Nếu cứ chấp nhận làm thuê mãi thì FDI thế là đáng mừng rồi

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 của tháng 1.2016 (15 ngày đầu tháng) đạt 5,95 tỉ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 205 triệu USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, riêng điện thoại các loại và linh kiện đã chiếm 1,06 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 584 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 162,11 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện chiếm đến gần 20% tổng kim ngạch.

Theo báo cáo, đây cũng là mặt hàng đầu tiên của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lên đến 30 tỉ USD và bỏ xa vị trí thứ 2 thuộc về nhóm mặt hàng dệt may, đạt 22,81 tỉ USD.

Thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong năm 2015 là EU với 10,11 tỉ USD, chiếm 33,5% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này. 

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam chủ yếu vẫn do đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là Samsung Electronics Việt Nam.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc xuất khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản chỉ là xuất khẩu hộ, phần Việt Nam được hưởng trong chuỗi giá trị của những sản phẩm này quá nhỏ bé, chỉ là công gia công lắp ráp.

Theo ông Trinh, chúng ta phải xác định cụ thể chiến lược của mình sẽ là thế nào, cái để vươn tới là cái gì. Nếu chấp nhận mãi làm thuê cho nước ngoài thì FDI như hiện nay đã là đáng mừng. Sắp tới chắc chắn FDI sẽ còn vào nhiều nữa. Nhưng vấn đề cần đặt ra là cái thực sự Việt Nam cần từ FDI là gì.

“Hiện nhiều người đang tự hào về xuất khẩu cao từ FDI. Chúng ta đang tự hào về nhiều thứ chứ không chỉ có xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử. Nhưng một trong những điều cần thay đổi trong tư duy là chỉ nên tự hào với những cái đáng tự hào” – ông Bùi Trinh cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam có mang lại cho Việt Nam một số lợi ích nhưng do tỷ lệ nội địa hóa thấp, kinh tế Việt Nam ít có giá trị gia tăng, 

Chuyên gia Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển cho rằng do Việt Nam rất cần vốn và cũng không quyết tâm trong việc lựa chọn và đưa ra những biện pháp ràng buộc để các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ, thành ra bảo rằng họ không chuyển giao thì trước hết là tại mình, trách mình trước rồi hãy trách họ.

Việt Nam quản lý hết sức lỏng lẻo, lại ham thu hút vốn để tăng GDP, tăng xuất khẩu mà không để ý đến chất lượng xuất khẩu đó như thế nào.

Theo chuyên gia này, bên cạnh việc các doanh nghiệp FDI "né" chuyển giao công nghệ thì các doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ trình độ để có thể tiếp nhận được công nghệ của họ. Đây là điều cần phải khắc phục thật nhanh.

Hoàng Long

Previous
Next Post »
Thanks for your comment