Vinalines đề xuất bán ụ nổi 83M tai tiếng với “giá bèo”

Ụ nổi 83M được Vinalines đầu tư năm 2008, góp vốn vào Công ty VNLSY theo Nghị quyết số 1575/NQ-HĐQT ngày 21.8.2009 của Hội đồng Quản trị Vinalines và bàn giao cho VNLSY theo Quyết định số 668/QĐ-HHVN ngày 12.10.2010 của Tổng giám đốc Vinalines với tổng nguyên giá tạm tính là hơn 462 tỉ đồng. 

Ụ nổi 83M hiện đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 1.2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 24.6.2011. Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại cảng Gò Dầu B hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng. Tính đến thời điểm 31.12.2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã vào khoảng hơn 50 tỉ đồng. 

Mặt khác, kể từ khi thành lập, Công ty VNLSY không có hoạt động sản xuất kinh doanh (do dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam chưa được triển khai xây dựng), không có nguồn tài chính đề thực hiện duy tu, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh do rỉ sét nhiều. Do không có khả năng thanh toán một phần công nợ neo đậu theo yêu cầu nên cảng Đồng Nai đã cắt hợp đồng cấp điện chiếu sáng và cấp nước cho ụ nổi từ đầu năm 2013 khiến ụ nổi lâm vào tình trạng mất an toàn an ninh hàng hải. 

Cụ thể, tháng 7.2014, ụ nổi 83M bị trôi dạt do thủy triều xuống nước dẫn đến kéo căng nhiều dây buộc làm gãy trụ buộc dây B3. Sự cố trên cảng Đồng Nai đã yêu cầu VNLSY bồi thường thiệt hại sự cố với giá trị 785 triệu đồng, nhưng do không có nguồn tài chính VNLSY đã có văn bản đề nghị được chậm thanh toán cho đến khi ​cơ quan này được các cấp có thẩm quyền cho phép bán ụ nổi. 

Ngàv 21.6.2015, trụ bích buộc dây trên cảng Gò Dầu B nơi toàn bộ dây phía mũi ụ nổi 83M đang neo buộc đã bị gãy và chìm xuống nước. Để đảm bảo an toàn cho ụ nổi 83M, VNLSY đã làm việc với cảng Đồng Nai và được cảng chấp thuận cho buộc thêm một số dây phía mũi của ụ nổi 83M vào trụ neo B3 trên bờ (trụ neo trước dây bị gãy và cảng đã làm lại) song cũng chỉ là để đảm bảo an toàn tạm thời cho ụ nổi trong mùa mưa bão. 

Nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, tại buổi làm việc ngày 27.10.2015 giữa VNLSY và Cảng Đồng Nai, các bên thống nhất về việc VNLSY sẽ thu dây neo ngang, dây neo, xích neo phía hạ neo từ 10-15m đồng thời sẽ xây dựng một trụ neo thép mới với kinh phí 270 triệu đồng, chỉ phục vụ cho việc neo đậu ụ nổi 83M, cách ụ nổi 83M là 15m về phía thượng lưu. Cảng Đồng Nai/Cảng Gò Dầu B thực hiện xây dựng trước và VNLSY chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí này. 

Chỉ còn cách bán tháo để thu hồi vốn đầu tư 

Từ cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, căn cứ vào thực trạng của VNLSY, diễn biến của thị trường sửa chữa tàu biển, Vinalines đã xây dựng và báo cáo Bộ Giao thông vận tải các phương án khai thác ụ nổi 83M như liên doanh với nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục đầu tư, cho thuê hoặc hợp tác khai thác ụ nổi, tự khai thác và bán ụ nổi để thu hồi một phần vốn đã đầu tư. 

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, mặc dù Vinalines/VNLSY đã nỗ lực tìm kiếm và làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhưng cũng không có quyết định chính thức và cho đến nay các phương án trên đều không thể thực hiện. 

Để xử lý dứt điểm ụ nổi, tránh phát sinh chi phí có liên quan, trên cơ sở kiến nghị VNLSY và tình hình thực hiện các phương án xử lý ụ nổi, Vinalines/VNLSY đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép bán ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư. Bộ đã chỉ đạo Vinalines chủ động tìm kiếm đối tác, xử lý ụ nổi 83M theo quy định của pháp luật. 

Căn cứ vào hiện trạng neo đậu, khả năng khai thác ụ nổi, tình hình công nợ của VNLSY, việc bán nguyên trạng ụ nổi 83M khi các phương án khác không thành công là phù hợp nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư và để VNLSY có nguồn tài chính thanh toán công nợ.
Vinalines de xuat ban u noi 83M tai tieng voi “gia beo”-hinh-anh-1Vinalines đề xuất bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M với giá khởi điểm bằng giá thẩm định là 34,8 tỉ đồng.
Căn cứ báo cáo tài chính của VNLSY tại thời điểm 31.12.2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là khoảng hơn 500 tỉ đồng (gồm 462,8 tỉ đồng giá trị tạm tính ụ nổi 83M bàn giao theo Quyết định số 688/QĐ-HHVN ngày 12.10.2010 và hơn 50 tỉ đồng chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố, bảo quản hằng tháng... từ thời điểm bàn giao đến thời điểm 31.12.2015). 
Do ụ nổi 83M là tài sản đơn chiếc, không có giao dịch trên thị trường nên để có cơ sở xác định giá khởi điểm khi nhượng bán nguyên trạng ụ nổi, vận dụng quy định tại khoản 3 điều 23 Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11.7.2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, VNLSY được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản.

Ngày 25.11.2015, Công ty VNLSY đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty cổ phần Đầu tư và định giá AIC-Việt Nam về việc thẩm định giá nguyên trạng ụ nổi 83M. Theo chứng thư thẩm định giá số 070712/2015/CT-AIC ngày 7.12.2015, giá trị ụ nổi 83M xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỉ đồng. 

Lý giải về việc ụ nổi được bán giá bèo so với giá trị sổ sách của VNLSY, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho rằng do giá trị sổ sách của ụ nổi 83 M bao gồm giá trị đầu tư và chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lãi vay, neo đậu, các loại thuế. Kể từ thời điểm nhận bàn giao (năm 2010), ụ nổi 83M chưa được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh do chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đủ điều kiện đăng ký khai thác, VNLSY chưa thực hiện trích khấu hao. 

Mặt khác, ụ nổi 83M tiếp tục phát sinh chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố, bảo quản hằng tháng… tổng chi phí từ 13.10.2010 đến 31.12.2015 là khoảng hơn 50 tỉ đồng, giá trị trên được VNLSY hạch toán tăng giá trị sổ sách của ụ nổi 83M. 

Do không được sửa chữa, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh do rỉ sét nhiều. Để sớm xử lý ụ nổi 83M, Vinalines đề xuất bán đấu giá nguyên trạng ụ nổi 83M với giá khởi điểm bằng giá thẩm định là 34,8 tỉ đồng.

Previous
Next Post »
Thanks for your comment