Tại buổi Họp giao ban trực tuyến Bộ Công Thương diễn ra ngày 1.2.2016, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết nguồn cung hàng hóa trước, trong và sau Tết đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Cả nước có 53/63 tỉnh thành thực hiện chương trình bình ổn giá.
Ngoài ra, trước Tết cũng diễn ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, thể hiện sự quyết tâm của hệ thống thương mại trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tại buổi họp, báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra việc tăng cường kiểm tra thị trường, ngăn chặn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng cho biết, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2016, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa. Ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn trị giá khoảng 15.000 tỉ đồng.
Trong đó, các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, BigC, Coop Mart, Fivimart, Intimex, Hapro, Citimart... đã thông báo dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng khoảng từ 10-15% so với các tháng trong năm với tổng số tiền khoảng 2.700 tỉ đồng, hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo và chiếm từ 75-80%.
Trong tháng 1.2016, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hộ đạt 297,7 nghìn tỉ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân tổng mức bán lẻ tăng là tháng cận Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chuẩn bị cho nhu cầu Tết Âm lịch; nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp này cũng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng tương đương tháng trước (12.2015) và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuyết Nhung
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon