Đà Nẵng đang 'xén' nơi kiếm ăn của động vật trong sách đỏ?

Xử lý chặt phát rừng không xin phép

Chiều ngày 25.2, ông Võ Đình Công, Phó chủ tịch UBND P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), phường quản lý diện tích 1.072 ha rừng vùng đệm bán đảo Sơn Trà cho biết, phường đã lập biên bản xử lý vụ việc một hộ dân được giao khoán trồng rừng tự ý mở đường và phát dọn cây để trồng cây mới đây.

Cụ thể, tại tiểu khu 62, bãi đá đen núi Sơn Trà, hộ ông Lê Viết Hồng (trú phường Thọ Quang) đã tự ý mở rộng đường mòn và phát dọn cây rừng khi chưa được sự đồng ý của chính quyền hoặc kiểm lâm. Hộ ông Hồng và 2 hộ khác nữa nhận giao khoán trồng rừng 4ha từ kiểm lâm Đà Nẵng. Theo chính quyền, khu vực này là rừng nghèo, dây leo và bãi đá.  

Da Nang dang 'xen' noi kiem an cua dong vat trong sach do?-hinh-anh-1
 Khu rừng vùng đệm với các loại cây bị chặt dọn.

Sau khi nhận phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng như Sở Nông nghiệp, Sở TNMT, quận Sơn Trà, phường Thọ Quang…đã lên hiện trường kiểm tra và lập biên bản xử lý.

Ông Võ Đình Công cho hay: “Dù hộ ông Lê Viết Hồng đã nhận giao khoán nhưng chưa làm thủ tục xin phép phường để mở đường mòn và phát dọn cây. Khi kiểm tra, hộ này đã sai phạm khi đã tự ý mở rộng đường mòn đã có sẵn dài khoảng 300m, chiều rộng 2m; tự ý phát quang bụi cây; dựng một lán trại rộng khoảng 5-6m; tổng diện tích rừng dây leo bị phát rộng khoảng 1.000 m2; đây là rừng vùng đệm khu bảo tồn đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà”.

Vị Phó chủ tịch phường Thọ Quang cũng cho hay, sáng nay lực lượng chức năng đã dẹp bỏ lán trại. Đồng thời, một biên bản xử lý sai phạm đã được lập. Theo đó, yêu cầu ông Hồng dừng ngay việc trồng cây và phát rừng, vận chuyển vật dụng để làm lán trại ra khỏi khu vực. Đồng thời, chính quyền cũng yêu cầu ông Hồng phải trồng lại những cây rừng đã bị phát chặt.  

Da Nang dang 'xen' noi kiem an cua dong vat trong sach do?-hinh-anh-2
 Lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại của hộ gia đình được giao khoán rừng.

“Chúng tôi cũng đã giao công an phường xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồng và 8 lao động mà ông này đưa vào để trồng rừng theo Luật Cư trú. Những yêu cầu này, trong vòng 15 ngày mà ông Hồng không thực hiện thì chúng tôi sẽ hủy hợp đồng giao khoán rừng đối với hộ ông này”, ông Công cho hay.

Về trách nhiệm chính quyền, ông Võ Đình Công cho rằng, trường hợp của ông Hồng nhận giao khoán từ Kiểm lâm trước đây. Vào năm 2015, khi chia lại 3 loại rừng ở bán đảo Sơn Trà thì những hộ ở vùng đệm này mới được bàn giao lại cho phường, tuy nhiên đến nay việc bàn giao lại vẫn chưa hoàn thiện.

“Chúng tôi thấy sai sót của mình khi chưa kiểm tra kịp thời việc sai phạm. Tuy nhiên, người tham mưu cho chúng tôi là kiểm lâm địa bàn, anh Phan Văn Khoa không hoạt động tốt. Chúng tôi cũng đã làm đề nghị Chi cục Kiểm lâm xem xét trách nhiệm của anh Khoa”, ông Công nói.

Mất hết nơi kiếm ăn của vọoc?

Câu chuyện phát dọn trồng rừng ở vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà lại không hề nhỏ với những người bảo vệ môi trường và động vật. Một trong những người lên tiếng mạnh mẽ về việc phát dọn rừng vùng đệm này là anh Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (thuộc Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng).  

Da Nang dang 'xen' noi kiem an cua dong vat trong sach do?-hinh-anh-3
 Theo anh Tuấn, vùng đệm rừng Sơn Trà với các loại cây leo là thức ăn ưa thích của vọoc chà vá chân nâu- Ảnh: Bùi Văn Tuấn.

Anh Tuấn cho hay, bán đảo Sơn Trà có khoảng 250 cá thể vọoc chà vá chân nâu. Riêng khu vực rừng vùng đệm vừa phát hiện phát dọn sai phạm có khoảng 7-8 gia đình vọoc (khoảng 70-80 cá thể). Anh Tuấn cho hay, đối với loài linh trưởng nói chung, nơi nào chúng chọn sinh sống và kiếm ăn chứng tỏ ở nơi đó có đa dạng sinh học rất cao. Với những loại cây và dây leo ở khu vực rừng này, đó là loại thức ăn rất ưa thích của ‘nữ hoàng linh trưởng’.

“Chúng tôi rất lo lắng việc rừng bị phá và cắt mảnh như thế này. Trên bán đảo Sơn Trà đã có nhiều công trình du lịch, nay việc cắt phá rừng sẽ chia cắt môi trường sống của vọoc”, anh Tuấn nói.

Trái ngược với anh Tuấn, Phó chủ tịch phường Thọ Quang Võ Đình Công cho rằng, những người làm công tác bảo tồn thì họ nói vậy, là khỉ thì chúng sống không cố định khắp cánh rừng, nó không thể có địa chỉ thường trú cụ thể tại một khu vực được, thực tế người dân được giao khoán trồng rừng họ trồng mít, xoài thì khỉ và vọoc về ăn và phá cho nát.  

Da Nang dang 'xen' noi kiem an cua dong vat trong sach do?-hinh-anh-4
 Giới bảo vệ động vật đang lo ngại môi trường sống của 'nữ hoàng linh trưởng' trên bán đảo Sơn Trà đang bị thu hẹp do hoạt động du lịch, xây dựng cơ sở du lịch, thu nhỏ dần vùng đệm của chính quyền Đà Nẵng.

Đồng thời, ông Công cũng cho rằng, từ thời điểm năm trước đến bây giờ, giữa kiểm lâm và phường mới chỉ tiến hành bàn giao tổng thể diện tích. Có khoảng hơn 200 hộ gia đình được giao khoán trồng rừng ở đây. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành rà soát từng hộ, nếu họ có sai phạm gì trước thời điểm bàn giao thì kiểm lâm chịu trách nhiệm. Còn sau thời điểm bàn giao mà có phát sinh sai phạm thì chúng tôi chịu trách nhiệm.

Vị này cũng cho rằng, hiện đang có sự chồng chéo trong việc quản lý rừng giữa chính quyền và kiểm lâm ở đây. Cụ thể, chưa có cơ quan chức năng nào hướng dẫn người dân được phép mở lối đi, chặt phát, trồng rừng mới, chủng loại thế nào…

Khi được hỏi liệu việc giao rừng vùng đệm khu bảo tồn cho phường quản lý có khó khăn gì không. Ông Công nói rằng nhà nước giao thì phường phải nhận, nhưng mới đầu năm chưa thấy lợi gì mà thấy phức tạp rồi.

Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về hướng đông bắc, có diện tích khoảng 60km2, độ cao gần 700m. Bán đảo là khu rừng già với nhiều loài động vật quý hiếm với gần 400.000 ha rừng.

Theo các nhà sinh thái học, hiện nay Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có vọoc chà vá chân nâu. Ở nước ta, lượng cá thể của vọoc chà vá chân nâu chiếm tới 83% số lượng vọoc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Với đặc trưng 5 màu, voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là ‘nữ hoàng’ của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam; tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện. 

Lê Đình Dũng

Previous
Next Post »
Thanks for your comment