĩ Tuấn hồ hởi nói.

“Hiện bệnh nhân đã hồi phục khoảng 80%, chỉ còn tri giác của bệnh nhân hơi hốt hoảng do sang chấn tâm lý. Trong sáng nay (1.3), chúng tôi đã mời các chuyên gia tâm lý đến để tư vấn tâm lý nhằm giải tỏa căng thẳng cho cháu. Riêng về nước tiểu, bệnh nhân đã tiểu tốt, chỉ thở oxy qua mũi. Hiện bệnh nhân đã được người nhà nuôi ăn qua sonde”, bác sĩ cho biết thêm.

Mặc dù sức khỏe bệnh nhân đã cơ bản ổn định, nhưng theo bác sĩ Tuấn, vẫn còn điều lo ngại ở bé gái này là tình trạng tri giác có thể bị ảnh hưởng về sau, nếu không được xử lý triệt để.

 Hồ Quang 

Previous
Next Post »
Thanks for your comment