Công an Trung Quốc sang Úc bắt “cáo” tham nhũng

Tháng  4.2015, Trung Quốc công bố danh sách truy nã của chiến dịch “săn cáo”, bao gồm 100 cựu quan chức bị buộc tội là đã ôm số tiền tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài. 

Tuần trước, nữ Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, cho biết, một thỏa thuận song phương về dẫn độ tội phạm với Trung Quốc sẽ sớm được Quốc hội Úc xem xét.

Vào ngày 22.2, Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) tuyên bố sẽ thúc đẩy việc hợp tác thực thi pháp luật với Úc, New Zealand, Anh và Pháp, cũng như sẽ đưa ra nhiều lệnh truy nã Interpol để bắt tội phạm đào tẩu.

Theo CCDI, chiến dịch “săn cáo” sau khi đã qua hai quá trình “khởi động” và “tăng tốc” trong hai năm trước đây, thì tới năm 2016 sẽ “đánh vào các điểm đến ưa thích mà bọn tội phạm đào tẩu”.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh “săn cáo” và khả năng đạt thỏa thuận dẫn độ tội phạm với Úc- Trung khiến Chu lo xóa tên mình khỏi danh sách truy nã.

Chu Thế Cần đứng thứ 42 trong danh sách truy nã "cáo" tham nhũng  của Trung Quốc, từng là cán bộ của Trung tâm quản lý đường sắt Thẩm Dương (Liêu Ninh). Năm 2005, Chu về hưu và một năm sau đó thì di cư sang Úc.

Ngay từ năm 2007, phía Trung Quốc đã phát một lệnh truy nã bà. Chu cho biết, trong năm 2007 bà có về nước để tổ chức đám cưới cho con trai. Đến tháng 12.2007, tin đồn công ty cũ của Chu bị điều tra bắt đầu xuất hiện, lúc này bà đã về Melbourne.

 Fairfax Media dẫn lời Chu cho biết, trong suốt 30 năm công tác, bà luôn trung thành với công ty của mình và chưa hề làm chuyện gian dối.

“Tôi luôn nghe theo lời cấp trên. Cấp trên bảo làm gì thì tôi làm đó”, Chu chia sẻ. Bà cho biết bà đã nhiều lần liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Sau khi để lại thông tin liên lạc, bà được bảo chờ người liên hệ.

Sau đó, một nhân viên điều tra người Trung Quốc đã liên hệ, yêu cầu Chu về nước đầu thú và nhận tội trong vòng 3 ngày.

 Chu thậm chí còn giữ lại những biên lai chi thu của công ty có chữ ký của cấp trên, một bằng chứng có thể giúp bà rửa oan.

Chu cũng cho biết bà sẵn sàng về nước để xóa tên mình khỏi danh sách truy nã, nhưng với điều kiện bà phải được biết rõ rằng khi về nước mình sẽ bị xử trí như thế nào.

Hiện tại, Chu Thế Cần vẫn chưa nhận được bất cứ sự liên hệ nào từ giới chức hai nước.

Trong danh sách 100 đối tượng truy nã của chiến dịch “săn cáo”, có 10 nghi phạm được tin là đang trốn tại Úc.

Vào tháng 1.2016, Bộ công an Trung Quốc cho biết Phòng quản lý việc truy bắt tội phạm trốn ra nước ngoài đã được thành lập.

Theo thông tin của trang Fairfax Media, công an Trung Quốc từng đến Melbourne để truy bắt Đông Phong, một tài xế xe buýt bị cáo buộc hối lộ quan chức, mà không thông báo cho giới chức Úc.

Trong một vụ khác, ông Trịnh Giới Phó, một tỷ phú Trung Quốc hiện sống tại Melbourne, cho biết ông luôn bị theo dõi, vì bị nghi ngờ dính dáng đến án tham nhũng của một cựu quan chức đứng đầu cơ quan tình báo Trung Quốc.

Cẩm Bình (theo The Age)

Previous
Next Post »
Thanks for your comment