Trong chuyến thăm GS.BS Trần Đông A nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nhờ vị giáo sư này hiến kế giải pháp giảm quá tải bệnh viện hiện nay. Không ngần ngại, Giáo sư Trần Đông A nhấn mạnh vấn đề cốt lõi để giải quyết quá tải bệnh viện là phát triển mạng lưới y học gia đình (bác sĩ gia đình). Giáo sư Trần Đông A cho rằng, đây là nhân tố giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện.
Đề cập đến giải pháp mà Giáo sư Trần Đông A hiến kế cho Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM ( tác giả chủ biên đề án giảm tải bệnh viện của Sở Y tế TP) cho biết, đây là 1 trong 10 giải pháp giảm tải mà Sở Y tế TP đã đưa ra để thực hiện.
“Ý của thầy Trần Đông A một hoạt động trong nhóm giải pháp thứ 8 của đề án giảm quá tải bệnh viện của Sở Y tế TP, giải pháp này là nâng cao năng lực y tế cơ sở. Bên cạnh nâng cao năng lực các đơn vị y tế quận – huyện để thu hút người dân, nâng cao năng lực khám chữa bệnh các trạm y tế, còn một hoạt động rất lớn là triển khai mô hình bác sĩ gia đình”, ông Thượng nói.
-Từ hiến kế của Giáo sư Trần Đông A cho Bí thư Đinh La Thăng, ngành y tế TP có đưa giải pháp này trở thành vấn đề cốt lõi cần tập trung để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay hay không, thưa ông?
Quan điểm của Sở Y tế trong vấn đề giải quyết quá tải bệnh viện là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, không một giải pháp nào trong thời gian ngắn có thể giải quyết được. Điều mong đợi nhất của người dân cũng như của lãnh đạo TP là xây dựng nhiều cơ sở y tế mới. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về mô hình bác sĩ gia đình trong việc giảm quá tải cho các bệnh viện hiện nay?
Ngay trong buổi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm Giáo sư Trần Đông A, tôi cũng đã trình bày với Bí thư vì sao, ở nước ngoài có cơ sở bác sĩ gia đình nên các bệnh viện ở đây không quá tải.
Ở nước ngoài, không có chuyện người bệnh tự ý đến bệnh viện yêu cầu khám bệnh. Hệ thống bác sĩ gia đình ở nước ngoài rải đều khắp nơi, đây là nơi khám chữa bệnh đầu tiên. Ở các nước phát triển như: Pháp, Úc, Mỹ… gọi bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa tổng quát. Bác sĩ gia đình chịu trách nhiệm nắm tình hình sức khỏe của người dân ở một khu vực. Các bác sĩ gia đình ở đây được đào tạo bài bản, khi khám bệnh, nếu bác sĩ cảm thấy tình trạng bệnh của bệnh nhân vượt quá khả năng thì sẽ chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất.
Những nước này, mạng lưới bác sĩ gia đình quá mạnh, phủ khắp cả nước; đồng thời quy định bệnh nhân phải đến cơ sở bác sĩ gia đình trước khi muốn đến bệnh viện nên các bệnh viện không thể nào quá tải được.
Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (phải) đã nhờ GS.BS Trần Đông A hiến kế giải pháp giảm quá tải cho các bệnh viện tại TP.HCM |
- Vậy tại sao chúng ta không tập trung đẩy mạnh mạng lưới bác sĩ gia đình để có thể phủ hết mọi ngóc ngách của TP giúp các bệnh viện không bị quá tải?
TP.HCM là nơi triển khai thí điểm đầu tiên mô hình bác sĩ gia đình và còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới nhưng phải có một lộ trình dài hơi.
Theo Thông tư 16 của Bộ Y tế, bác sĩ gia đình phải được đào tạo bài bản, chuyên khoa bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, bác sĩ gia đình phải có cả bác sĩ gia đình của hệ thống công lập và bác sĩ gia đình của hành nghề y tế tư nhân.
Do đó để làm được điều này cần phải có một thời gian dài, chứ không thể đơn giản ngày một ngày hai. Hiện nay Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã có bộ môn bác sĩ gia đình nhưng để đáp ứng được nhu cầu của người dân TP cần phải có một thời gian dài.
Ý của thầy Trần Đông A hiến kế cho Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng là rất đúng, nhưng nếu bây giờ chúng ta chỉ chọn một giải pháp này thì không thể nào giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
- Nếu vậy, liệu chúng ta có thể ưu tiên thực hiện mô hình bác sĩ gia đình như hiến kế của Giáo sư Trần Đông A cho Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng?
Trong chỉ đạo mới đây của đồng chí phó chủ tịch UBND TP.HCM đã nhấn mạnh đến ưu tiên số 1 là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình của ngành y tế. Đây là giải pháp thứ 6 trong đề án giảm quá tải bệnh viện. Nói gì thì nói, đây vẫn là giải pháp căn cơ, vì cơ sở hạ tầng của ngành y tế TP vẫn còn thiếu.
Ngành y tế cũng thừa nhận rằng, bác sĩ gia đình là giải pháp căn cơ, bài bản nhất nhưng cần phải có thời gian. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng mới hình thành bộ môn này, cần phải có thời gian mới đào tạo đủ, đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi giải pháp này nhưng cần phải có thời gian dài.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động giảm tải của các bệnh việc trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả?
Trong nhiều giải pháp giảm tải bệnh viện, có giải pháp nội tại ngay trong các bệnh viện quá tải. Các bệnh viện cần phải xem lại trong lúc bệnh viện không có giường nằm, nhưng có nhiều bệnh nhân chưa thật sự đáng phải nằm viện. Ở các nước phát triển quy trình nhập viện rất nghiêm ngặt, không đơn giản như chúng ta, cứ muốn là nhập viện.
Bên cạnh đó, các bệnh viện chưa thực hiện việc điều trị ban ngày nên có những bệnh lý chỉ cần điều trị 1 buổi cho về nhà, không cần phải nằm viện nhưng lại cho nằm viện điều trị nhiều ngày liền. Chính điều này đã gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện vốn quá tải càng thêm quá tải.
- Xin cám ơn ông!
Hồ Quang
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon