Tôi là kẻ ngoại đạo, con nhỏ 7-8 tuổi cầm bịch xá xị vô rạp coi tuồng, nghe vọng cổ trên cassette, có biết gì đâu để nói.
Nhưng người Nam bộ mấy ai chưa từng nghe qua Tình Anh Bán Chiếu, Dạ Cổ Hoài Lang, hay Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà bất hủ... Mà cũng mấy ai thời nay khi nghe bài bản đó còn biết mình đang ghi dấu kỷ niệm với tài hoa xuyên thế kỷ của thầy tuồng trứ danh một thời Viễn Châu.
Năm 1964, khi Lệ Thủy lần đầu ghi âm bản tân cổ giao duyên Chàng Là Ai dựa theo ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, trường phái canh tân vọng cổ bằng tân nhạc này của thầy tuồng Viễn Châu đã tạo nên cuộc tranh luận dữ dội trong giới mộ điệu lẫn phái học thuật.
Cuộc bài bác dữ dội nọ không biết rốt cuộc hơn thua ra sao, chỉ biết rằng hơn nửa thế kỷ sau, trong một đêm lưu lại Trà Vinh, quê hương của danh cầm trác tuyệt, tôi bất thần nghe lại bản này, phát sóng trên đài truyền hình Trà Vinh mà lặng người. Điều duy nhất có thể làm của kẻ ngoại đạo là chạy ra khỏi phòng tắm, người còn ướt sũng mà vồ lấy bàn phím và thao tác nhanh nhất có thể để chép lại ca từ theo giọng ca Lệ Thủy.
Đã rất, rất nhiều lần tôi nhắc đến ông trong chương trình Solo cùng bolero và nhiều chương trình giải trí khác trên sóng đài Vĩnh Long, như một dẫn chứng hiển nhiên của chiếc cầu văn hóa nối liền tân-cổ, Á-Âu không tì vết mà tiền nhân đã thực hiện một cách ngoạn mục.
Trong khi các nhạc sĩ tân nhạc tài tình tận dụng tiết tấu La-tinh vào giai điệu âm hưởng dân gian Bắc-Trung-Nam bộ, đưa thứ âm nhạc thường bị giới học thuật “frowned upon”, miệt thị là dòng nhạc bình dân, để từ đó, nghiễm nhiên đưa bolero lên sân khấu chánh đàn của đời sống văn nghệ Sài Gòn, nghiễm nhiên tồn tại trong máu thịt người nghe truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của mọi tầng lớp thị dân, kể cả ở miền Bắc, thì tân cổ giao duyên cũng chính là chiếc cầu nối liền đời sống văn nghệ thành đô thời bấy giờ với tiềm thức mỹ cảm âm nhạc của người Nam bộ nói chung mà từ đó, giai điệu, tiết tấu tân nhạc thời này (nay nôm na gọi là bolero) ngấm ngọt ngào vô huyết mạch thính giả Nam bộ.
Lại một kỷ niệm khác về bài bản Viễn Châu. Tôi cùng anh bạn ngồi trong xe đi tới trường quay, cao hứng sao vặn to cùng nghe một bản thu âm còn khá tốt của Văn Hường mà trầm trồ tấm tắc. Cũng những bài bản trác tuyệt và gần gũi một cách thản nhiên, thầy Viễn Châu còn là cha đẻ của những bản ca hài hước, ngôn ngữ bình dân thật thà của lớp thị dân đô thị qua giọng ca bậc thầy của kép Văn Hường.
Với sở học Hán Văn của ông đã cho kho tàng cổ nhạc những bài bản, ca từ và thoại từ tuyệt mỹ, nhưng cũng bởi sự am hiểu của một cầm thủ vĩ cầm, Tây Ban Cầm và hiểu biết về tân nhạc đã khiến giá trị tân-cổ hài hòa trác tuyệt trong từng thoại từ kịch bản tuồng tích hương xa, cổ trang, cho tới tuồng xã hội, cùng những bản tân-cổ giao duyên đề huề phách bolero điểm giọt song lang mặn mòi mùi mẫn.
Chỉ mới hôm qua đây thôi, tôi ngồi bên cạnh một kịch sĩ trẻ cùng khóc như mưa gió theo nghệ sĩ-thí sinh trong một cuộc chơi truyền hình về cổ nhạc, chỉ bởi đã cơn thèm sau bao lâu không được nghe vọng cổ, coi cải lương.
Cũng chỉ mới hôm qua đây thôi, tôi coi đệ nhứt đào võ Diệu Hiền trên sâu khấu, cất giọng ca với làn hơi bi hùng tôn nghiêm mà thèm khát được nghe lại Tần Quỳnh Khóc Bạn ghi đậm dấu ấn vận từ Hán văn tài hoa của thầy đờn Bảy Bá năm xưa…
Chỉ còn vài ngày nữa tới đêm chung kết xếp hạng của Solo cùng bolero, tôi sẽ lại được dịp minh chứng thủ pháp và trường phái của bậc thầy Viễn Châu ngày xưa vẫn còn đang tiếp nối tài tình bởi những phiên bản tân kỳ mà trau chuốt trong những tiết mục của chương trình, lòng thầm mong thầy tuồng của những bài bản trứ danh sẽ may ra coi được, ắt sẽ cũng mát lòng mát dạ.
Nhưng Thầy đã kịp ra người thiên cổ hôm nay, cách đây chỉ chừng một tiếng.
Chẳng rõ gia quyến có nhớ đặt vô cỗ quan cho ông xấp giấy trắng và cây bút như ông dặn, để mang theo làm hành trang nơi tuyền đài.
Nghiêng mình vĩnh biệt, vua vọng cổ Viễn Châu, thầy Nguyễn Trí Bá.
Trác Thúy Miêu/Người đô thị
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon