Ngày 14.2, Tổng thống Venezuela Maduro cảnh báo người dân nước ông rằng cuộc khủng hoảng kinh tế có thể kéo dài đến tận năm 2017. Ông nói như vậy ngay sau khi Tòa án tối cao phê duyệt sắc lệnh tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp của ông, nhằm bào chữa cho việc ông cần có quyền lực đặc biệt.
Phe đối lập đòi lật đổ ông Maduro
Nhưng nhiều người nghi ngờ, liệu chính ông Maduro sẽ còn nắm quyền lực để chứng kiến sự đổi chiều của nền kinh tế, khi sức ép ông từ chức hoặc bị “cất qua môt bên” ngày càng tăng.
Nhà phân tích chính trị Dimitris Pantoulas ở Caracas nói: “Maduro đang đối diện một cuộc khủng hoảng liên quan các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Đó là một cơn bão hoàn hảo”.
Xem ra vị tổng thống đang thất thế. Cựu tài xế xe buýt này từng vươn lên thành ngoại trưởng rồi phó tổng thống, trước khi kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez hồi năm 2013.
Ông Maduro đang chịu cuộc đấu đá từ trong chính phủ của ông, sự chia rẽ trong đảng Xã hội thống nhất Venezuela (PSUV) khiến ông chật vật tồn tại về mặt chính trị.
Ông cũng bị đảng đối lập Dân chủ thống nhất (MUD) đòi phải từ chức, trước tình trạng tội phạm hình sự ngày càng tăng, nguy cơ không thể trả nợ và nay phải công bố định mức sử dụng điện-nước, khi hiện tượng thời tiết El Nino gây ra nạn hạn hán trầm trọng.
MUD đã ra thời hạn 6 tháng để ông Maduro từ bỏ quyền lực một cách hòa bình, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý hoặc một sửa đổi Hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ của ông (theo quy định sẽ kết thúc vào năm 2019).
Thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles Radonski cảnh báo hôm 17.2: “Một bộ phận không nhỏ nhân dân muốn có sự thay đổi. Đây là một cuộc khủng hoảng tăng cao từng ngày và chính phủ không muốn làm gì để thay đổi cả. Giải pháp duy nhất của chúng tôi là phải thay đổi chính phủ”.
Ông Capriles từng thua ông Maduro trong cuộc bầu cử đặc biệt năm 2013 (để có người chính thức kế nhiệm cố Tổng thống Chavez) nói MUD sẽ theo đuổi 2 đề nghị sửa đổi hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ của ông Maduro, hoặc trưng cầu dân ý để bảo đảm ông Maduro bị “cất qua một bên”.
Tòa án tối cao sẽ bảo vệ tổng thống?
MUD hành động cẩn trọng, nhất là sau khi Tòa án tối cao phán 3 nghị sĩ đối lập không được nhận ghế trong lúc tòa này xem xét các cáo buộc họ gian lận lá phiếu.
3 nghị sĩ ấy sẽ góp thế đa số (2/3 ghế) cho phe đối lập, đủ để soạn lại các luật, thay các bộ trưởng và cách chức ông Maduro.
Tòa án tối cao chưa có phán quyết cuối cùng, nhưng nhiều người cho rằng tòa này chưa hề đi ngược ý chính quyền từ khi ông Chavez nắm quyền lực hồi năm 1999, sẽ bác các nỗ lực của phe đối lập.
Trong thời gian đó, 3 nghị sĩ vẫn chờ phán quyết, và có thể lại tranh cử trong một cuộc bầu cử đặc biệt.
Trong lúc Tòa án tối cao xem xét, Quốc hội Venezuela tập trung vào các dự nhỏ hơn: cấp quyền sở hữu nhà ở, nâng mức trợ cấp và lương hưu, thả tù chính trị, đồng thời gây sức ép để chính phủ phải có những đề xuất giải cứu nền kinh tế.
Chính phủ "đứng ở mũi con tàu sắp đắm"
Ông David Smilde, giáo sư khoa xã hội học ở Đại học Tulane, người nghiên cứu Venezuela từ 20 năm nay, nói: “ Phe đối lập để chính phủ xài nốt những vốn liếng chính trị cốt từ chối sự thay đổi, nhằm để thúc đẩy sự kết thúc quyền tổng thống của ông Maduro. Chính phủ Venezuela đang ở mũi một con tàu sắp đắm, không chịu đổi dòng, và phe đối lập để mặc kệ chuyện đắm tàu xảy ra”.
Nỗi sợ xã hội bất ổn bùng phát có thể dẫn đến hậu quả là nội bộ chính phủ đảo chính ông Maduro, bởi các đảng viên PSUV và lãnh đạo quân sự đều muốn bảo vệ vị thế của họ cùng sự giàu có mà họ “vun quén” được trong 17 năm thụ hưởng những ưu đãi chính trị, kinh tế, xã hội của cố Tổng thống Hugo Chavez. Chính sách của ông Chavez là tái phân phối sự thịnh vượng từ nguồn dầu thô của Venezuela, nhưng theo chỉ định của chính phủ.
Ngay cả giấy vệ sinh, dầu ăn cũng trở thành hàng hiếm ở các siêu thị Venezuela |
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Venezuela đang gặp rắc rối nghiêm trọng, không thể phát triển dù là quốc gia có nguồn dầu thô dự trữ lớn nhất thế giới.
Sản lượng dầu thô, từng chiếm 95% nguồn thu ngoại tệ mạnh của Venezuela, tiếp tục giảm kể từ giữa năm 2014 cùng với giá dầu thế giới giảm mạnh, đẩy nền kinh tế được nhà nước điều hành của Venezuela vào cuộc suy thoái sâu, các siêu thị thiếu trầm trọng nhu yếu phẩm, làm tăng lạm phát, còn công ty dầu khí nhà nước Venezuela phải cắt giảm đầu tư để tiết kiệm tiền.
Các nhà kinh tế học dự báo năm 2016 lạm phát của Venezuela có thể tăng đến nóc 700% và nền kinh tế có thể bị suy giảm thêm 8% sau khi đã suy giảm 10% hồi năm ngoái.
Tỷ lệ lạm phát chính thức năm 2015 là 180%, vẫn là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Đồng tiền Bolivar của Venezuela hiện có tỷ giá hơn 1.045 Bolivar mới đổi được 1 USD tại chợ đen, trong khi tỷ giá chính thức là 10 Bolivar “ăn” 1 USD.
Venezuela cũng đang đối mặt với việc phải trả khoản nợ hơn 13 tỉ USD trong năm nay, khiến người ta nỗi sợ việc không thể trả được nợ vay sẽ kéo phắt Venezuela khỏi các thị trường tiền tệ thế giới. (còn tiếp)
Vĩnh Thụy (theo Foreign Policy Magazine)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon