Adolf Eichmann chính là một trong những “kiến trúc sư” của lò hơi ngạt của phát xít Đức. Những trại tập trung (còn được gọi là “trại tử thần”) có lò hơi ngạt đã giết chết 6 triệu dân Do Thái hồi Thế chiến 2. Phát xít Đức gọi đó là “Giải pháp cuối cùng”, một kế hoạch để tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu.
Eichmann cũng giám sát việc truy bắt và đưa người Do Thái ở Đông Âu đến các “trại tử thần”, như trại tập trung Auschwitz.
“Chỉ là nhân viên cấp dưới” phải thừa lệnh cấp trên
Lá thư xin tha tội chết được Eichmann viết ngày 29.5.1962, hai ngày trước khi bị Israel xử tử hình bằng hình thức treo cổ, tiếp sau phiên tòa xử hắn tội chống lại loài người, phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống dân Do Thái.
Phiên tòa xử tội Eichmann kéo dài 34 tháng vào năm 1961, thu hút sự chú ý của cả nước Israel và thế giới. Hơn 100 người Do Thái sống sót kể lại những cách thức tra tấn dã man của phát xít Đức, việc họ bị bỏ đói trong “trại tử thần”.
Sau khi bị Tòa án tối cao Israel tuyên án tử hình, tên diệt chủng Eichmann xin Tổng thống Israel tha tội chết, với lý do hắn “bị buộc là một công cụ”, là nhân viên cấp dưới phải thừa lệnh của những lãnh đạo quyền lực bị quy trách nhiệm giết dân Do Thái.
Hắn viết trong lá đơn xin ân xá: “Tôi không là lãnh đạo chịu trách nhiệm, vì thế tự tôi cảm thấy mình không có tội”.
Eichmann viết rằng đã xin chuyển qua nhiệm vụ khác, sau khi hắn chứng kiến “sự khủng khiếp” của việc người Do Thái bị hành hạ dã man. Eichmann viết thêm, lẽ ra hắn phải được ghi nhận vì việc hắn thành thật khai báo về những điều khủng khiếp ấy, trong cuộc điều tra của cảnh sát.
Thư xin tha tội chết của Eichmann |
Kẻ giết người phải đền tội, công lý phải được thực thi
Eichmann xin Tổng thống Israel lúc đó, ông Yitzhak Ben-Zvi, dùng quyền ban ân xá và ra lệnh không thi hành án tử hình đối với hắn.
Vera (vợ Eichmann) và 5 anh em của Eichmann là Emil Eichmann, Irmgard Molnar, Otto Eichmann, Frederick Eichmann và Robert Eichmann cũng gửi điện tín đến Tổng thống Ben- Zvi xin tha tội chết cho hắn với lý do hắn phải giữ lời thề của một sĩ quan là luôn tuân lệnh của lãnh đạo Đức lúc đó.
Ngày 31.5.1962, ông Ben-Zvi bác đơn xin tha tội chết của Eichmann. Hắn bị treo cổ ngay trong ngày 1.6.1962 và là người duy nhất bị Israel xử tử hình, từ khi Israel lập quốc năm 1948. Hồi năm 2015, Cục tàng thư Israel có công bố tài liệu chứng minh Vera đã thăm chồng Eichmann 1 tháng trước khi hắn bị xử tử.
Việc công bố lá thư viết tay bằng bút bi của Eichmann trùng với Ngày tưởng nhớ nạn nhân Lò hơi ngạt quốc tế (27.1.2016).
Lá thư được gởi đến giới truyền thông và trong ngày này, Tổng thống Israel Reuven Rivlin nói rằng: “Đơn xin ân xá của Eichmann hôm nay cho thấy Eichmann và gia đình thừa nhận rằng tại quốc gia Israel, một kẻ giết người như Eichmann phải đền tội và công lý phải được thực thi”.
Ông Rivlin cũng muốn tài liệu này được trưng bày ở Đài tưởng niệm nạn nhân lò hơi ngạt Yad Vashem của Israel.
Người phát ngôn của Tổng thống Rivlin nói dù đơn xin ân xá của Eichmann đã được phổ biến rộng rãi từ sau phiên xử Eichmann ở Jerusalem, nhưng gần đây mới tìm thấy lá đơn này khi Israel đem các tài liệu đi quét để lưu trữ bằng kỹ thuật số.
Triển lãm chiến dịch bắt cóc Eichmann ở Argentina
Hồi năm 2012, Cục tình báo Mossad (Israel) đã công bố một bí mật giấu kín suốt 50 năm về vụ Mossad bắt cóc Eichmann ở Argentina hồi năm 1960, bằng cuộc triển lãm “Chiến dịch cuối cùng”.
Triển lãm này do một quan chức Mossad giấu tên tổ chức, trưng bày nhiều hiện vật chưa bao giờ thấy, những cái tên và các tài liệu dẫn đến vụ bắt cóc. Triển lãm cũng công bố nhiều chi tiết mới, như các chuyên gia giảo nghiệm pháp y đã xác minh được Eichmann nhờ cặp tai của hắn.
Một trong các hiện vật đáng chú ý được trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc Do Thái Beit Hatfutsot (ở thủ đô Tel Aviv) bản gốc hồ sơ Eichmann do Mossad lập. Nó có mật danh “Dybbuk” (tiếng Do Thái là “Linh hồn quỷ sứ”).
Chiếc cặp giấu máy ảnh để chụp các bức ảnh đầu tiên của Eichmann ở Buenos Aires. Các biển số xe giả mà điệp viên Mossad gắn vào các xe mà họ dùng để theo dõi Eichmann.
Hoặc những đôi găng tay đã dùng để bắt hắn, ống tiêm để gây mê hắn, hộ chiếu Israel giả để lén đưa hắn rời khỏi Argentina. Các đồ dùng cá nhân tìm thấy trên xác Eichmann: một cái lược, một con dao xếp và một hộp đựng thuốc lá bằng nhựa.
Bàn của Eichmann có gắn kính chống đạn ở phiên xử tại Israel |
Sau khi Đức đầu hàng, kết thúc Thế chiến 2, Eichmann thoát cuộc truy lùng của Mỹ, trốn sang Argentina năm 1950, sử dụng tên giả Ricardo Klement. Hắn giữ kín hành tung cho đến năm 1957 thì cậu con trai trưởng Nick có bạn gái Silvia.
Trớ trêu là cha của Silvia, Lothar Hermann là người thoát chết khỏi “trại tử thần”. Sau khi nghi ngờ Eichmann “con”, Hermann gởi một lá thư (cũng được triển lãm) đến một người cũng thoát chết ở “trại tử thần” là Fritz Bauer. Lúc đó, Bauer giữ chức công tố viên trưởng bang Hesse (Đức). Bauer báo với chính quyền Israel, nơi mở cuộc điều tra.
Hai năm sau, điệp viên Zvi Aharoni của Mossad xác định được nơi ở của gia đình Eichmann tại đường Garibaldi ở Buesnos Aires. Ông trở về nước với ảnh của Ricardo Klement, đem so sánh thì các ảnh này rất giống Eichmann.
Các chuyên gia giảo nghiệm pháp y so sánh từng chi tiết cặp tai trên mỗi ảnh, cuối cùng xác nhận Ricardo Klement chính là Eichmann.
Giấy tờ tùy thân mang tên giả Ricardo Klement của Eichmann |
Đêm 11.5.1960, một tổ 7 điệp viên Mossad phục kích gần một trạm xe buýt, nơi mỗi tối Eichmann xuống xe để về nhà, kết thúc một ngày làm việc ở một hãng xe Mercedes Benz.
Khi Eichmann xuống khỏi xe buýt, điệp viên Zvi Malkin nhảy xổ tới, dùng tay đeo găng thọc vào miệng Eichmann, đề phòng hắn có thể cắn viên nang chứa chất độc cyanur để tự sát. Đây là một kinh nghiệm rút ra được từ những lần bắt các cựu quan chức phát xít trước đó.
Theo tài liệu triển lãm kể lại, Aharoni dọa Eichmann: “Ngươi mà động đậy sẽ bị bắn ngay vào đầu” và Eichmann đáp lại bằng tiếng Đức: “Tôi chấp nhận số phận”.
Eichmann bị nhốt ở một “điểm an toàn” suốt 29 ngày, cho đến khi hắn cùng nhóm điệp viên Mossad đáp chuyến bay El Al Israel Airlines về nước. Chuyến bay này trước đó chở một đoàn ngoại giao Israel đi dự lễ kỷ niệm 150 năm ngày lập quốc của Argentina.
Trên chuyến bay này, Eichmann bị tiêm thuốc mê, mặc đồng phục nhân viên hãng bay El Al Israel Airlines, ngồi ở khoang hạng nhất, sau khi được ghi nhận là một nhân viên hãng bay bị bệnh nặng.
Kim tiêm thuốc mê dùng để tiêm Eichmann |
Chiến dịch bắt cóc Eichmann quá bí mật đến nỗi nhà ngoại giao Abba Eban (sau này là Ngoại trưởng Israel) chẳng hề biết ông đã bị mượn làm vỏ bọc ngoại giao, để đưa nhóm bắt Eichmann về nước, bỏ mặc Eban và các nhà ngoại giao Israel ở lại Buenos Aires.
Khi tìm hiểu chiến dịch, quản thủ bảo tàng Avner A (tên giả) nói ông phát hiện được nhiều điều mới, ví dụ kế hoạch B: Nếu cuộc đưa Eichmann về Israel bằng máy bay thất bại, phải giấu hắn trên một tàu thủy chở thịt đông lạnh; hoặc bỏ mặc hắn khi đang ở châu Âu, nửa đường trước khi về Israel.
Avner còn phát hiện một kỹ thuật viên đo thi lực đồng ý làm cặp kính khác cho Eichmann, sau khi kính của hắn bị gãy trong lúc bắt hắn. Cặp kính mới được làm bằng nhựa đề phòng Eichmann dùng thủy tinh để cắt cổ tay tự sát.
Avner nói: “Đó là lần đầu tiên Mossad thực hiện một chiến dịch ở nước ngoài nên họ tạo ra đủ loại dụng cụ hệt như phim điệp viên 007. Chiến dịch này giúp Mossad chứng tỏ với thế giới rằng họ có thể hoạt động ở bất kỳ nơi đâu, với nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau”.
Vĩnh Thụy (theo The Age, Independent)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon