Ngày 27 và 28.1, cả Thượng-Hạ viện Malaysia đều thông qua TPP, dọn dẹp mọi trở ngại cho chính phủ Malaysia tham gia ký TPP ngày 4.2 tới tại New Zealand.
TPP là một thỏa thuận thương mại tự do, được đàm phán giữa Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Mexico, Nhật Bản, Chile, Canada, Brunei, Úc.
Đây là một hiệp định thương mại lớn nhất, được thiết kế để cắt giảm thuế nhập khẩu, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong các nước thành viên, tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ các nhà đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường minh bạch trong cạnh tranh, các vấn đề về lao động.
Như vậy, quan hệ thương mại giữa Malaysia với các nước thành viên TPP (gồm Việt Nam) sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Malaysia từ các nước thành viên TPP và cả các nước ngoài khối.
TPP được kỳ vọng sẽ được các nước phê duyệt tại New Zealand, sau đó là giai đoạn 2 năm để phê chuẩn. Có lẽ TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực ở Malaysia từ năm 2018, vì tiến trình phê chuẩn liên quan 26 sự sửa đổi 17 bộ luật nước này.
Ngày 31.1, trả lời phỏng vấn của báo Utusan Malaysia, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, ông Mustapa Mohamed nói TPP không làm Malaysia nghèo đi, sau khi lãnh đạo đảng đối lập PAS nói việc ký TPP sẽ khiến Malaysia bị cạn kiệt nguồn tài nguyên hạn chế.
Ông Mustapa nói với chủ tịch PAS Abdul Hadi Awang: Malaysia đã đạt được nhiều thứ, gồm nguồn đầu tư nước ngoài đạt 500 tỉ ringgit Malaysia (RM).
Ông nói: “Nếu chúng ta, nghèo, dốt và thiếu thốn, tại sao chúng ta lại có hơn 600 tỉ RM từ nguồn đầu tư ra nước ngoài và 500 tỉ RM từ các nước ngoài đầu tư ở đây. Đừng nghĩ chúng ta nghèo. Ở Papua New Guinea, chúng ta là nhà đầu tư lớn hàng thứ hai, sau Úc. Chúng ta cũng đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc”.
Ông Mustapa đề nghị lãnh đạo PAS và người chỉ trích TPP nên công bằng trong việc phê phán chính phủ.
Trước đó, ông Abdul Hadi so sánh Malaysia là “cái ao nhỏ cấp nước cho những cái hồ lớn hơn”. Ông còn nói Malaysia sẽ “bị hút cạn, bị nhấn chìm” nếu mở cửa biên giới cho TPP.
Tại phiên họp đặc biệt về TPP của quốc hội Malaysia, Bộ trưởng Mustapa nói: Malaysia là nước duy nhất của TPP trình quốc hội nước này, nhằm bác bỏ các tin đồn và hiểu sai về TPP.
Ông nói: “Chính phủ có quyền ký hiệp định này mà không phải lấy ý kiến quốc hội. Nhưng vì tính dân chủ và minh bạch, chúng tôi trình vấn đề này”.
Ông cũng chỉ trích những kêu gọi Malaysia chớ ký phê duyệt TPP, nói họ không hiểu được tầm quan trọng của hiệp định có lợi cho kinh tế Malaysia:
“Họ không hiểu bản chất của ngoại thương. Malaysia lệ thuộc mạnh vào nguồn đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế. Nếu Malaysia không tham gia vào các thỏa thuận thương mại sẽ khiến quốc gia bị chậm tăng trưởng kinh tế và đất nước sẽ bị các nước phát triển bỏ lại phía sau”.
Phe chỉ trích ở Malaysia nêu TPP do Mỹ dẫn đẫu về bản chất là “chủ nghĩa thực dân”, xem nhẹ các quyền đặc biệt của cộng đồng Malay thiểu số và các nhóm thổ dân ở Malaysia. Họ “soi” nhiều điều khoản của TPP, đặc biệt về vấn đề bản quyền, chi phí y tế và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS).
Cơ chế này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có quyền khởi kiện chính phủ ra các tổ chức trọng tài quốc tế, nếu chính phủ nước đó vi phạm các nghĩa vụ và vi phạm này gây tổn thất cho lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều đặc biệt là các điều khoản trong TPP sẽ trao quyền cho các tập đoàn tư nhân nước ngoài phớt lờ các thiết kế giải quyết tranh chấp tại nước nhận đầu tư, như tòa án của nước nhận đầu tư.
Các tập đoàn này có thể sử dụng các tổ chức trọng tài quốc tế-như tòa trọng tài ICSID, tòa trọng tài UNCITRAL (Thiết chế trọng tài thương mại quốc tế thuộc LHQ), hoặc một tổ chức trọng tài quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ cùng đồng ý, để khởi kiện chính sách hoặc các hành vi vi phạm của nước nhận khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Mustapa trấn an, rằng TPP sẽ không làm mất quyền lợi quốc gia của Malaysia và nói, TPP không do riêng Mỹ thiết kế, mà có cả sự tham gia soạn thảo của các nước thành viên.
Ông nói các siêu cường kinh tế như Mỹ và Nhật không có quyền phủ quyết ở TPP và việc này sẽ không tác động đến kinh tế Malaysia, do nước này áp dụng một cơ chế kinh tế hỗn hợp. Ông cũng bác bỏ những cáo buộc Malaysia sẽ bị hệ thống tư bản chủ nghĩa của Mỹ “thuộc địa hóa”.
Ông nói: “Chúng tôi có cách can thiệp. Kinh tế Malaysia không dựa vào chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội… chúng ta đang ở giữa. Vì thế, TPP sẽ không làm thay đổi mô hình kinh tế Malaysia”.
Ông lưu ý các nghị sĩ phản đối TPP cần nhớ vị thế của các công ty đa quốc gia (MNC) ở Malaysia:
“Chúng ta phải cẩn thận, vì nếu chống MNC và muốn xua đuổi họ thì họ cũng có thể làm thế với các công ty của chúng ta. Chớ nên đánh chặn các nguồn đầu tư nước ngoài, vì sẽ bị tác dụng ngược”.
Vĩnh Thụy (theo Malaymail.online.com)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon