Tờ báo Nga nhắc việc Tổng thống Putin ngày 2.1.2015 ký một sắc lệnh cho phép người nước ngoài gia nhập quân đội Nga.
Nói, hiểu tiếng Nga
Theo hướng dẫn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga về việc tuyển quân người nước ngoài, bất kỳ ứng viên nào từ 18 đến 30 tuổi đều có thể ký hợp đồng 5 năm, với điều kiện biết nói tiếng Nga, chưa hề có tiền án tiền sự, không phải hầu tòa và chưa từng ngồi tù.
Các ứng viên cũng phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe, tâm lý và tính chuyên nghiệp, do sĩ quan tuyển quân Nga thực hiện.
“Binh sĩ nước ngoài có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong những tình huống quân sự, thậm chí cả xung đột vũ trang, theo các nguyên tắc và thông lệ của luật pháp quốc tế” - sắc lệnh của ông Putin khẳng định.
Theo chuyên gia quân sự Nga Alexander Golts, khoản lương tháng 30.000 rúp (500 USD) là khá trong thời buổi kinh tế khó khăn của Nga, cộng thêm triển vọng nhập quốc tịch Nga.
Sắc lệnh của ông Putin nhằm hợp thức hóa quan hệ làm việc giữa quân đội Nga với công dân các nước Trung Á, và các nước thuộc Liên Xô cũ, nơi còn có lính Nga đóng quân và lập căn cứ. Sắc lệnh này sẽ giúp quân đội Nga dễ tuyển quân ở Trung Á, vùng Caucasus và vùng ly khai thân Nga Trans-Dniester ở Moldova.
Tại vùng Caucasus, Nga còn một căn cứ quân sự ở Armenia, và có quân Nga ở hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia vốn đều đã ly khai khỏi Gruzia.
Chuyên gia quân sự Nga Pavel Felgenhauer nói: “Trước đây, những cư dân địa phương này phải xin nhập quốc tịch và có giấy tờ công nhận quốc tịch Nga của họ, nhưng nay họ có thể tại ngũ mà không cần nhập quốc tịch Nga”.
Ông Felgenhauer lưu ý vào những năm 1990, đã có hàng ngàn người Tajikistan đi lính Nga tại nước này. Ông nói: “Đưa quân Nga ký hợp đồng đến Trung Á rất tốn kém, và có thể nhiều quân nhân sẽ ở lại đó, nên tuyển người địa phương thì thực tế hơn”.
Nhưng hướng dẫn tuyển quân của Nga không nêu việc cấm người Mỹ hoặc công dân nước khác gia nhập quân đội Nga.Vì thế, có chuyện người phương tây thích đi lính đánh thuê cho quân đội Nga.
Cách đây 4 năm, sau khi gia đình Vitaly Danilenko từ bang Alaska (Mỹ) trở về Siberia, anh chàng 18 tuổi lớn lên ở Mỹ này đăng ký đi lính Nga, dù không nói được tiếng Nga, không thể giao tiếp với các đồng đội và cấp trên.
Tình trạng này kéo dài 2 tuần, rồi Danilenko đào ngũ, điều khiến anh ta có thể bị tuyên án 7 năm tù, theo luật Nga. Theo giới truyền thông Nga, anh ta bỏ trốn, gia đình giải thích việc con họ bỏ trốn là vì rào cản ngôn ngữ.
Không ai biết nên xử lý Danilenko thế nào. Theo một hãng tin Nga lúc đó, luật nghĩa vụ quân sự Nga không ghi nhận việc không thể nói tiếng Nga là yếu tố để sa thải anh. Cho đến nay, chưa hề có tin Danilenko bị bắt.
Bất mãn, cần tiền khiến người nước ngoài muốn đi lính đánh thuê cho Nga
Câu chuyện của Danilenko là một “câu chuyện cảnh giác” cho cả quân đội Nga, lẫn người nước ngoài nào tính đi lính cho Nga và tham gia chiến đấu.
Đã có nhiều chuyện kể về sự khổ nhọc khi đi lính Nga, như lính quèn hưởng lương tương đối thấp. Nhưng thông tin về “đoàn quân lê dương của ông Putin” lọt vào tai của những người không thuộc các nước LX cũ.
Năm qua, báo Moscow Times nhận nhiều thư điện tử của độc giả, quan tâm việc gia nhập quân đội Nga, đề nghị báo giúp nói chuyện với bộ phận tuyển quân. Một độc giả này còn ngỡ một nhà báo Moscow Times là sĩ quan tuyển quân cho lực lượng tình báo Nga.
Nói chung, xem ra những người phương tây quan tâm việc gia nhập quân đội Nga này đều vì quan điểm chống chính phủ nước họ, và họ lọt vào tầm ngắm của các cơ quan tuyên truyền của Nga ở nước ngoài, ví dụ trang tin điện tử Russia Times.
Rachel, một thiếu nữ 18 tuổi miền trung tây nước Mỹ, xem việc đi lính Nga là cách cô chống chính sách đối ngoại của “đế quốc Mỹ”.
Cô từng hai lần muốn chiến đấu cho quân ly khai ở đông Ukraine, nhưng bị từ chối “vì giới tính của tôi, và cũng vì trình độ tiếng Nga của tôi chỉ ở mức trung bình”.
Rachel nói: “Với tôi, Nga là một bức tường chống các quyền lợi Mỹ. Nên tôi ráng theo quân ly khai để chống các quyền lợi này. Nhưng không được, nên tôi trông vào quân đội Nga, nhưng cũng bị từ chối”.
Nhưng yêu cầu phải biết tiếng Nga của Bộ Quốc phòng nước này, không cản những người chẳng hề biết một chữ Nga vẫn muốn đi lính cho Nga.
Mark (yêu cầu giấu tên họ) là một ví dụ. Ông từng là lính không quân hoàng gia Anh, nay sống ở Úc và chỉ biết vài câu tiếng Nga. Nhưng ông đã được thề sẽ phục vụ chính phủ Nga.
Mark nói: “Tổng thống Putin là người giúp đất nước không bị phương tây bắt nạt, hù dọa”. Ông đã gởi hồ sơ cho Bộ quốc phòng Nga, nhưng ông chưa được hồi âm về khả năng được họ tuyển.
Một cựu binh Mỹ chỉ xưng tên gọi là Will, từng đi lính Mỹ suốt 8 năm, giải thích anh muốn đi lính Nga vì anh nhớ việc nhà binh:
“Tôi yêu nước Mỹ, nhưng tôi rất chán cách điều hành của chính phủ nước tôi. Cách chính phủ giao nhiệm vụ chiến đấu không phải là cách mà quân đội Mỹ được lập, là phục vụ nhân dân Mỹ. Putin là người vì nước Nga, vì dân Nga, không phải vì phần còn lại của thế giới
Không chỉ có người phương tây mới muốn đi lính Nga. John người Gambia (châu Phi) nói với báo Moscow Times:
“Gia đình tôi rất nghèo, tôi độc thân và muốn giúp đỡ cha mẹ tôi thoát nghèo, nhưng tôi bị thất nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học năm 2010. Tôi không muốn sống mãi như thế. Việc tôi muốn đi lính Nga là để hưởng một mức lương kha khá.
Kristoffer,người Ấn 30 tuổi, từng học các học viện quân sự Ấn trước khi đi lính, cho biết: anh muốn sau 5 năm hợp đồng, anh ước gia nhập lực lượng đặc nhiệm Nga.
Kristoffer nhấn mạnh: anh không hề cảm thấy việc gia nhập quân đội Nga là một hành động phản quốc, vì “Ấn-Nga là bạn thân về chính trị và quốc phòng”.
Bảo Vĩnh (theo Moscow Times)
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon