Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 28.1.
Về những cơ hội trong năm 2016, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp nối đà cải cách vi mô, tái cơ cấu nền kinh tế và có thể thực chất hơn trong năm 2016.
Đồng thời gia tăng đầu tư tư nhân và FDI tăng do triển vọng và môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Đầu tư công có thể tăng nhanh (năm đầu của khung đầu tư trung hạn 2016-2020)
Bên cạnh đó là cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế do các hiệp định đã ký kết và thực hiện (FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc; AEC; v.v.); các hiệp định sắp thực hiện (FTA với EU; TPP); các hiệp định đang đàm phán (RCEP; FTA với Israel; ASEAN-Hong Kong).
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cơ hội còn lớn hơn do tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế với cải cách trong nước và đầu tư.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2016 còn bất định. Đó là đà phục hồi chậm (Hoa Kỳ phục hồi vững chắc nhất, song cũng đã ra tín hiệu ngừng nới lỏng tiền tệ), xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới giảm.
Bên cạnh đó, bất định còn đến từ môi trường chính sách trong nước. Đó là băn khoăn về hiệu quả cải cách trong 6 tháng đầu năm 2016, về áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước khi USD và lãi suất ở Mỹ tăng, áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ đối với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp và rủi ro lạm phát.
Ông Cung cũng chỉ ra những điều không hợp lý như nguồn lực từ cổ phần hóa không dùng để tái đầu tư, mà lại dùng để hỗ trợ cho chi NSNN. Khả năng trả nợ và kế hoạch trả nợ đều chưa rõ ràng, chèn lấn khu vực tư nhân...
Do đó, báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Đồng thời, nhấn mạnh việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Doanh nghiệp cần tư duy lại
Theo báo cáo, bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hơn đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần tư duy lại về phương thức tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu.
Phương thức thông thường được các doanh nghiệp áp dụng là nhập khẩu nguyên liệu và đầu vào từ nước ngoài, sau đó gia công xuất khẩu. Phương thức này nhanh chóng và dễ dàng, song lợi nhuận các doanh nghiệp trong nước thu được sẽ ở mức thấp và chỉ phù hợp với các doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển ban đầu.
Phương thức thứ hai là nhập khẩu nguyên liệu và đầu vào từ các nước có FTA với quy tắc xuất xứ phù hợp (chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế ASEAN với quy tắc xuất xứ gộp). Khi ấy, doanh nghiệp có thể tận dụng thuế nhập khẩu ưu đãi khi xuất khẩu vào các đối tác FTA phù hợp.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Việt Nam đã có nhiều FTA với các cơ hội khá đa dạng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức của doanh nghiệp là: quản lý được nguồn hàng nhập khẩu để bảo đảm khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ; hạn chế được các chi phí liên quan đến các thời gian, thủ tục về các giấy tờ liên quan; xây dựng được tầm nhìn để tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh và chuyển dần lên các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.
Phương thức thứ ba - phức tạp và nhiều thách thức hơn - là phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để có thể tự chế tạo và sản xuất các sản phẩm cho bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp FDI.
Với công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ phát triển, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ nhiều FTA khác nhau. Đây là hướng đi dài hạn, song cần sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong nước.
Việc xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ và quản lý chuỗi sẽ có vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Hoàng Long
Out Of Topic Show Konversi KodeHide Konversi Kode Show EmoticonHide Emoticon